Friday, November 15, 2024
Trang chủQuân sựMỹ – Trung và màn “mèo vờn chuột” tại Biển Đông

Mỹ – Trung và màn “mèo vờn chuột” tại Biển Đông

Trên Biển Đông, căng thẳng giữa quân đội Mỹ – Trung ở vùng biển chiến lược này sẽ tiếp tục gia tăng. Trò chơi “mèo vờn chuột”, dằn mặt lẫn nhau chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.

Tàu khu trục Mỹ USS Benfold đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 19.7.

Mới đây, Trung Quốc cáo buộc tàu khu trục Mỹ “gây nguy cơ an ninh” ở eo biển Đài Loan (eo biển là một phần của Biển Đông và tiếp nối với biển Hoa Đông ở phía bắc), trong khi Mỹ khẳng định hoạt động của tàu tuân thủ luật pháp quốc tế và khẳng định cam kết với khu vực.

Trang Reuters đưa tin quân đội Trung Quốc cho hay đã theo sau và quan sát khi tàu khu trục USS Benfold của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan.

Bộ Tư lệnh Chiến khu đông Trung Quốc cáo buộc Mỹ “thường xuyên khiêu khích và thể hiện”, cũng như “gây nguy cơ an ninh” ở eo biển Đài Loan.

Trong khi đó, Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ cho hay tàu khu trục lớp Arleigh Burke này đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 19.7 trong vùng biển quốc tế và tuân thủ luật pháp quốc tế.

“Tàu đi qua hành lang dọc eo biển bên ngoài lãnh hải của bất cứ quốc gia nào. Việc tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, theo thông cáo của Hạm đội 7 đưa ra ngày 20.7.

Thông cáo cho biết quân đội Mỹ có thể đưa máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép.

Trước đó, Hạm đội 7 cho biết tàu USS Benfold đã hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải (FONOP) vào ngày 13.7 tại Biển Đông gần Hoàng Sa – quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Thông cáo nói hoạt động này phù hợp với luật quốc tế và tàu Benfold sau đó tiếp tục hoạt động tại Biển Đông. Bên cạnh đó, hoạt động của Mỹ còn nhằm thách thức tuyên bố của Trung Quốc về đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa, cho rằng tuyên bố này không phù hợp với luật quốc tế.

Đến ngày 16.7, Hạm đội 7 ra thông cáo cho hay tàu khu trục USS Benfold của Hải quân Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông gần Trường Sa.

“Vào ngày 16.7 USS Benfold khẳng định quyền đi lại và tự do ở gần quần đảo Trường Sa, theo luật pháp quốc tế”, thông cáo viết, và cho biết tàu tiếp tục hoạt động ở Biển Đông.

Theo thông cáo, những yêu sách phi pháp về hàng hải ở Biển Đông gây đe dọa nghiêm trọng đến tự do biển, bao gồm tự do cho tàu thuyền, máy bay, tự do thương mại và tự do về cơ hội kinh tế cho các nước trong khu vực.

Thông cáo nhắc lại rằng luật pháp quốc tế theo Công ước về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) cung cấp các quyền và tự do cùng việc sử dụng hợp pháp vùng biển cho tất cả các nước.

Có thể thấy, căng thẳng Biển Đông vẫn tiếp tục là trò “mèo vờn chuột” giữa Trung Quốc và Mỹ. Hai bên đều nỗ lực “phô trương cơ bắp”, dằn mặt nhau thông qua từng đợt tập trận bắn đạn thật, điều tàu chiến, tiêm kích chiến đấu đến các vùng biển tranh chấp… theo lý lẽ riêng của mình.

Thực tế, Trung Quốc đang mở rộng lãnh hải trái phép trên Biển Đông và đã khẳng định yêu sách chủ quyền với hơn 90% vùng biển và các thực thể ở Biển Đông thông qua “đường 9 đoạn” hay còn được biết đến với tên gọi “đường lưỡi bò”. “Đường 9 đoạn” vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nghiêm trọng và vấp phải sự phản đối của nhiều nước Đông Nam Á.

Để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông đó, Trung Quốc đã cố ý thay đổi cách hiểu về lịch sử nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với vùng biển này. Trong đó, có cái gọi là chiến thuật vùng xám đã được Trung Quốc áp dụng nhằm áp đặt những tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình.

Chuyên gia Greg Poling nhấn mạnh: “Tất cả những hành động này là hoàn toàn bất hợp pháp, nếu xét theo UNCLOS năm 1982”. Là thành viên của UNCLOS nhưng Trung Quốc lại đưa ra các tuyên bố vi phạm quyền của tàu thuyền, máy bay và công dân Mỹ, đồng thời đe dọa làm suy yếu luật pháp hàng hải quốc tế.”

Dĩ nhiên, Biển Đông được ví như “siêu xa lộ hàng hải” với các hoạt động giao thương hàng hóa tấp nập. Do đó, hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên trong khu vực là rất quan trọng để xây dựng sự quản trị hàng hải tốt. Mỹ đã liên tục thực hiện tự do hàng hải này để ghìm chân bước tiến của Trung Quốc.

Mỹ đã ứng phó bằng cách thực hiện nhiều hoạt động hơn trong khu vực. Các chiến dịch Tự do hàng hải (FONOPS) của Mỹ đã tăng từ con số 0 vào năm 2014 đến mức cao nhất mọi thời đại là 10 vào năm 2019. Hải quân Mỹ đang duy trì 60% hạm đội tàu ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thực hiện 3 sứ mệnh tác chiến tàu sân bay trong khu vực.

Bên cạnh đó, để đáp trả lại hành động ngang ngược của Trung Quốc, khong chỉ Hải quân, mà Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cũng đề xuất quy tắc để giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức và các vấn đề về quyền lao động khác trong ngành thủy sản. Theo đó, các quy tắc mới ban hành của NOAA sẽ đảm bảo tính nhất quán với kế hoạch hành động quốc tế của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn, xác định và loại bỏ đánh bắt cá trái phép.

Theo thông cáo, Mỹ sẽ hợp tác với Việt Nam, Ecuador, Panama, Senegal và đảo Đài Loan về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gọi tắt là IUU trong thuật ngữ về môi trường. Kế hoạch sẽ được công bố vào cuối tháng 7/2022.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới