Các nhà khoa học của một số quốc gia trong khu vực mới đây đã công bố một báo cáo đáng lo ngại về tình trạng sụt giảm nguồn hải sản trên Biển Đông. Đáng chú ý là nguyên nhân gây cạn kiệt hải sản không phải chủ yếu do đánh bắt mà lại là do hủy hoại môi trường, nhằm tôn tạo các đảo đá.
Tuần qua, báo cáo của các nhà khoa học Trung Quốc và 4 nước ASEAN đã đưa ra “cảnh báo đỏ”về tình trạng sụt giảm nguồn cá ở Biển Đông, nhất là loại cá ngừ vằn, một loài cá di cư. Báo cáo này là tổng hợp đầu tiên có sự phối hợp của các nhà khoa học thuộc các nước Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia.
Vì có sự góp mặt của Trung Quốc cho nên những ý kiến phê phán nước này cũng ở mức nhẹ nhàng hơn. Bởi ai cũng thừa hiểu, Trung Quốc trong những năm qua đã liên tục gây căng thẳng trong khu vực. Họ phải chịu trách nhiệm về việc tàn phá các rặng san hô dưới đáy biển, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng môi trường biển.
Báo cáo nêu rõ: “Mặc dù mức độ đánh bắt cá ngừ vằn có thể vẫn ở mức ổn định trong nhiều phần của Biển Đông, nhưng nguy cơ đánh bắt quá lớn đối với cá ngừ vằn đang trưởng thành là rất nặng nề”.
“Việc sử dụng các phương tiện đánh bắt để bắt cá ngừ vằn ngày một nhiều. Nếu không được quản lý, điều này có thể dẫn đến có quá nhiều cá đang lớn bị đánh bắt trước khi chúng có thể sinh sản, và điều này có thể dẫn đến việc suy giảm nhanh chóng về số lượng cá.” Báo cáo nhấn mạnh.
Từ năm 2018 đến năm 2022, các nhà khoa học của 5 nước nêu trên đã họp 8 lần, với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học và chuyên gia tham gia. Các nghiên cứu trước đó từngcho thấy, nguồn cá ở Biển Đông đã bị suy giảm từ 70 đến 95% kể từ những năm 1950 trở lại đây.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Clarita Carlos, tầm quan trọng của báo cáo năm nay là, cần đạt được một thoả thuận về đánh cá chung có thể là một trong những cách phi truyền thống để giải quyết các tranh chấp ở khu vực Biển Đông.
Hiện Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, và Philippines là những nước đang có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông. Tranh chấp lớn nhất là Bắc Kinh đã đơn phương vẽ “đường chín đoạn”, thâu tóm gần 90% diện tích Biển Đông. Hành động này đã bị Tòa Trọng tài quốc tế của Liên hợp quốc bác bỏ vào năm 2016.
Đặc biệt vô lối là, hàng năm Trung Quốc ra lệnh đánh bắt cá kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8. Các nước bị ảnh hưởng trong khu vực đã cực lực phản đối.
Xin lưu ý về vấn đề môi trường. Việc khai thác và xây dựng bừa bãi tại Biển Đông, nhất là tại các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng tại quần đảoTrường Sa của Việt Nam đã và đang tàn phá hệ sinh thái. Một nghiên cứu mới đây cho thấy diện tích san hô tại 7 thực thể địa lý do Trung Quốc kiểm soát giảm ít nhất gần 30%.
Việc hủy diệt san hô, vốn là nơi trú ẩn và sinh trưởng của nhiều loài cá biển đã đe dọa nguồn hải sản nuôi sống hàng chục triệu cư dân ven bờ. Các nhà khoa học kêu gọi khẩn thiết cần tăng cường hợp tác, xây dựng kiên quyết ngăn chặn những hành vi bồi đắp đảo, đá của Trung Quốc trên Biển Đông, trước khi tình hình trở nên quá muộn.
Một nghiên cứu của đại học Hawaii khẳng định, Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 10,7km² tại khu vực Trường Sa, theo đó diện tích san hô bị giảm 11,6 km², tương đương 26,9% diện tích. San hô tại Trường Sa không chỉ là nạn nhân của việc mở rộng, bồi đắp trực tiếp nói trên, mà còn đe dọa bị hủy diệt hàng loạt do việc nạo vét lòng biển bằng phương thức hút.
Hoạt động nạo vét lòng biển của Trung Quốc có người ví như những lưỡi dao khoét vào nội tạng con người để lại các trầm tích, trùm lên các rạn san hô, khiến chúng không thể hồi sinh. Những người chủ trương bồi đắp không hiểu rằng, về mặt sinh thái, khi nạo vét lòng biển để bồi đắp đảo nhân tạo, với việc san hô bị phá hủy, họ đã tấn công vào chính nền móng của “đảo”. Bởi, việc bồi đắp sẽ phải tiến hành liên tục sau đó, để tránh cho đảo nhân tạo bị chìm.
Số liệu điều tra mới nhất cho thấy giai đoạn 2015 – 2022 , trữ lượng nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam đã giảm khoảng 25% so với giai đoạn 2000 – 2005. Và hiện tại vẫn tiếp tục xu hướng suy giảm. Các vùng biển khác nhau trên Biển Đông có mức độ suy giảm nguồn lợi hải sản khác nhau, khác nhau cả về nhóm đối tượng.
Biển Đông sắp hết cá, nhất là các loài cá quý! Đây không phải là “dọa” mà sự thật đã hiện hữu.
Bên cạnh việc giảm năng suất khai thác thì chất lượng nguồn lợi hải sản suy giảm rất nhiều, tỷ lệ cá tạp ngày càng tăng trong thành phần sản lượng khai thác.
Xin chớ yên tâm về “rừng vàng, biển bạc”. Một ngày nào đó Biển Đông sẽ hết cá tôm. Và những cảnh báo có cơ sở khoa học nêu trên là rất cần thiết trong chiến lược bảo vệ biển. Là nước gây ra nhiều thiệt hại nhất cho kho vàng trên Biển Đông, Bắc Kinh nên xem xét lại những hành động trơ tráo, chèn ép, bắt nạt các nước nhỏ. Đừng vì cái “bát” nhà mình mà bỏ cái “mâm” của nhiều nhà khác.
H.Đ