Thursday, November 7, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐoàn nghị sĩ Mỹ thăm Đài Loan, TQ đứng ngồi không yên

Đoàn nghị sĩ Mỹ thăm Đài Loan, TQ đứng ngồi không yên

Chưa đầy 2 tuần sau chuyến công du gây nhiều căng thẳng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, thêm một phái đoàn nghị sĩ nước này lại đến thăm Đài Loan, hàm chứa thông điệp mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc.

Tối qua (14.8), truyền thông quốc tế bất ngờ đưa tin một chuyên cơ của Không quân Mỹ chở theo đoàn nghị sĩ của nước này vừa hạ cánh xuống Đài Loan bắt đầu chuyến thăm 2 ngày.

Phái đoàn lưỡng đảng

Theo thông báo của cơ quan đại diện Mỹ tại Đài Loan, chuyến thăm được dẫn đầu bởi Thượng nghị sĩ Dân chủ Ed Markey, và tham gia phái đoàn còn có Hạ nghị sĩ Dân chủ John Garamendi, Hạ nghị sĩ Dân chủ Alan Lowenthal, Hạ nghị sĩ Dân chủ Don Beyer và Hạ nghị sĩ Cộng hòa Aumua Amata Coleman Radewagen.

Ông Markey là một trong những nghị sĩ đã từng bỏ phiếu ủng hộ Đạo luật quan hệ với Đài Loan tại Quốc hội Mỹ vào năm 1979 và ông là người hiếm hoi trong thế hệ nghị sĩ khi đó vẫn còn tham gia nghị viện đến nay.

Theo Reuters, phái đoàn thăm Đài Loan ngày 14 – 15.8 sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao của đảo này để thảo luận về quan hệ song phương, an ninh khu vực, thương mại và đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu, biến đổi khí hậu và các vấn đề quan trọng. Cũng trong tối qua, văn phòng của Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn phát đi thông báo cho biết bà Thái sẽ tiếp phái đoàn trên vào ngày 15.8.

Thông báo cũng nhấn mạnh: “Giữa lúc Trung Quốc không ngừng gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan và khu vực khi tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự, việc ông Markey dẫn đầu phái đoàn đến thăm Đài Loan tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của quốc hội Mỹ đối với Đài Loan”.

Thông điệp của Washington

Trả lời Thanh Niên tối qua, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản) nhận xét: “Các chuyến thăm của những thành viên cấp cao trong quốc hội Mỹ đến Đài Loan diễn ra phổ biến. Phái đoàn lần này thăm Đài Loan sau phản ứng gay gắt của Trung Quốc đối với chuyến thăm của Pelosi đã giúp chuyến thăm Pelosi trở thành chuyện của quá khứ. Chuyến thăm của các nghị sĩ lần này vừa thể hiện sự nghiêm túc của họ, vừa tăng cường được cả quan hệ với Tổng thống Mỹ Joe Biden”.

Cũng trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá: “Đây là phái đoàn mới nhất của Mỹ thăm Đài Loan trong năm nay. Cũng trong năm nay, một số thượng nghị sĩ, bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã đến thăm Đài Loan… Đặc biệt là việc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nhân vật về mặt lý thuyết có quyền lực thứ 3 trong hệ thống chính trị Mỹ, đã đến thăm Đài Loan”.

“Mặc dù Mỹ tôn trọng chính sách Một Trung Quốc, nhưng thực tế là Đài Loan có thể hoạt động như một thực thể riêng. Trung Quốc buộc các nước khác tuân theo chính sách vừa nêu dựa trên ý chí của Bắc Kinh, nhưng thực tế không phải vậy. Thái độ của Trung Quốc là lý do mà các phái đoàn Mỹ đến thăm Đài Loan. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez cũng có ảnh hưởng lớn. Và chuyến thăm của bà Pelosi đã chứng minh rằng quan chức Mỹ sẵn sàng đến thăm Đài Loan bất chấp đe dọa của Bắc Kinh. Một khi nhân vật quyền lực số 3 của hệ thống chính trị Mỹ thăm Đài Loan thì những nhân vật ít quyền lực hơn sẽ chẳng ngần ngại thăm viếng đảo này”, TS Nagao phân tích.

Tương tự, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận định: “Trong khi Bắc Kinh tuyên bố việc các nhân vật chính trị và các phái đoàn nghị sĩ Mỹ thăm Đài Loan là ngược lại với chính sách và nguyên tắc Một Trung Quốc, thì trên thực tế Đài Loan liên tục trở thành điểm đến thăm của các phái đoàn từ Mỹ”.

“Chuyến thăm lần này do Nghị sĩ Markey dẫn đầu tiếp tục thể hiện điều đó. Chuyến thăm nhấn mạnh tầm quan trọng thuộc các nhánh chính trị khác nhau của Mỹ trong nỗ lực tăng cường quan hệ với Đài Loan, dù vẫn tuân thủ chính sách Một Trung Quốc nhưng cách diễn dịch về chính sách này lại có sự khác nhau giữa Washington và Bắc Kinh”, PGS Nagy nêu quan điểm.

RELATED ARTICLES

Tin mới