Tuesday, January 21, 2025
Trang chủPháp luật biểnVăn bản pháp lý quốc tếEo biển Đài Loan trong Sách Xanh ngoại giao 2022 của Nhật...

Eo biển Đài Loan trong Sách Xanh ngoại giao 2022 của Nhật Bản

Ngày 22/04/2022, Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố Sách Xanh ngoại giao 2022 (Đây là ấn phẩm Sách xanh ngoại giao đầu tiên dưới thời Thủ tướng Fumio Kishida, do vậy Sách Xanh ngoại giao 2022 thể hiện rõ quan điểm của chính quyền Kishida trên các vấn đề quốc tế và khu vực cũng như trọng tâm quan hệ đối ngoại của Nhật Bản.

Theo đó, Tokyo tiếp tục khẳng định quan hệ Nhật – Mỹ là trụ cột quan trọng nhất, bước vào kỷ nguyên cạnh tranh Mỹ – Trung, Nhật Bản ủng hộ Mỹ thực hiện vai trò đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hết sức phức tạp hiện nay, nhất là cuộc khủng hoảng Ukraine đang tạo ra những hệ lụy xấu, bên cạnh việc nêu đậm nét về 4 hòn đảo phía Bắc Nhật Bản (nhấn mạnh 4 hòn đảo này là một phần “cố hữu” của lãnh thổ Nhật Bản và đang bị Nga “chiếm đóng bất hợp pháp”), Sách Xanh ngoại giao 2022 nhấn mạnh các vấn đề an ninh ở khu vực biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Biển Đông. Theo đó, đối với Trung Quốc, Sách Xanh ngoại giao của Nhật Bản cho rằng, đây là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất, hai bên cần phải thúc đẩy một mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định, mặt khác Nhật Bản bày tỏ sự quan ngại các hành động tăng cường quân sự và thay đổi hiện trạng tại Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan.

Đáng chú ý là Sách Xanh ngoại giao 2022 của Nhật Bản đề cập 5 lần tới eo biển Đài Loan – mức kỷ lục từ trước đến nay (thuật ngữ này hoàn toàn vắng mặt trong các Sách Xanh trước từ năm 2017 đến năm 2021). Theo đó, vấn đề hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan được gắn với các vấn đề quốc tế, khu vực và quan hệ song phương, cụ thể là:

(i) Trong phần quan hệ Nhật – Trung, Sách Xanh 2022 nêu rõ ngay sau khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, Hayashi Yoshimasa đã tuyên bố trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng “hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan là quan trọng”. Vấn đề Đài Loan nổi bật bên cạnh mối lo ngại của Nhật Bản về quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đang tranh chấp, biển Hoa Đông và Biển Đông cũng như các vấn đề nhân quyền ở Hong Kong và Trung Quốc. Cuộc gặp giữa ông Hayashi Yoshimasa và ông Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản chuẩn bị kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ cũng cho thấy những rạn nứt tiềm ẩn trong quan hệ song phương.

(ii) Trong phần quan hệ Nhật-Đài, Sách Xanh 2022 lưu ý rằng kể từ khi Tuyên bố chung Đối thoại 2+2 giữa Mỹ và Nhật Bản lần đầu tiên đề cập vấn đề Đài Loan hồi tháng 3/2021, “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan” cũng đã được đề cập trong các bài phát biểu tại một số cuộc họp đối ngoại của Nhật Bản như Hội nghị thượng đỉnh G7, Hội nghị cấp cao Nhật Bản-EU, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật-Pháp (theo cơ chế 2+2), cuộc Tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật – Australia (2+2), và Tuyên bố chung Ngoại trưởng Mỹ – Nhật – Hàn. Đồng thời, Sách Xanh 2022 nhắc lại việc Nhật Bản ủng hộ Đài Loan nộp đơn gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với tư cách quan sát viên, ca ngợi thành công của Đài Loan trong cuộc chiến chống COVID-19. Nội dung này trong Sách Xanh 2022 một lần nữa cho thấy vấn đề eo biển Đài Loan đã nổi lên thành một chủ đề quan trọng trên chính trường Nhật Bản.

(iii) Trong phần Nhật Bản – ASEAN, Sách Xanh 2022 nhắc lại việc Thủ tướng Fumio Kishida đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan” tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16, đồng thời bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ sự chèn ép kinh tế nào. Ông Kishida cũng nhấn mạnh rằng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông – đang được đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN – phải phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việc vấn đề eo biển Đài Loan được nêu tên cùng với Biển Đông trong số các mối quan tâm của Nhật Bản ở Đông Nam Á là điều đáng chú ý. Điều này thể hiện rõ chính quyền Thủ tướng Kishida đang gắn kết vấn đề eo biển Đài Loan với vấn đề Biển Đông với một quan điểm chung là duy trì hòa bình ổn định và nguyên trạng tại các vùng biển này.

(iv) Trong phần về quan hệ Nhật-Mỹ, Sách Xanh 2022 đề cập Tuyên bố chung được đưa ra tại Đối thoại 2+2 giữa Nhật Bản và Mỹ năm 2021. Vấn đề Đài Loan bắt đầu nổi lên trong Tuyên bố chung Mỹ-Nhật do Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Yoshihide Suga đưa ra hồi tháng 4/2021, trong đó nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển”.

Đây là lần đầu tiên từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt đến nay, nguyên thủ Mỹ và Nhật Bản đề cập đến vấn đề eo biển Đài Loan trong hội đàm, nhấn mạnh tầm quan trọng về hòa bình và ổn định của khu vực này, thể hiện thái độ rõ ràng của hai nước. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc và Nhật Bản bình thường hóa quan hệ năm 1969, vấn đề Đài Loan được công khai đề cập trong một Tuyên bố chung giữa lãnh đạo cấp cao Nhật-Mỹ, theo đó Nhật Bản và Mỹ không chỉ coi trọng hiện trạng của eo biển Đài Loan mà còn hy vọng giải quyết các căng thẳng theo phương thức hòa bình, tránh xung đột.

(v) Sách Xanh 2022 chỉ ra rằng, vấn đề eo biển Đài Loan được đề cập trong khuôn khổ các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021, trong đó nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan” và khuyến khích “giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển”. Có thể thấy một bước đột phá trong lập trường của Nhật Bản về vấn đề Đài Loan khi Tokyo nỗ lực nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan bằng cách tận dụng ảnh hưởng của cả khuôn khổ diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, thể hiện qua việc đề cập sự ổn định ở eo biển Đài Loan tại các hội nghị thượng đỉnh EAS và G7.

Qua Sách Xanh ngoại giao 2022, có thể thấy chính quyền Thủ tướng Kishida đã đặt vấn đề eo biển Đài Loan ngang hàng với các vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông bởi lẽ có sự quan hệ mật thiết giữa sự tồn vong của Đài Loan và an ninh của Nhật Bản. Lập trường của Tokyo trong Sách Xanh 2022 là một bước phát triển mới quan điểm của Nhật đối với trên vấn đề Đài Loan đã được thể hiện trong Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2021, trong đó lưu ý “việc ổn định tình hình xung quanh Đài Loan là quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản. Đây cũng là một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản

Vấn đề Đài Loan quan trọng thế nào đối với an ninh Nhật Bản được phản ánh trong phát biểu của Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso rằng “Nhật Bản và Mỹ phải cùng nhau đứng lên bảo vệ Đài Loan” nếu một sự cố lớn xảy ra ở Đài Loan, một tình huống đe dọa sự tồn vong của Nhật Bản. Tuyên bố của ông Aso rõ ràng đã xâm phạm “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh vì những nhận xét như vậy công khai vi phạm Thông cáo chung Nhật-Trung năm 1972, trong đó công nhận Đài Loan là một phần “lãnh thổ” của Trung Quốc. Không khó hiểu tại sao Nhật Bản ngày càng bày tỏ lo ngại về an ninh của Đài Loan do vị trí địa lý gần nhau. Đảo Yonaguni chỉ cách bờ biển phía Đông Đài Loan 110 km. Trong khi đó, mối đe dọa đối với Đài Loan từ Trung Quốc ngày càng lớn. Các cuộc xâm phạm của quân đội Trung Quốc vào không phận của Đài Loan đã lên đến mức kỷ lục (với 107 máy bay được ghi nhận bay vào Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan chỉ trong một ngày hồi tháng 10/2021).

Biển Đông, Đài Loan và biển Hoa Đông được coi là trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất mà Trung Quốc đang tìm mọi cách vượt qua để tiến ra biển xa, thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển. Nếu để Bắc Kinh khống chế cả 3 vùng biển này (Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan) thì chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà nhóm “Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ) đang nỗ lực thúc đẩy sẽ thất bại. Do vậy, chính quyền Thủ tướng Kishida phải cùng với các đồng minh và đối tác ngăn chặn nguy cơ bành trướng của Bắc Kinh. Sau hơn 6 tháng nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, ông Kishida đã nỗ lực thúc đẩy chính sách hướng Nam của Tokyo, thắt chặt quan hệ hợp tác trên biển với các nước có chung chí hướng ở khu vực. Nội dung Sách Xanh ngoại giao 2022 vừa được công bố thể hiện rõ sự ủng hộ của chính quyền Thủ tướng Kishida đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở” mà Nhật đang cùng các nước nhóm “Bộ Tứ” thúc đẩy, trong đó Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan được xem là bộ phận không thể tách rời.

RELATED ARTICLES

Tin mới