Wednesday, November 20, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ nổi cáu về Hiệp ước AUKUS

TQ nổi cáu về Hiệp ước AUKUS

Trong cuộc họp báo ngày 29/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết, Bắc Kinh phản đối sự hợp tác giữa ba quốc gia này và cáo buộc họ làm suy yếu “hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu trong một cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh, 08/04/2020.

Ông Triệu cho biết không nên cho phép chia sẻ thông tin hạt nhân, trừ khi có sự chấp thuận của tất cả các bên liên quan trong Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc các quốc gia AUKUS không thông báo về “nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân”, đồng thời cảnh báo rằng điều đó có thể làm suy yếu “hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Bình luận từ Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị rà soát lần thứ 10 các bên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (từ ngày 01/08 đến ngày 26/08). Tổ chức này sẽ xem xét Hiệp ước Tàu ngầm hạt nhân AUKUS sau khi Trung Quốc đệ trình các yêu cầu xem xét lại.

IAEA hài lòng với sự minh bạch của AUKUS

Úc, Mỹ và Anh, trong một tuyên bố chung (pdf) tại Hội nghị, đã nói rằng cả ba nước cam kết chuyển giao công nghệ tuyệt mật theo cách thức phù hợp với các tiêu chuẩn không phổ biến vũ khí hạt nhân, đảm bảo Úc không cần phải tiến hành làm giàu từ Uranium hoặc chế tạo nhiên liệu.

“Cộng đồng quốc tế có thể tin tưởng vào các chủ trương của chúng tôi. Đặc biệt, thành tích của Úc trong việc không phổ biến vũ khí hạt nhân là một ví dụ điển hình”, tuyên bố chung của ba nước cho biết.

AUKUS cũng cho biết các thành viên của tổ chức rất mong muốn phối hợp với IAEA để tìm ra cách tiếp cận phù hợp trước các cuộc thanh tra. Lập trường này đã làm hài lòng Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi.

Ông Grossi, trong một tuyên bố trước Hội đồng thống đốc của cơ quan này vào tháng 6, cho biết: “Tôi muốn bày tỏ sự hài lòng với những cam kết và sự minh bạch của ba quốc gia cho đến nay”.

Úc sẽ chứng kiến xung đột trong 10 năm tới

Bình luận từ Bắc Kinh được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Richard Marles cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế rằng, các nhà phân tích quốc phòng Úc đã cảnh báo nước này sẽ chứng kiến ​​xung đột trong 10 năm tới.

Ông Marles cho biết: “Hai năm trước đây – với sự tín nhiệm của chính phủ cũ – họ đã tiến hành Cập nhật Chiến lược Quốc phòng”.

Ông Marles cho rằng điều đó sẽ khiến Úc chứng kiến xung đột trong 10 năm tới.

“Vì vậy, luôn có một giả định trong hoạch định chiến lược ở Úc cho rằng chúng tôi sẽ được thông báo trước 10 năm nếu có ai đó muốn làm hại chúng tôi”, ông Marles cho hay.

Ông Marles cũng lưu ý rằng Úc hiện đang trải qua thời gian thử thách với Trung Quốc.

“Hiện tại, với cách mà Trung Quốc đang định hình thế giới, chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức từ đối tác thương mại lớn nhất của mình. Điều đó khiến con đường phía trước trở nên xa vời”, ông nói.

“Và, quý vị biết đấy, chúng tôi cũng đang gặp phải sự cạnh tranh chiến lược đáng kể từ Trung Quốc ở khu vực lân cận. Vì vậy, tất cả những thách thức đó đang đặt ra cho chúng tôi những câu hỏi về vị thế của nước Úc và những điều chúng tôi phải cần làm”.

Úc: Trung Quốc cần giải thích về sự mở rộng kho vũ khí quân sự
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton đã kêu gọi chính phủ liên bang Úc cần phải thúc đẩy Bắc Kinh giải thích về việc xây dựng quân đội của họ.

Phát biểu trên đài Sky News Australia, cựu Bộ trưởng quốc phòng Úc nói rằng, mặc dù Úc rất hoan nghênh việc nối lại thông tin liên lạc ngoại giao cấp cao giữa Úc và Trung Quốc, song chính phủ liên bang Úc cần đặt câu hỏi với Trung Quốc về sự mở rộng nhanh chóng của kho vũ khí quân sự của nước này.

Ông Dutton nói: “Trung Quốc tiếp tục tích lũy vũ khí hạt nhân và đang phát triển hạm đội hải quân với tỷ lệ trọng tải tương đương với toàn bộ hạm đội Hải quân Hoàng gia Úc sau mỗi 18 tháng”.

Ông Dutton cho rằng, điều này rất nghiêm trọng, đặc biệt là trong thời điểm mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang cạn kiệt nguồn khí tài dự trữ để tăng cường viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với lực lượng Nga.

Về các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao, ông Dutton bày tỏ quan ngại với Bắc Kinh.

“Chính phủ Úc cần nghiêm túc trong các cuộc thảo luận với Bắc Kinh và cần yêu cầu quốc gia này giải thích về nhiều vấn đề như: những hành vi vi phạm nhân quyền, việc xây dựng quân đội, vụ tấn công máy bay giám sát P-8 chỉ là một vài tuần trước, việc giám sát một trong những con tàu của Úc trong khu vực tranh chấp”, ông nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới