Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMong đợi đối với tân Tổng thống Marcos liên quan phán quyết...

Mong đợi đối với tân Tổng thống Marcos liên quan phán quyết của toà trọng tài về Biển Đông

Đã 6 năm trôi qua kể từ khi Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 (Tòa Trọng tài về Biển Đông) ra phán quyết lịch sử về Biển Đông (mà Manila gọi là biển Tây Philippines) ngày 12/7/2016.

Đây được coi là một thắng lợi to lớn không chỉ đối với Philippines mà cả cộng đồng quốc tế. Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông làm rõ vấn đề quy chế pháp lý của Trường Sa; tính chất phi lý trong yêu sách và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, qua đó góp phần tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ở cấp độ khu vực, phán quyết tác động đến cách các quốc gia xác định lập trường của họ trong vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, khi phán quyết được đưa ra cũng là lúc ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền ở Philippines và thực hiện chính sách “xoay trục” sang Bắc Kinh, tạm “gạt sang một bên” phán quyết để hy vọng đạt được những hỗ trợ về kinh tế của Trung Quốc cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng của Philippines. Thế nhưng, sau 6 năm mọi thứ đã không diễn ra như mong đợi của vị cựu Tổng thống. Trong khi các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Philippines hầu hết chỉ dừng lại ở những lời hứa hão huyền (số vốn đầu tư trên thực tế rât nhỏ bé). Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đơn phương ở các vùng biển của Philippines trên Biển Đông mà theo Phán quyết Trung Quốc không có quyền như việc tàu Trung Quốc quấy rối các thuyền và tàu nghiên cứu của Philippines, thậm chí ngăn cản, phun vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines hay đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines, khiến người dân nước này và cộng đồng quốc tế hết sức phẫn nộ.

Cho đến năm cuối cùng của nhiệm kỳ 6 năm, chính quyền của ông Duterte đã có thái độ mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông, trong đó có việc đề cao hơn giá trị phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài về Biển Đông. Đáng chú ý là trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ 6 năm, chính quyền của ông Duterte đã tuyên bố thỏa thuận về thăm dò năng lượng chung với Trung Quốc ở Biển Đông. Trước sức ép của Trung Quốc, tháng 11/2018 Philippines đã ký với Trung Quốc Bản ghi nhớ khung về hợp tác khai thác dầu khí chung, theo đó hai bên tiến hành thảo luận về những nguyên tắc để triển khai, song không đạt được kết quả do lập trường của hai bên khác xa nhau.

Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines, tân Tổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. đã nhậm chức và thành lập chính phủ mới hôm 30/6/2022. Mọi con mắt đều đổ dồn vào vị Tổng thống mới cũng như định hướng chính sách của ông trong việc xử lý vấn đề tranh chấp Biển Đông. Với mối liên hệ chính trị với gia đình cựu Tổng thống Duterte và những tuyên bố ban đầu của Marcos Jr., các nhà phân tích cho rằng chính quyền Marcos sẽ tiếp tục mối quan hệ song phương với Trung Quốc, kể cả vấn đề Biển Đông.

Trong một phát biểu mới đây, một mặt ông Marcos Jr. gọi Trung Quốc là đối tác mạnh nhất của Philippines trong việc phục hồi sau đại dịch COVID-19; bày tỏ ý định tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường (BRI)” của Trung Quốc và thúc đẩy hợp tác sâu hơn về các thách thức khu vực. Mặt khác, Marcos Jr. cam kết sẽ tôn trọng phán quyết năm 2016 và nhất quán đối thoại với Trung Quốc với thái độ “cứng rắn”. Đồng thời, ông Marcos trấn an dư luận Philippines rằng ông sẽ không để cho một tấc đất nào thuộc quyền lợi ven biển của Philippines bị chà đạp bởi bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc.

Những phát biểu của quan chức cấp cao trong chính quyền của tân Tổng thống Marcos thể hiện rõ quan điểm này. Cố vấn An ninh Quốc gia Clarita Carlos ám chỉ một hình thức can dự quan trọng với Trung Quốc, cho thấy một cách tiếp cận toàn diện hơn trong vấn đề an ninh quốc gia. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 6 năm phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông, tân Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo khẳng định rằng phán quyết là chung thẩm và những tuyên bố của Trung Quốc là vô căn cứ. Trong một tuyên bố hôm 12/7, ông Enrique Manalo nhấn mạnh: “Phán quyết và UNCLOS là 2 mỏ neo cho chính sách và các hành động của Philippines (tại Biển Đông)… Những kết luận này không phải là thứ có thể phủ nhận hay bác bỏ nữa và phán quyết không thể chối cãi… Chúng tôi (Philippines) kiên quyết phản đối những nỗ lực phá hoại phán quyết… kể cả các nỗ lực xóa nó khỏi luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể của chúng tôi”. Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết dù đất nước của ông ủng hộ “ngoại giao”, Philippines vẫn có sự “chuẩn bị để ngăn chặn hành vi xâm lược”. Đáng chú ý, những tuyên bố cứng rắn được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới thăm Manila (hôm 06/7/2022).

Giới phân tích nhận định những tuyên bố chính sách trên thể hiện cam kết theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, cho phép Philippines bảo vệ các lợi ích chiến lược và duy trì quan hệ ngoại giao mà không bị các quốc gia khác gây áp lực hoặc can thiệp của ông Marcos. Chính quyền Marcos Jr. đang phải chịu nhiều áp lực trong việc giữ lời hứa đó. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua, các cuộc khảo sát cho thấy hầu hết cử tri tin rằng Marcos Jr. là ứng viên tốt nhất để bảo vệ Philippines trước Trung Quốc. Là tổng thống đầu tiên của Philippines giành được đa số phiếu kể từ sau giai đoạn nắm quyền của Tổng thống Ferdinand Emmanuel Edralín Marcos, dư luận kỳ vọng rằng Marcos “con” sẽ đáp ứng mong đợi và các mối quan tâm của họ.

Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng trong 6 năm tới dưới thời của tân Tổng thống Marcos Jr. phán quyết về Biển Đông của Tòa Trong tài sẽ không còn bị “lép vế” như 6 năm đã qua dưới thời của người tiền nhiệm Duterte bởi lẽ:

Thứ nhất, việc đề cao và thúc đẩy giá trị phán quyết năm 2016 là nguyện vọng chính đáng của người dân Philippines. Liên quan tới vấn đề này, một cuộc khảo sát ý kiến được Pulse Asia thực hiện từ ngày 24-27/6/2022 (ngay trước khi ông Marcos nhậm chức) cho thấy có tới 89% người Philippines muốn chính phủ Philippines khẳng định phán quyết năm 2016. Ngoài ra, 85% đồng ý rằng Philippines nên thành lập liên minh với các quốc gia khác để bảo vệ quyền lợi của đất nước, trong khi 80% cho rằng chính phủ cần tăng cường năng lực của Hải quân và Cảnh sát biển. Để làm được điều này, chính quyền Marcos Jr. phải tận dụng các mối quan hệ đối tác chiến lược hiện có và dựa vào các liên minh với các quốc gia cùng chí hướng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và đóng góp vào nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Philippines phải tiếp tục hợp tác đa phương và bao trùm với Mỹ, Australia, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Anh.

Thứ hai, việc thúc đẩy tuân thủ phán quyết năm 2016 cũng là mong muốn chung của các nước ven Biển Đông, trừ Trung Quốc. Ở khía cạnh này, ông Marcos sẽ có thêm các đồng minh là những người láng giềng anh em ASEAN. Việc phán quyết bác bỏ hoàn toàn yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông là phù hợp với mong muốn của các nước nhỏ ven Biển Đông bởi yêu sách này lấn sâu vào vùng biển của các nước này. Việc thúc đẩy phán quyết đồng nghĩa với việc các quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước này được bảo vệ theo luật pháp quốc tế. Phán quyết 2016 là một bước phát triển mới của UNCLOS 1982 cho thực tế tranh chấp ở Biển Đông. Thúc đẩy phán quyết 2016 chính là thúc đẩy thực thi UNCLOS theo đúng quan điểm của các nước ven Biển Đông đã được nhiều lần khẳng định trong các tuyên bố của ASEAN.

Phán quyết đã làm rõ thêm những nội dung được quy định trong UNCLOS, trở thành một bộ phận của luật pháp quốc tế và là một cơ sở pháp lý để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông mà lâu nay được các nước ASEAN luôn tuyên bố tuân thủ “tiến trình ngoại giao, pháp lý”. Trên thực tế, các nước ven Biển Đông đã căn cứ vào các nội dung phán quyết năm 2016 để xác lập các vùng biển liên quan của mình ở Biển Đông.

Thứ ba, việc thúc đẩy phán quyết còn là quan điểm chung của cộng đồng quốc tế, bao gồm các nước lớn như Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Úc, các nước châu Âu, châu Mỹ…. Đã có 7 nước Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Nhật, New Zealand gửi công hàm lên Liên hợp quốc đề cao giá trị phán quyết và kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết năm 2016. Mỹ và các đồng minh như Úc, Nhật, Canada, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan… đã đưa tàu chiến đến hoạt động ở Biển Đông để thúc đẩy phán quyết. Thậm chí, Mỹ đã công khai tuyên bố thúc đẩy thực thi phán quyết 2016 khi tàu chiến của hải quân Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp, mở rộng, xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông và đi cắt ngang qua quần đảo Hoàng Sa.

Mới đây nhất, ngày 13/7, một tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa là nhằm thách thức “đường cơ sở thẳng”. Hải quân Mỹ khẳng định: “Luật pháp quốc tế không cho phép các quốc gia lục địa, như CHND Trung Hoa, thiết lập các đường cơ sở xung quanh toàn bộ các nhóm đảo phân tán. Với những đường cơ sở này, CHND Trung Hoa đã cố gắng đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với nhiều vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hơn so với lẽ ra được hưởng theo quy định của luật pháp quốc tế”.

Những phát biểu của các quan chức cao cấp chính quyền mới tại Philippines về Biển Đông nhận được sự đồng tình của các “kiến trúc sư trưởng” vụ kiện chống lại Trung Quốc. Cựu Thẩm phán Antonio Carpio nói: “Chúng tôi chắc chắn hoan nghênh lập trường mới này của Marcos Jr, đó là quan điểm chính xác duy nhất mà bất kỳ tổng thống nào của Philippines cũng nên có về biển Tây Philippines (Biển Đông)”. Cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario, thậm chí còn thúc giục chính quyền Marcos “cương quyết đưa phán quyết ra trước Đại hội đồng Liên hợp quốc và bảo trợ một nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm thể hiện sự ủng hộ của các quốc gia khác về thực thi phán quyết”. Chúng ta cùng hy vọng được sự ủng hộ của dân chúng Philippines và cổ vũ, tiếp sức của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Marcos Jr. sẽ vững tin hơn và trở nên mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ những giá trị phán quyết năm 2016, đáp ứng kỳ vọng của 31 triệu người Philippines đã bỏ phiếu cho ông để bảo vệ lợi ích quốc gia và bảo vệ các quyền lãnh thổ và quyền hàng hải của Philippines, đồng thời đóng góp vào việc duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới