Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTập Cân Bình “lót ổ” nhân sự ở Bộ Ngoại Giao

Tập Cân Bình “lót ổ” nhân sự ở Bộ Ngoại Giao

Ông Tập Cận Bình người được cho là sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ ba tại cuộc họp của ĐCSTQ ở Bắc Kinh vào cuối năm nay đã bắt đầu chọn ra một thế hệ ngoại giao “chiến binh sói” mới.

Ông Dương Khiết Trì và ông Vương Nghị.

Với việc ông Dương Khiết Trì 72 tuổi, và ông Vương Nghị 68 tuổi nghỉ hưu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ trải qua cuộc thay thế quan chức hàng đầu của Bộ lớn nhất trong nhiều thập niên.

Ông Richard McGregor – một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Lowy về Chính sách Quốc tế ở Úc, và ông Neil Thomas – một nhà phân tích về Trung Quốc tại Eurasia Group ở Washington đã viết một bài phân tích trên Nikkei Asian Review cho rằng, tại Đại hội đảng lần thứ 20, ông Tập Cận Bình có thể chọn người thay thế ông Dương Khiết Trì và ông Vương Nghị sắp nghỉ hưu.

Về lý thuyết, ông Dương Khiết Trì sẽ rời chức vụ Cục trưởng Cục Chính trị và Ủy ban Đối ngoại Trung ương (CFAC) sau Đại hội đảng lần thứ 20; Nhiệm kỳ của ông Vương Nghị sẽ kết thúc vào tháng 3 năm sau.

Mặc dù, ông Tập Cận Bình dường như sẵn sàng kéo dài nhiệm kỳ của mình bằng cách phá vỡ giới hạn nghỉ hưu, nhưng ông không có mong muốn hoặc không cần phải thay đổi các quy tắc nghỉ hưu cho những người khác, nếu không có chuyện ngoài ý muốn xảy ra, các ủy viên Bộ Chính trị sẽ tuân thủ quy định “bảy lên tám xuống” được đưa ra từ năm 2002.

Các quan chức từ 67 tuổi trở xuống có thể trúng cử hoặc phục vụ thêm 5 năm trong cơ quan tinh anh ra quyết sách của đảng, trong khi những người 68 tuổi trở lên phải nghỉ hưu.

Ông Tập bắt đầu điều chuyển các quan chức cấp cao hiện có của Bộ Ngoại giao để cài cắm người của mình

Hiện tại, vẫn chưa có người kế nhiệm rõ ràng để thay thế ông Dương Khiết Trì và ông Vương Nghị. Nhưng những thay đổi nhân sự cấp cao trong những tháng gần đây cho thấy ông Tập sẽ sử dụng đại hội Đảng và thay đổi công việc của chính phủ để làm trong sạch bộ ngoại giao. Vì hai quan chức có nhiều khả năng thay thế đã bị gạt ra ngoài.

Sự thay đổi sớm nhất là vào năm 2019, khi ông Tập Cận Bình hiếm khi điều chuyển ông Tư Ngọc (Qi Yu) – thứ trưởng Bộ Tổ chức làm Bí thư Nhóm lãnh đạo Đảng của Bộ Ngoại giao. Bài viết cho rằng đây là động thái chưa từng có khi đưa một người không có kinh nghiệm ngoại giao vào phụ trách công tác chính trị nội bộ của Bộ Ngoại giao.

“Mặc dù ít người biết về tầm quan trọng việc bổ nhiệm này, nhưng những người trong cuộc không nghi ngờ gì: Đó là một tín hiệu rõ ràng cho thấy ông Tập muốn Trung ương Đảng kiểm soát nhiều hơn đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc, sự thăng tiến được đưa ra dựa trên sự trung thành với tầm nhìn chính trị của ông Tập Cận Bình”, bài viết cho biết.

Bộ Ngoại giao cũng là đối tượng của các cuộc điều tra về chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Quan chức cấp cao nhất bị bắt là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trương Côn Sinh (Zhang Kunsheng). Ông bị bắt vào năm 2015, trở thành nhà ngoại giao cấp cao đầu tiên bị ngã ngựa dưới thời ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, xét từ việc điều chuyển các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao hiện nay, quá trình bổ nhiệm người mới của ông Tập Cận Bình dường như đầy rẫy biến số.

Người nhiều khả năng kế nhiệm ông Dương Khiết Trì đã bị chuyển đến Hội nghị hiệp thương chính trị

Căn cứ theo lý lịch, người sẽ kế nhiệm ông Dương Khiết Trì nhiều khả năng là ông Tống Đào (Song Tao), ông giữ chức trưởng Ban Liên lạc Quốc tế của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ cho đến đầu tháng 6, quản lý việc trao đổi với hơn 500 đảng phái chính trị nước ngoài.

Ông Tống Đào 67 tuổi, vừa đủ tuổi làm Ủy viên Bộ chính trị, ông có mối liên hệ cá nhân với ông Tập Cận Bình, trong những năm 1980 và 1990 ông đã làm việc với ông Tập Cận Bình tại tỉnh Phúc Kiến.

Ông Tống Đào cũng là một trong số ít các nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại cấp bộ trưởng. Dưới một bậc so với các ủy viên Bộ Chính trị trên thang điều hành của Đảng. Nhưng vào cuối tháng 6, ông đã bị chuyển đến Hội nghị hiệp thương chính trị, một động thái như vậy thường báo hiệu rằng ông ấy sắp nghỉ hưu.

Ông Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi) – giám đốc cấp bộ trưởng của Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện, có thể là nhà ngoại giao cấp cao nhất kế nhiệm ông Dương Khiết Trì. Giống như ông Tống Đào, ông là một trong hơn 200 ủy viên được bầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ông Lưu Kết Nhất, người đã bước sang tuổi 65 vào tháng 12, đáp ứng tiêu chuẩn về độ tuổi của Bộ Chính trị. Ông từng là đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, phó giám đốc Liên đoàn Quốc tế vì Dân chủ, và trợ lý cho bộ trưởng ngoại giao.

Bài viết nói rằng nếu ông Lưu Kiết Nhất được thăng chức từ các vấn đề Đài Loan lên một nhà ngoại giao cấp cao, đó sẽ là một tín hiệu mạnh, cho thấy ông Tập Cận Bình tin rằng quan hệ hai bờ eo biển đang xấu đi, cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ cấp cao nhất và quản lý nhu hoà hơn.

Nếu ông Lưu Kiết Nhất không kế nhiệm ông Dương Khiết Trì, ông cũng sẽ là một ứng cử viên nặng ký để giữ chức ủy viên quốc vụ hoặc trở thành Bộ trưởng bộ ngoại giao tiếp theo.

Quan chức có nhiều khả năng kế nhiệm ông Vương Nghị cũng đã bị điều chuyển khỏi Bộ Ngoại giao

Ngoài ra, Thứ trưởng Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng), người trước đây được coi là người có khả năng kế nhiệm ông Vương Nghị cao nhất cũng đã bị điều chuyển khỏi Bộ Ngoại giao vào tháng 6. Điều này khiến cuộc cạnh tranh vào top 20 cho chức vụ Bộ trưởng bộ ngoại giao trở nên kịch liệt và bất định hơn.

Ông Lạc Ngọc Thành là nhà ngoại giao cao nhất về các vấn đề của Nga, và ông cũng đã là một quan chức cấp bộ trưởng. Ông là một ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, ông đủ điều kiện tham gia các cuộc họp ra quyết định quan trọng trong nội bộ đảng, và ông Lạc Ngọc Thành là thứ trưởng ngoại giao duy nhất có tư cách này.

Ông cũng từng là phó giám đốc Văn phòng Nhóm lãnh đạo về Đối ngoại của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và được cho là có quan hệ mật thiết với ông Tập Cận Bình tổng bí thư đảng. Giờ đây, ông Lạc Ngọc Thành đã bị Tập Cận Bình chuyển ra khỏi lĩnh vực ngoại giao chuyên nghiệp. Có thông tin cho rằng, ngoài việc nói sai sự thật về vấn đề của Nga, còn liên quan đến việc ông Tập Cận Bình chuẩn bị điều chỉnh đường lối chung trong chính sách đối ngoại.

Một phân tích của Nikkei Asian Review hồi tháng 6 cho biết: “Cách đối xử với ông Lạc Ngọc Thành có liên quan mật thiết đến việc cải tổ lãnh đạo tại đại hội toàn quốc kéo dài 5 năm của Đảng được tổ chức vào mùa thu năm nay. Nó cũng liên quan đến việc thành lập một nhóm ngoại giao mới của Trung Quốc vào mùa xuân tới tại kỳ họp thứ hai, kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc”.

Sau khi ứng cử viên nổi tiếng Lạc Ngọc Thành bất ngờ bị điều chuyển tới Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình, cuộc cạnh tranh chức Bộ trưởng bộ ngoại giao đã hoàn toàn mở.

Nhìn vào dữ liệu, mọi bộ trưởng ngoại giao kể từ năm 1982 đều từng là thứ trưởng ngoại giao và làm việc ở Bắc Kinh trước khi được chọn, họ đều 62 tuổi trở xuống khi nhậm chức. Nếu các điều kiện này được đáp ứng, ba thứ trưởng hiện tại – Mã Triều Húc (Ma Zhaoxu-58 tuổi), Tạ Phong (Xie Feng-58 tuổi) và Đặng Lực (Deng Li-57 tuổi) sẽ là những ứng cử viên nặng ký nhất.

Dù ai kế nhiệm ông Vương Nghị và ông Dương Khiết Trì thì chắc chắn ông Tập Cận Bình sẽ chọn ra một thế hệ chiến binh sói mới. Tuy nhiên, ngay cả chiến binh sói hung dữ nhất trước hết cũng phải tuân theo sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình.

Bài viết nói rằng lứa lãnh đạo ngoại giao mới của ĐCSTQ có thể vẫn tiếp tục nghiêng về quan hệ Trung-Nga, thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Bắc Kinh trên thế giới không phải phương Tây, lập trường này chắc chắn sẽ tăng cường cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ và các đồng minh.

Có thể trong tương lai Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ tăng cường “duy trì” mô hình chính trị và yêu sách lãnh thổ của ĐCSTQ, sử dụng tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của đất nước như một công cụ cưỡng chế chính sách đối ngoại.

Bài viết nói rằng cho đến khi lớp bụi lắng xuống, đối với các ứng viên ngoại giao hàng đầu, những nhà ngoại giao nghĩ rằng họ có cơ hội thăng tiến sẽ không chỉ lên tiếng mà còn không bỏ qua bất kỳ điểm xung đột nào giữa Trung Quốc và phương Tây. Điều này có thể tạo ra nhiều sự tách biệt hơn của Trung Quốc với thế giới và cuối cùng gây thêm áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc và sự tăng trưởng dài hạn của nước này.

Bài viết cảnh báo rằng trong trường hợp xấu nhất, căng thẳng Trung-Mỹ có thể biến thành một cuộc chiến tranh Ấn Độ-Thái Bình Dương và ông Tập sẽ cần một đội ngũ chính sách đối ngoại có tay nghề cao để xử lý vấn đề.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới