Nhà Trắng hôm 26-6 cho biết Mỹ đặt mục tiêu huy động 200 tỉ USD tiền tài trợ trong các lĩnh vực công cộng và tư nhân nhằm đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Reuters dẫn lời Nhà Trắng cho hay khoản tiền trên sẽ được dùng để tài trợ cho cơ sở hạ tầng cần thiết ở các nước đang phát triển theo sáng kiến của Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7), đối trọng với dự án “Vành đai và Con đường| trị giá hàng ngàn tỉ USD của Trung Quốc.
Nhà Trắng nói thêm hàng trăm tỉ USD có thể được huy động từ các ngân hàng phát triển đa phương, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư thuộc quyền quản lý của các chính phủ nước ngoài (SWF). Khoản tiền 200 tỉ USD nằm trong tổng số 600 tỉ USD dự kiến được các quốc gia G7 chi tiêu nói chung.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố kế hoạch này tại Hội nghị thường niên G7 tổ chức ở Schloss Elmau – Đức trong năm nay. Tham gia hội nghị gồm có các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Canada. Họ được cho là tập trung vào các dự án giúp giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, cải thiện sức khỏe toàn cầu, bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Tổng thống Joe Biden sẽ nhấn mạnh một số dự án hàng đầu, bao gồm dự án phát triển năng lượng mặt trời trị giá 2 tỉ USD ở Angola với sự hỗ trợ của Bộ Thương mại, Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Mỹ, Công ty AfricaGlobal Schaffer và nhà phát triển dự án Sun Africa.
Các nhà lãnh đạo G7 đã nhắc tới kế hoạch chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc hồi năm ngoái và hiện tại ra mắt chương trình “Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu”.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi động vào năm 2013, liên quan tới hoạt động phát triển và đầu tư ở hơn 100 quốc gia với một loạt dự án đường sắt, cảng và đường cao tốc.
Các quan chức Nhà Trắng bình luận rằng Bắc Kinh muốn xây dựng “phiên bản hiện đại của Con đường tơ lụa cổ đại” vốn mang lại ít lợi ích hữu hình cho nhiều nước đang phát triển, đồng thời tăng tỉ lệ lao động cưỡng bức và lao động trẻ em.
Trong khi đó, theo Bloomberg, các quốc gia G7 đã cam kết hỗ trợ Ukraine bằng “tất cả hình thức có thể trong một thời gian không giới hạn”. Tại Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày ở Đức lúc này, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine được cho là nằm trong chương trình nghị sự chính.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và sát cánh với Ukraine miễn là họ cần” – Bloomberg trích bản dự thảo của Hội nghị thượng đỉnh cho biết.
Nga đã cảnh báo Mỹ, EU và các đồng minh về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine vì sẽ kéo dài cuộc xung đột. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây phớt lờ cảnh báo này. Hôm 26-6, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đồng ý tiếp tục ủng hộ Ukraine về mặt quân sự.
Reuters tiết lộ G7 cũng đang tổ chức các cuộc “thảo luận mang tính xây dựng” về giá nhập khẩu dầu mỏ của Nga.
T.P