Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhông thể có “một trật tự thế giới thay thế”!

Không thể có “một trật tự thế giới thay thế”!

Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan mới đây, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những phát biểu khiến các thành viên tam dự bất bình. Cứ như ý của hai nhà lãnh đạo thì một trật tự thế giới mới đã và đang hình thành.

Đương nhiên cái trật tự mới ấy phải được nuôi dưỡng dưới một cái ô chung do Nga và Trung Quốc nắm giữ. Và tất nhiên, Mỹ không có vai trò gì ở đây cả. Nói rộng hơn là cả phương Tây, là các nước đang bài xích Nga, chống lưng cho Ukraine nên biết thân phận mình không nên lấy gậy chống trời.

Tuy bất bình, nhưng các nước thành viên SCO thừa hiểu cái kịch bản sẽ diễn ra như vậy. Mỹ và Trung Quốc đang nương tựa vào nhau về mặt hình thức để chống lại Mỹ. Và trước một Hội đa phương khu vực Trung Á, họ không thể nói khác, đành tuyên bố những điều chung chung, vô thưởng vô phạt. Tuy không vừa lòng các nước láng giềng nhưng cũng chả muốn khiến Mỹ chạm nọc.

Cuộc gặp của hai “ông vua” hai quốc gia lớn với các nhà lãnh đạo đồng cấp diễn ra hôm 16/9. Nó diễn ra trong bối cảnh thời gian qua Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến thương mại, quân sự. Họ khẳng định, đây là mối quan hệ song phương “không có giới hạn”. Khẳng định đó ngầm ý nói rằng, Mỹ và các nước đồng minh không dễ cấu kết để quấy rối, phá hoại trật tự thế giới đang như con tàu chuẩn bị tăng tốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói lấp lửng: Nga hiểu Trung Quốc đang có nững “thắc mắc và lo ngại” về cuộc chiến ở Ukraine. Theo tờ The Straits Times (Singapore), ông Putin hài lòng về việc Trung Quốc đã kiên định lập trường cân bằng Putin nói sẽ giải thích quan điểm và kế hoạch sắp tới của Nga về những vướng mắc trong chiến dịch quân sự đặc biệt kéo dài tại Ukraine gần bảy tháng qua.

Lờ tịt “vấn đề Ukraine”, Tập Cận Bình nói rằng, trước những thay đổi của thế giới, thời đại và lịch sử, Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Nga để thể hiện trách nhiệm, đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết lập ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong mấy tháng qua, Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ kinh tế Nga, thúc đẩy thương mại song phương lên mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, giới chuyên gia hoài nghi khi cuộc xung đột tại Ukraine kéo sang mùa đông, liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Nga trong bao lâu nữa và cái giá phải trả là bao nhiêu.

Trước thái độ “nồng ấm” của Nga và Trung Quốc, Mỹ đã có động thái bước đầu. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định “đây là điều bất ngờ và bất ổn”. Mỹ đã theo dõi sát sao mối quan hệ Nga – Trung Quốc khi ôngTập Cận Bình và ông Putin trở nên thân thiết hơn trong bối cảnh phương Tây gia tăng áp lực lên chính quyền Moscow.

Phát ngôn viên Price nói: “Nga và Trung Quốc giống nhau ở cách nhìn về một thế giới hoàn toàn mâu thuẫn với trật tự đã là trụ cột của hệ thống quốc tế trong 8 thập niên vừa qua. Mỹ nhất quán trong việc bày tỏ mối lo ngại của mình về mối quan hệ ngày càng sâu sắc này, mọi quốc gia trên thế giới cũng nên như vậy”.

Hội nghị thượng đỉnh SCO – nhóm an ninh do Nga và Trung Quốc dẫn đầu (gồm Ấn Độ, Pakistan, Iran và 4 quốc gia Trung Á) có thể tạo cơ hội cho Bắc Kinh và Moscow ủng hộ thiết lập “trật tự thế giới đa cực”, rất tiếc, cuộc khủng hoảng tại Ukraine trở thành nguyên cớ gây bất đồng trong khối, nhất là việc Trung Quốc từ chối lên án Nga liên quan đến vấn đề Ukraine.

Có lẽ vì thế mà Thủ tướng Narendra Modi đã tỏ thái độ với Bắc Kinh. Ông Modi dự kiến có các cuộc gặp trực tiếp với những người đồng cấp Nga, Uzbekistan và Iran nhưng không lên kế hoạch gặp ông Tập Cận Bình.

Theo TS Benjamin Ho tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Trường đại học Công nghệ Nanyang (Singapore): điểm quan trọng trong chuyến đi của Tập Cận Bình lần này và cuộc gặp với ông Putin là Trung Quốc và Nga có thể được xem như “một trật tự thế giới thay thế”. Trật tự ấy đối trọng với sự ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Trật tự ấy đang được thiết lập trong bối cảnh các nước lớn đều điều chỉnh chiến lược để thích ứng với hoàn cảnh, tìm kiếm lợi ích cho mình và đồng minh. Việc dự báo xu thế vận động của mối quan hệ Mỹ – Nga – Trung Quốc, nhất là các cặp quan hệ song phương là không đơn giản.

Đông Nam Á nằm ở trung tâm châu Á – Thái Bình Dương, cửa ngõ giao thương, liên kết giữa các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế lớn trong khu vực. Vì thế, khi điều chỉnh chiến lược, các nước lớn đều coi trọng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là trọng tâm.

Riêng ở Biển Đông, Mỹ luôn khẳng định nguyên tắc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, duy trì trật tự pháp lý và theo dõi sát sao các động thái của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước khác có thể can dự mạnh hơn thông qua việc giúp đỡ, tài trợ và tăng cường năng lực cạnh tranh cho một số nước có tranh chấp chủ quyền biển, đảo.

Trong khi đó Trung Quốc vẫn phớt lờ sự lên án của các nước trong khu vực, liên tục gia tăng các tiềm lực an ninh, quân sự trên Biển Đông, thông qua việc quân sự hóa các điểm, đảo; chủ động lôi kéo, ve vãn các nước có tranh chấp chủ quyền biển, đảo, củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng,… làm tình hình an ninh khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Rõ ràng mối quan hệ Mỹ – Nga – Trung Quốc tác động trực tiếp đến an ninh, hòa bình, ổn định của thế giới và khu vực. Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ phải chịu tác động của lực “kéo – đẩy” mạnh hơn. Vì lí do đó những nước có mối quan hệ truyền thống với Nga, Trung Quốc hay Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn đối tác hợp tác, đòi hỏi mỗi nước cần có sự lựa chọn tỉnh táo vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Các quốc gia trong khu vực không dễ bị mắc lừa khi Nga và Trung Quốc tuyên bố thay đổi trật tự thế giới.

Chẳng lẽ lại thay đổi thế giới bằng các cuộc tiến công quân sự, bằng vũ khí giết người hàng loạt, không ngoại trừ cả vũ khí hạt nhân?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới