Vụ việc nam diễn viên nổi tiếng Trung Quốc Lý Dịch Phong bị cảnh sát Bắc Kinh tạm giữ hành chính vì mua dâm nhiều lần đang rất được quan tâm. Nhiều luật sư chỉ ra rằng, cuối cùng Lý Dịch Phong đã nằm trong “dữ liệu lớn” của nhà chức trách. Chính quyền Bắc Kinh đã và đang thu thập lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ của công dân từ nhiều năm qua.
Công an thành phố Bắc Kinh ngày 11/9 thông báo, cảnh sát Bắc Kinh mới đây đã tạm giữ nam diễn viên 35 tuổi họ Lý vì “người này đã thú nhận hành vi mua dâm nhiều lần”. Sau đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) và các cơ quan liên quan đã xác minh đó chính là Lý Dịch Phong – sao nam nổi tiếng với lượng fan khủng.
Tờ Yema Financial đưa tin, luật sư Trương Bằng Vũ (Zhang Pengyu) đến từ Công ty Luật Jiangsu Yangchen đã chỉ ra rằng, hành vi mua dâm ở Trung Quốc đại lục là vi phạm pháp luật, nhưng thông thường không cấu thành tội phạm, thường bị giam giữ hành chính dưới 15 ngày và mức tiền phạt tối đa là 5.000 nhân dân tệ (gần 17 triệu VNĐ).
Ông Vương Hải Đinh (Wang Haiding), Phó đại đội trưởng Đại đội An ninh mạng thuộc Công an quận Giang Ninh, thành phố Nam Kinh, đã đăng một bài phân tích về vụ việc này trên tài khoản Weibo cá nhân. Ông cho biết, “trong quá trình điều tra phá án một vụ vi phạm pháp luật”, cảnh sát Bắc Kinh đã bắt được Lý Dịch Phong.
Cần lưu ý rằng, vị quan chức trên gọi hành vi của Lý là “vi phạm pháp luật” và bị “tạm giữ hành chính”. Vi phạm pháp luật và tội phạm có sự khác biệt.
Ông Vương Hải Đinh chỉ ra rằng, trong trường hợp này, Lý Dịch Phong được coi là “nhân thể bắt được”.
Cảnh sát Trung Quốc có thể dùng ‘Dữ liệu lớn’ để định vị bất kỳ ai
Bài viết trên Yema Financial đề cập rằng, trước Lý Dịch Phong, nghệ sĩ piano nổi tiếng Trung Quốc Lý Vân Địch (Li Yundi) cũng bị bắt vì hành vi mua dâm. Mọi người thắc mắc làm thế nào mà cảnh sát phát hiện ra?
Theo thông tin được chính phủ Trung Quốc công bố, cảnh sát Internet nước này có thể sử dụng “dữ liệu lớn” (Big Data) để tự động nhắm vào và định vị bất kỳ nhóm người nào. Không chỉ vậy, sau khi bắt được người đó, cảnh sát còn có thể tiếp tục truy xét.
Nhiều luật sư cũng đăng trên Weibo phân tích rằng, cuối cùng Lý Dịch Phong đã bị đưa vào “dữ liệu lớn” của chính quyền. Rõ ràng, mọi thông tin cá nhân của Lý Dịch Phong đều đã bị các cơ quan liên quan nắm được.
Trung Quốc thu thập lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ của công dân
Trên thực tế, trong những năm gần đây, chế độ Bắc Kinh đã mở rộng việc thu thập dữ liệu cá nhân của công dân Trung Quốc, quy mô và số lượng khiến người ta phải kinh ngạc.
Vào tháng 6 năm nay, The New York Times đã công bố báo cáo điều tra sau hơn một năm của phóng viên tòa soạn này. Báo cáo chỉ ra rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang mở rộng việc thu thập dữ liệu cá nhân của công dân trên quy mô chưa từng có. Chính quyền này cũng đang xây dựng một số cơ sở dữ liệu DNA lớn nhất trên thế giới, và kết hợp với công nghệ nhận dạng khuôn mặt, họ cũng đang thu thập thêm cả giọng nói của người dân.
Megvii là một trong những nhà thầu thiết bị giám sát lớn nhất Trung Quốc. Theo một tài liệu giới thiệu sản phẩm nội bộ của công ty này, phần mềm của họ có thể thu thập được nhiều loại dữ liệu của một người, bao gồm chuyển động, trang phục, xe cộ, thông tin cài đặt trên thiết bị di động, hay các mối quan hệ xã hội, v.v.
Chính phủ Trung Quốc có một mục tiêu rõ ràng, đó là thiết kế một hệ thống cho phép các nhà chức trách tìm ra danh tính, hoạt động và các mối quan hệ xã hội của mỗi cá nhân ở mức độ lớn nhất có thể, cuối cùng là tạo điều kiện cho ĐCSTQ duy trì sự cai trị độc tài.
Một tài liệu gọi đấu thầu ở tỉnh Phúc Kiến cũng cho thấy, ĐCSTQ đang sử dụng thiết bị theo dõi điện thoại di động để liên kết hoạt động kỹ thuật số của người dân với các hoạt động trong thế giới thực, đồng thời khai thác các lỗ hổng bảo mật để lấy thông tin cá nhân. Ví dụ, các thiết bị như WiFi Sniffers [1] và IMSI Catcher [2] có thể thu thập thông tin từ các điện thoại di động gần đó.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong 7 năm qua, các nhà chức trách Trung Quốc đã mở rộng quy mô áp dụng công nghệ này. Cho đến nay tất cả 31 tỉnh, thành và khu tự trị ở Trung Quốc đã sử dụng thiết bị theo dõi điện thoại di động.
“Hết thảy đều bị kiểm soát, không thể thoát khỏi móng vuốt của quỷ”
Trước đó, đoạn video có tựa đề “Hết thảy đều bị kiểm soát, không thể thoát khỏi móng vuốt của quỷ” từng được lan truyền tại Trung Quốc. Nội dung video khiến người ta không khỏi suy ngẫm sâu hơn. Trong video, một người đàn ông mặc vest chỉ ra rằng:
– Vào tháng 3/2004, chính phủ Trung Quốc đã ra mắt thẻ căn cước thế hệ thứ hai;
– Tháng 5/2007, tài khoản ngân hàng của nhân dân được kết nối với Internet;
– Tháng 7/2012, đăng ký kết hôn của Bộ Dân chính được hòa vào mạng lưới Internet;
– Tháng 2/2014, đăng ký doanh nghiệp công thương được kết nối mạng, các công ty, doanh nghiệp và cổ phần nằm dưới tên bạn đều có thể tìm thấy;
– Cuối năm 2017, đăng ký thống nhất bất động sản;
– Tháng 2/2018, đến lượt trao đổi thông tin tài chính toàn cầu (CRS), bạn có tài sản gì ở nước ngoài, chính phủ đều biết hết.
Người đàn ông này nói: “[Chính phủ] dùng quãng thời gian gần 20 năm, từng bước từng bước, trong khi bạn không ý thức hết được, họ đã biết bạn là ai, nhà bạn có những ai, bạn có bao nhiêu tiền, bạn có bao nhiêu cổ phần tài sản, bạn có bao nhiêu bất động sản, có bao nhiêu tài sản ở nước ngoài. Không phải tất cả thông tin đều gom về một chỗ rồi sao?”.
T.P