Ngày 14/8, một cây cầu vượt đang được xây dựng ở thành phố Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc bất ngờ đổ sập, các công nhân xây dựng bị đè bẹp. CCTV đưa tin chỉ có một người tử vong, nhưng cư dân mạng lại nói khác.
Hôm 14/8, trên Internet xuất hiện một số video về vụ sập cầu vượt đang được xây dựng ở thành phố Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên. Theo hình ảnh tại hiện trường có thể thấy một số công nhân đang thi công bị đè dưới gầm cầu. Sau đó, Cục Quản lý Ứng phó Khẩn cấp thành phố Đức Dương cũng xác nhận, vào khoảng 9 giờ sáng ngày 14/8, xảy ra một vụ tai nạn tại công trường ở ngã tư đoạn phía nam đường Nga Mi và đoạn phía đông đường Dân Giang.
CCTV đưa tin, trong vụ sập lần này, có 1 người đã tử vong sau nỗ lực cấp cứu không thành công, 1 người bị thương phải nhập viện và 1 người bị mắc kẹt. Đến khoảng 1h30 chiều cùng ngày, người bị mắc kẹt đã được giải cứu và đưa đến bệnh viện.
Tuy nhiên, một người tự xưng là biết rõ nội tình đã tiết lộ trên mạng xã hội Trung Quốc rằng, vụ tai nạn có rất nhiều người chết, một số nạn nhân còn bị đè nát sọ. Tuy vậy, không hề thấy phía chính quyền lên tiếng làm sáng tỏ sự việc.
Trên Weibo cũng có người chỉ ra rằng, nơi xảy ra vụ việc là một dự án trọng điểm của cục xây dựng đô thị địa phương: “Vì tổ chức cái gọi là hội nghị (cuối tháng này Hội nghị Thiết bị Năng lượng Sạch Thế giới năm 2022 sẽ được tổ chức tại Đức Dương), công dân thành phố Đức Dương có ai mà không biết, tất cả các dự án của thành phố hiện đang bị đẩy nhanh tiến độ, thời tiết nắng nóng như vậy mà công nhân phải làm liên tục 24 giờ, họ quá thê thảm. Dù sao thì người phụ trách dự án, nhân viên thi công, giảm sát quản lý, nhân viên bảo đảm an toàn tại hiện trường, không ai là chạy thoát!”.
Sau vụ tai nạn, có không ít cư dân mạng lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc chỉ vì một công trình nhằm giữ thể diện mà coi thường tính mạng và an toàn của người lao động: “Xem xem lãnh đạo đã rút lõi bao nhiêu, lại xây một công trình bã đậu phụ”; “Đó là công trình đang xây, giờ thì không đổ tại quá tải được nữa”; “Đến lúc rồi, công trình bã đậu phụ ắt đoản mệnh”…
Trung bình mỗi năm Trung Quốc có 7,4 “cây cầu tử thần”
Trên thực tế, những vụ sập cầu tương tự ở Đức Dương từng xảy ra ở Trung Quốc đại lục.
Vào ngày 8/5 năm ngoái, một cây cầu đang được xây dựng trên kênh Hàng Dũng ở huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang bất ngờ bị sập một phần và rơi xuống sông, phần cầu gãy đè lên một chiếc xe tải, may mắn là không có ai bị thương.
Khi đó, Cục Quản lý Ứng phó Khẩn cấp thành phố Thiệu Hưng phản hồi rằng, ban đầu nhận định vụ sập là do “chất lượng công trình” có vấn đề. Nhưng điều đáng nói là, cây cầu này là một phần của tuyến đường cao tốc Hàng Châu – Thiệu Hưng – Đài Châu, với vốn đầu tư khoảng 36,84 tỷ nhân dân tệ (khoảng 127,35 nghìn tỷ VNĐ) là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử của Thiệu Hưng.
Theo thống kê năm 2012 từ tờ Yicai của Trung Quốc, từ năm 2011 đến tháng 8/2012, có ít nhất 19 vụ tai nạn sập cầu đã xảy ra ở Trung Quốc.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ IFNews – tờ báo tài chính quốc tế trực thuộc Nhân dân Nhật báo, Trung Quốc đã có lần lượt 11 và 8 vụ sập cầu trong năm 2011 và 2012; 19 vụ sập cầu trong hai năm này khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và 57 người bị thương. Trong số đó, có 6 cây cầu được xây dựng từ năm 1997 đến năm 2000, thời gian thông xe lâu nhất chưa đến 15 năm; còn một cây cầu có mái che bằng gỗ bắc qua sông ở Nam Kinh mới xây dựng được khoảng một năm thì bị sập vì không chịu được khảo nghiệm của nước mưa.
Nếu tính từ năm 2007 đến 2012, Trung Quốc có ít nhất 37 cây cầu bị sập, trong đó 13 cây cầu đang xây dựng thì xảy ra sự cố khiến ít nhất 182 người tử vong và 177 người bị thương, trung bình mỗi năm nước này có 7,4 “cây cầu tử thần”.
Một số vụ sập cầu gây thiệt hại lớn được ghi nhận là vụ sập cầu Đà Giang ở huyện Phượng Hoàng, tỉnh Hồ Nam, với thiệt hại kinh tế trực tiếp gần 40 triệu nhân dân tệ. Sau sự cố sập cầu ở Cửu Giang, tỉnh Quảng Đông, người ta đã phải tốn 140 triệu nhân dân tệ để làm lại cầu.
T.P