Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiUkraine muốn tăng đòn trừng phạt Nga nhưng EU đã "kiệt sức"?

Ukraine muốn tăng đòn trừng phạt Nga nhưng EU đã “kiệt sức”?

Các nhà ngoại giao và giới chức EU cho biết không ai muốn nói về một gói trừng phạt mới nhằm vào Nga sau khi Hungary đề nghị nới lỏng một số lệnh trừng phạt Moscow.

“Kỳ đà cản mũi” Hungary

Nếu Ukraine và những bên ủng hộ nước này vẫn mong đợi rằng EU sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt Nga trong thời gian sắp tới, thì Hungary sẽ phá tan hy vọng này.

Ngày 6/9, Hungary tiếp tục “cản đường” đối với các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga, bằng cách thúc đẩy loại ba nhà tài phiệt Nga khỏi danh sách trừng phạt. Cụ thể, chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban muốn EU dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với Alisher Usmanov, Pyotr Aven và Viktor Rashnikov.

“Các danh sách trừng phạt của EU liên tục được xem xét và có lo ngại rằng việc đưa một số cá nhân hoặc thực thể vào danh sách trừng phạt là không đủ cơ sở”, Người Phát ngôn chính phủ Hungary Zoltan Kovacs cho biết.

Hơn 6 tháng kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, sức mạnh từ công cụ trừng phạt của EU dường như đang giảm dần.

Trong khoảng thời gian đầu sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, các nhà ngoại giao và quan chức EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các đồng minh và ngành công nghiệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sự đoàn kết của EU trong việc gây áp lực lên nền kinh tế Nga, ngay cả khi điều này ảnh hưởng tới chi phí trong nước, đã làm một số chuyên gia trong khối ngạc nhiên.

Tuy nhiên, hiện tại, EU đã không còn nghĩ đến các biện pháp trừng phạt Nga nữa, một quan chức cấp cao của một nước trong khối cho biết.

“Mong muốn trừng phạt Nga của EU đang giảm dần. Điều này đã trở nên khó khăn hơn với mỗi gói trừng phạt”, một nhà ngoại giao cấp cao của một nước EU cho biết.

Sự trì hoãn kéo dài trong việc thông qua lệnh cấm khai thác dầu của EU đối với Nga và quá trình tranh cãi gay gắt nhằm đưa ra các khoản miễn trừ và bồi thường cho các quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga như Hungary, đã gây ra sự rạn nứt to lớn trong liên minh. Động thái đề nghị EU nới lỏng một số lệnh trừng phạt Nga của chính phủ Thủ tướng Orban trong tuần này dường như lại khoét sâu vết nứt trong lòng EU.

Vào cuối tháng 8, Hungary không có ý định tiếp tục đàm phán trừng phạt năng lượng Nga do nguồn cung năng lượng của Moscow là không thể thay thế trong tương lai gần.

“Budapest từ chối đàm phán thêm bất kỳ hạn chế nào của EU nhằm vào năng lượng Nga vì không có giải pháp thay thế hiện tại cho nguồn cung từ Moscow. Chúng tôi thậm chí không sẵn sàng đàm phán bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với năng lượng Nga, dù là dầu mỏ hay khí đốt”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết.

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU lo ngại rằng, đối với gói trừng phạt mới nhằm vào Nga trong tương lai, Hungary có thể không chỉ yêu cầu nới lỏng mà có thể còn ngăn chặn hoàn toàn quyết định này.

Theo Politico, ngoài Hungary, cũng có lo ngại về lập trường trong tương lai của Italy đối với các lệnh trừng phạt Nga trong bối cảnh Rome thành lập chính phủ mới.

Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn phương Bắc của Italy, cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga gây hại cho Italy và kêu gọi các nhà lãnh đạo khác xem xét lại cách tiếp cận của họ.

EU sắp cạn kiệt cách trừng phạt Nga?

Tại khu vực Tây Âu, sự mệt mỏi về các lệnh trừng phạt Nga đã dần xuất hiện, đặc biệt là khi ngày càng khó tìm ra các biện pháp làm tổn thương Nga nhiều hơn là gây thiệt hại cho EU về mặt kinh tế.

Bên cạnh đó, sự chỉ trích ngày càng tăng của người dân về giá năng lượng và giá tiêu dùng tăng cao cũng khiến các chính trị gia châu Âu ngày càng lo lắng.

“Chúng ta đang mạo hiểm đối với một mùa đông khó khăn phía trước. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đang khiến tất cả các quan chức lo lắng vì họ lo sợ về hậu quả chính trị. Ở nhiều quốc gia, đây là vấn đề về sự sống còn của chính phủ”, một quan chức EU nói, đồng thời bác bỏ bất kỳ ý tưởng nào về các lệnh trừng phạt mới.

Ở thời điểm hiện tại, Ủy ban châu Âu (EC) muốn tập trung vào việc thực hiện các lệnh trừng phạt hiện có và khắc phục các lỗ hổng trong các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Trong tháng 9, Thứ trưởng Tư pháp Ukraine Iryna Mudra đang có chuyến thăm các thủ đô ở châu Âu và Mỹ để thuyết phục các chính phủ truy tìm tài sản của những cá nhân Nga bị trừng phạt và tịch thu chúng.

Bà Mudra cũng muốn EU tịch thu tài sản nhà nước của Nga, không chỉ tài sản của tư nhân, để sử dụng cho việc tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, quan chức Ukraine thừa nhận rằng kế hoạch này vấp phải những rào cản pháp lý và khó có thể sớm trở thành hiện thực.

Sự suy yếu của các lệnh trừng phạt từ EU đang khiến Ukraine và các quốc gia trong khối phản đối Nga, chẳng hạn như Ba Lan và các nước Baltic, cảm thấy thất vọng.

Hai nhà ngoại giao EU cho biết, một số nước trong liên minh vẫn đang vận động cho một vòng trừng phạt tiềm năng của EU nhằm vào Nga trong tương lai. Họ đã đưa ra một loạt các đề xuất như giới hạn giá dầu, vấn đề đã được thảo luận trong nhóm G7.

Một biện pháp khác là trừng phạt ngành công nghiệp hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân của Nga, trong bối cảnh tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nguy hiểm. Các đề xuất khác là biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với lĩnh vực tài sản kỹ thuật số và các công nghệ khác.

Một nhà ngoại giao EU khác cho biết, hành động gây hấn liên tục của Nga đã đủ cho việc cần gia tăng áp lực đối với Moscow. “Tuy nhiên, không ai muốn nói về các biện pháp trừng phạt mới vào lúc này”, một quan chức EU nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới