Xung đột về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối kháng ở Biển Đông thường xuyên dẫn đến các hành động gây căng thẳng và bế tắc ở khu vực này. Lập trường ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đối với các tuyên bố chủ quyền của nước này dẫn đến việc gia tăng quân sự hóa khu vực, khiến khu vực này trở thành một điểm nóng tiềm tàng.
Để hiểu rõ hơn vấn đề phức tạp về quyền tài phán đối với Biển Đông, bài phân tích này phản ánh sự khác biệt giữa yếu tố “chủ quyền” và “quyền chủ quyền” trong bối cảnh của khu vực. Bài viết cũng xác định những lỗ hổng trong luật biển hiện tại, đặc biệt liên quan đến việc phân biệt giữa “chủ quyền” và “quyền chủ quyền”, nhằm hiểu rõ hơn và đánh giá chặt chẽ hơn địa chính trị của Biển Đông. Điều này có thể giúp xác định các điểm nghẽn trong khuôn khổ quản trị biển và đại dương hiện có để xây dựng các chiến lược khu vực theo định hướng chức năng và chính sách.
Trải dài 3,5 triệu km2, Biển Đông là một trong những vùng nước quan trọng nhất về mặt chiến lược của thế giới. 1/3 lượng hàng vận chuyển hàng hải toàn cầu đi qua các tuyến đường biển ở Biển Đông và đây là nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản, hydrocacbon và hải sản dồi dào. Đây là một khu vực có nhiều tranh chấp về địa chính trị đương đại với những rắc rối nảy sinh từ mối quan hệ quyền lực bất đối xứng giữa Trung Quốc và các quốc gia ven biển khác của khu vực cũng như mức độ và bản chất của các yêu sách về quyền sở hữu đối với Biển Đông.
Một mặt, xung đột về yêu sách vùng biển vốn được quy định bởi luật pháp quốc tế và “quyền lịch sử” (chưa được luật pháp quốc tế công nhận). Điều này dẫn đến các quan niệm khác nhau về phạm vi của “chủ quyền” và “quyền chủ quyền”. Những thách thức nảy sinh liên quan đến phạm vi và việc thực hiện các quyền hợp pháp cũng như mối quan hệ của chúng với chủ quyền quốc gia. Trung Quốc dần dần tìm cách mở rộng phạm vi của những gì họ coi là quyền chủ quyền dẫn đến sự xâm phạm chủ quyền, của các quốc gia ven biển khác. Có hai lý do thường được viện dẫn cho sự hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông và không gian biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thứ nhất, Trung Quốc muốn đa dạng hóa nguồn năng lượng. Biển Đông có trữ lượng ước tính 190 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên và 11 tỷ thùng dầu với trữ lượng được chứng minh cùng với nguồn hydrocacbon tiềm năng chưa được khám phá. Thứ hai, thực thi ảnh hưởng đối với các tuyến hàng hải trên biển (SLOC) đông đúc chạy ngang qua vùng biển này sẽ đảm bảo để Trung Quốc tiếp cận thương mại và hải quân cả ở Ấn Độ Dương lẫn Thái Bình Dương. Trung Quốc tuyên bố các quyền lịch sử đối với các vùng biển này như một phần tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc cả về chính trị trong nước lẫn nhận thức toàn cầu.
Tham vọng kiểm soát của Trung Quốc trong khu vực – chủ yếu bằng cách mở rộng và thiết lập sự hiện diện thực tế ở nhiều bãi cạn, đảo san hô, đảo nhỏ và các cấu trúc đá khác nằm rải rác ở Biển Đông- đã lớn dần trong thập kỷ qua. Chiến lược này, được các nhà phân tích gọi là “cắt lát salami”, dẫn đến sự cạnh tranh liên tục trong khu vực, tác động tiêu cực đến sự ổn định khu vực. Đã có những tranh chấp về một phần rộng lớn của vùng biển này do cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên biển và quân sự hóa ba trong số đó, luật bảo vệ bờ biển mới của nước này cho phép sử dụng vũ lực đối với các tàu nước ngoài di chuyển qua vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố là của mình và sự gia tăng các cuộc tuần tra của lực lượng dân quân biển.
Sự đáp trả của các nước ven biển cũng như của các cường quốc bên ngoài có quan tâm đến khu vực như Mỹ, Nhật Bản và Australia, phần lớn là mang tính phản ứng và theo giai đoạn. Và trong khi Bắc Kinh thường là bên chủ yếu gây ra căng thẳng, các quốc gia ven biển khác cũng tham gia các hoạt động tương tự, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn. Việc xác định các khu vực biển có tranh chấp là điều cơ bản đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, luật hàng hải quốc tế không có hiệu lực thi hành. Sự tuân thủ có thể được đảm bảo tốt nhất thông qua các cơ chế ngăn chặn mà sẽ khiến phí tổn của việc không tuân thủ cao hơn so với việc tham gia một cách xây dựng trong các giới hạn đã thỏa thuận. Trong trường hợp của Biển Đông, các biện pháp có thể ngăn cản Bắc Kinh hành động đơn phương hoặc phù hợp với cách giải thích riêng của họ về phạm vi biên giới lãnh thổ, cần phải được đưa ra. Chúng có thể mang tính chính trị và kinh tế nhưng phải đủ hiệu quả ngăn cản chiến lược “cắt lát salami” của Trung Quốc.
Quyền tài phán biển
Trung Quốc đưa ra các tuyên bố chủ quyền mở rộng đối với Biển Đông dựa vào các quyền lịch sử từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, khi các thủy thủ Trung Quốc phát hiện ra các cấu trúc lãnh thổ chính của khu vực. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế chưa bao giờ công nhận các yêu sách lịch sử là nguồn hợp pháp để trao chủ quyền và quyền chủ quyền. Do đó, trong những năm gần đây, Trung Quốc tìm cách “diễn giải” khuôn khổ pháp lý hiện có – chủ yếu là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà nước này là thành viên – để biện minh cho các yêu sách của mình.
UNCLOS công nhận khoảng cách 12 hải lý ngoài bờ biển của bất kỳ quốc gia nào là một phần của “vùng lãnh hải” của quốc gia đó. Nó cũng trao một số quyền đặc biệt cho các quốc gia quần đảo. Cách tiếp cận mới của Trung Quốc dựa trên cái mà họ gọi là “Tứ Sa” hoặc bốn nhóm đảo chính ở Biển Đông – quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Đông Sa (Pratas) và quần đảo Trung Sa (khu vực bãi Macclesfield) mà họ tuyên bố là của mình. Mặc dù không phải là một quốc gia quần đảo, nhưng Trung Quốc đã tuyên bố có các quyền theo UNCLOS như các quốc gia quần đảo và coi vùng biển giữa các đảo này là nội thủy. Nước này cũng khẳng định quyền điều chỉnh các hoạt động quân sự tại các vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) theo các quy định của UNCLOS. Tuy nhiên, điều này trái với nguyên tắc UNCLOS vốn khẳng định rằng tự do hàng hải là một quy phạm không thể tách rời và được chấp nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế. Tất cả điều này đã tạo ra sự phức tạp và mất ổn định mới.
Các quan chức cấp cao của Trung Quốc mô tả Biển Đông là một “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, tương tự như Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan. Nỗ lực của Trung Quốc là áp đặt các quyền chủ quyền trên biển của mình và làm mờ đi sự phân biệt giữa các quyền của các quốc gia khác được hưởng theo luật pháp quốc tế và những quyền mà họ có thể thực thi trong các khu vực biển của họ. Luật pháp quốc tế khẳng định rằng trong khi các quốc gia có toàn quyền đối với đất đai của họ, quyền của họ đối với vùng biển chỉ được khai thác tài nguyên. Điều này làm trầm trọng thêm mối quan ngại của các quốc gia ven biển khác về không gian hàng hải. Vấn đề này được nhấn mạnh bởi sự mất cân bằng quyền lực lớn giữa các bên trong cuộc xung đột, như trong tranh chấp ở Biển Đông.
Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS ra phán quyết rằng các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa không thể được coi là vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Điều này đã bác bỏ lập trường của Trung Quốc. Kể từ đó, Trung Quốc thực hiện một số hành động mang tính cưỡng ép đơn phương nhằm tăng cường các yêu sách của mình. Trung Quốc đổi tên 80 thực thể địa lý ở Biển Đông và thành lập hai huyện mới ở tỉnh Hải Nam quản lý vùng Biển Đông. Trung Quốc tăng cường hoạt động bảo vệ bờ biển và quân sự trong các vùng biển tranh chấp, quấy rối các tàu tư nhân và tàu thực thi pháp luật của các quốc gia ven biển khác. Năm 2021, Trung Quốc thông qua luật mới tăng cường thẩm quyền của lực lượng bảo vệ bờ biển. Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch cho các dự án năng lượng ngoài khơi nằm bên trong các EEZ được quốc tế công nhận là của Malaysia và Việt Nam.
Hành động của các quốc gia riêng lẻ nhằm chống lại chiến lược của Bắc Kinh diễn ra lẻ tẻ, chưa hệ thống, thiếu sự phối hợp vốn đòi hỏi phải tập hợp được ý chí chính trị và kinh phí của các quốc gia khác. Tuy nhiên, các nước ven Biển Đông liên tục thực hiện các biện pháp chống lại Trung Quốc. Sau một loạt các cuộc chạm trán thù địch với tàu Trung Quốc, chẳng hạn như Philippines vào năm 2011 đã chính thức bắt đầu gọi Biển Đông là Biển Tây Philippines – một hành động được Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton ủng hộ. Năm 2012, Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời yêu cầu các tàu quân sự nước ngoài đi qua khu vực này phải thông báo trước.
Năm 2013, Philippines đệ trình vụ kiện chống lại các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Và Tòa Trọng tài đã ra phán quyết năm 2016, bác bỏ mọi cơ sở pháp lý theo luật quốc tế đối với “đường 9 đoạn”. Tòa Trọng tài cũng tuyên bố nhiều thực thể địa lý của các phần ở Biển Đông mà Trung Quốc sử dụng để củng cố các tuyên bố về EEZ là không đủ điều kiện theo UNCLOS; chỉ trích Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ bảo vệ đa dạng sinh học biển với tư cách là thành viên của UNCLOS cũng như gia tăng rủi ro hàng hải bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo trong khu vực Biển Đông.
Các quốc gia Đông Nam Á cũng lên tiếng nhiều hơn nhằm phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Các quốc gia này còn tăng cường các cam kết an ninh và ngoại giao với Mỹ và các cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ví dụ, năm 2014, Philippines ký một hiệp ước quân sự 10 năm với Mỹ, Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường, theo đó cho phép quân đội Mỹ tăng cường sự hiện diện ở Philippines, tiếp cận các cảng và sân bay của nước này cũng như tham gia các cuộc diễn tập huấn luyện chung.
Trong khi Mỹ và các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới lên án các hành động gây căng thẳng và phức tạp của Trung Quốc ở Biển Đông, thì phần lớn trách nhiệm của việc đề ra một biện pháp phối hợp và hiệu quả đối với hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông lại thuộc về ASEAN. Trong quá khứ, các phản ứng của ASEAN có xu hướng chủ yếu là ngoại giao và tuyên truyền. Tuy nhiên, vài năm qua, dường như đã có sự thay đổi trong quan điểm của ASEAN, đặc biệt là với việc phát hành báo cáo “Triển vọng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” năm 2019, lần đầu tiên đề cập đến một lập trường mạnh mẽ hơn và cũng thừa nhận thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Động thái này đánh dấu lập trường của ASEAN đối với dấu ấn ngày càng mở rộng của Bắc Kinh trong khu vực. Các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia và thậm chí Indonesia, ngày càng lên tiếng phản đối hành vi xâm phạm biển của Trung Quốc. Do đó, các quốc gia có cùng chí hướng dự kiến sẽ tìm được một đối tác sẵn sàng hơn trong ASEAN để phản ứng lại các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đang thảo luận Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Được đề cập lần đầu tiên năm 1996, tiếp theo là cam kết chuẩn bị được thực hiện năm 2012, COC nhằm mục đích xây dựng sự hiểu biết giữa các quốc gia đang có tranh chấp ở Biển Đông và từ đó đặt nền tảng cho sự ổn định lâu dài. Tuy nhiên, COC vẫn chưa được hoàn thành và quá trình đàm phán COC là một trong những cuộc đàm phán dài nhất thế giới. COC được kỳ vọng là khuôn khổ hướng dẫn cho các nước ven Biển Đông nhưng Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục mâu thuẫn về một số vấn đề – trong đó có vấn đề về địa lý và phạm vi các hoạt động hàng hải được phép, vai trò của các cường quốc bên ngoài ở khu vực này và liệu hiệp định có ràng buộc về mặt pháp lý hay không.
Sự khác nhau giữa Chủ quyền và Quyền chủ quyền
Các tranh chấp được thảo luận trong các phần trước là đa chiều. Tuy nhiên, sự khác biệt quan trọng là giữa “chủ quyền” tuyệt đối của một quốc gia và “quyền chủ quyền” của quốc gia đó. Chủ quyền, như được áp dụng cho các quốc gia, gồm “quyền và quyền lực đối với một vùng lãnh thổ, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình đối với dân cư, các cơ quan chức năng chung và cụ thể, và sự công nhận của các quốc gia có chủ quyền khác”. Trong khi đó, quyền chủ quyền, như UNCLOS sử dụng, “liên quan đến các quyền hoặc đặc quyền của một quốc gia đối với một vùng biển xác định được gọi là vùng đặc quyền kinh tế”, và do đó “thể hiện các quyền hạn chế của một quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế”. Mỗi quốc gia có quyền loại trừ các tác nhân bên ngoài khỏi khu vực tài phán của mình như được khái niệm hóa trong nguyên tắc chủ quyền của hệ thống các quốc gia độc lập có chủ quyền, và điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ở Biển Đông. Nguyên tắc này, nếu được áp dụng cho tranh chấp Biển Đông, đặt ra câu hỏi về hiệu lực của các khái niệm như “sự đi qua vô hại” và “hợp tác giải quyết ranh giới trên biển” như được nêu trong luật quốc tế về quản lý biển. Xung đột phần lớn là do sự khác biệt trong cách hiểu về chủ quyền lịch sử và hiện đại. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi việc quản lý một khuôn khổ quyền chủ quyền được cả hai bên chấp nhận trong vùng biển là rất phức tạp và đầy thách thức.
Có một sự suy nghĩ lại ý tưởng chủ quyền, từ quan niệm thuần túy về việc hoàn toàn không can thiệp vào công việc nội bộ của nhà nước sang việc đảm bảo nhà nước thực hiện trách nhiệm bảo vệ các quyền của công dân, đặc biệt là quyền con người. Điều này tạo không gian cho những can thiệp hạn chế của cộng đồng quốc tế trên cơ sở chính đáng. Nó làm cho chủ quyền phụ thuộc phần nào vào hoạt động của nhà nước trong việc thực hiện các nghĩa vụ. Câu hỏi đặt ra là liệu việc đánh giá lại chủ quyền này có thể được mở rộng thành nghĩa vụ của một quốc gia trong lĩnh vực hàng hải theo luật biển quốc tế hay không. Tuyên bố của Liên hợp quốc về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế tạo ra trách nhiệm cho các quốc gia thừa nhận một cách hợp lý chủ quyền bình đẳng của tất cả mọi người và các quyền chủ quyền vốn có ở đó. Giả sử rằng Trung Quốc đang tận dụng sức mạnh kinh tế và chính trị vi phạm chủ quyền của các quốc gia ven biển trong khu vực. Liệu có thể là cơ sở hợp pháp cho sự can thiệp của các bên bên ngoài như Mỹ và các đồng minh, các cơ quan quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc và ASEAN, hoặc thậm chí các hiệp hội đa quốc gia như QUAD và AUKUS?
Chủ quyền thường bị thổi phồng bằng cách gắn ý thức về sự thiêng liêng vào đặc điểm của nó. Tuy nhiên, trong ứng dụng, chủ quyền không mang tính tuyệt đối. Trong chính trị quốc tế, liên tục có các cuộc đàm phán về mức độ mà một quốc gia “có chủ quyền” cần phải tự kiềm chế trong khi thực hiện các quyền chủ quyền để đổi lấy việc liên kết với các thực thể quốc tế, khu vực hoặc siêu quốc gia. Tương tự, các bên ký kết UNCLOS phải chịu các hạn chế cụ thể trong việc thực thi chủ quyền trong các khu vực tài phán trên biển. Các điều từ 207 đến 212 của UNCLOS quy định rằng các quốc gia phải áp dụng các chính sách quản lý ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm biển. Điều 17 nói rằng các quốc gia được hưởng quyền “đi qua vô hại” qua lãnh hải của các quốc gia khác. Quy định này là sự phân biệt quan trọng nhất giữa chủ quyền trên đất liền và lãnh hải. Đây cũng có lẽ là lý do tại sao nó bị các nước như Trung Quốc phản đối kịch liệt.
Điều 56 của Công ước trao quyền chủ quyền cho các quốc gia đối với việc khai thác, thăm dò, bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng biển thuộc các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Điều 73 cũng cho phép các quốc gia thực hiện các biện pháp trừng phạt cần thiết đảm bảo tuân thủ các quy định của Công ước. Trong vụ M/V Virginia G, một vụ tranh chấp liên quan đến việc Guinea-Bissau bắt giữ một tàu chở dầu ven biển của Panama năm 2009, Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã đề cập đến những hạn chế đối với việc thực hiện các quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển. Tòa tuyên bố rằng khi thực hiện các quyền đó, nhà nước phải tôn trọng các quyền của các quốc gia ven biển khác, xét các điều khoản liên quan của UNCLOS.
Các hạn chế về quyền chủ quyền được thể chế hóa trong các quy tắc và quy định của các hiệp ước quốc tế khác nhau. Các quy tắc này không ngừng phát triển theo bối cảnh chính trị xã hội. Những thay đổi trong các hạn chế đối với quyền chủ quyền mang lại cho các quyền đó một đặc điểm năng động, trong khi chủ quyền là một khái niệm cụ thể hơn nhiều. Quyền chủ quyền là các bộ phận và chủ quyền là toàn bộ hệ thống tương tác của quyền tài phán của các quốc gia. Tuy nhiên, tổng thể không thể được rút gọn thành tổng các đặc tính cơ học của các bộ phận. Việc chuyển giao hoặc ủy quyền một số quyền chủ quyền cho một thực thể bên ngoài không làm giảm tính toàn vẹn chủ quyền của quốc gia.
Có một sự phân biệt khác giữa chủ quyền và quyền chủ quyền liên quan cụ thể đến luật biển. Sở hữu các quyền chủ quyền đối với một vùng biển không có nghĩa là có chủ quyền đối với nó; mặc dù các quyền chủ quyền phụ thuộc vào chủ quyền đối với “đường cơ sở”. Trong quản lý đất đai, việc phân định lãnh thổ cũng hàm ý phân định các quyền chủ quyền. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hàng hải, hai hoặc nhiều quốc gia có thể có quyền bình đẳng và hợp lệ đối với một vùng lãnh thổ nhất định và cả hai đều cần phải có những hy sinh hợp lý để có được một giải pháp được cả hai bên chấp nhận cho vấn đề ranh giới.
Việc Trung Quốc từ chối thừa nhận những khác biệt quan trọng này là một trong những lý do chính dẫn đến căng thẳng ở Biển Đông. Bất kỳ sự khẳng định nào về quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển khác đều được coi là một thách thức đối với tính toàn vẹn chủ quyền của Bắc Kinh. Các nguồn tài nguyên của Biển Đông – hiện có và tiềm năng – và tầm quan trọng của chính vùng biển này trong thương mại hàng hải toàn cầu cũng có thể đã khiến Trung Quốc phớt lờ những khác biệt nói trên. Tuy nhiên, điều chắc chắn là sự khác biệt giữa chủ quyền và quyền chủ quyền chỉ là một phần của vấn đề. Một khía cạnh khác là việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các nhóm đảo lớn trong khu vực bao gồm các những đảo mà các quốc gia khác đang quản lý và thực thi chue quyền của mình. Và các quốc gia ven biển khác coi những tuyên bố này là không thể chấp nhận được theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tham chiếu đầu tiên về “quyền chủ quyền” trong Luật biển quốc tế được đưa ra những năm 1970, cùng thời điểm với Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về Luật Biển được tổ chức (cuối cùng dẫn đến việc ký kết UNCLOS năm 1982). Thuật ngữ này đã được áp dụng để điều chỉnh quyền của các quốc gia ven biển đối với các nguồn tài nguyên trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế cũng như các nguồn năng lượng của họ kể từ những năm 1990. Tuy nhiên, chủ quyền không tự động được trao bởi vì một quốc gia có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trong EEZ của mình. Quyền chủ quyền (một tập hợp giới hạn các quyền và quyền hạn) của một quốc gia ven biển không tương ứng với quyền thực thi chủ quyền (tức là thẩm quyền chính trị tối cao) đối với khu vực. Do đó, có sự khác biệt giữa luật biển quốc tế và quan điểm của Trung Quốc về thẩm quyền. Bắc Kinh coi Biển Đông là vùng biển lân cận và có liên quan của mình. Sự hiểu biết về biển của Trung Quốc là sự mở rộng “các quyền lịch sử” của họ đối với Biển Đông. Theo quan điểm của Trung Quốc, các hoạt động của họ tại các vùng biển này – dù là xây dựng các đảo nhân tạo hay thông qua luật bảo vệ bờ biển mới – đều hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, chúng trái với luật biển quốc tế như UNCLOS quy định.
Những lỗ hổng của luật biển hiện nay
Một trong những lý do chính dẫn đến thất bại có thể chứng minh được của UNCLOS trong việc kiềm chế Trung Quốc là sự mơ hồ của các điều khoản quan trọng. Nó vạch ra chủ quyền và quyền chủ quyền nhưng không xác định chúng một cách rõ ràng. Điều 74 và 84 quy định một “giải pháp công bằng” để phân định ranh giới trên biển nhưng không nêu rõ khái niệm bình đẳng phải tuân theo là gì. Những sự không rõ ràng này đã cho phép các quốc gia thành viên giải thích các điều khoản theo lợi ích tương ứng của họ, dẫn đến các phiên bản khác nhau và thường mâu thuẫn. Các tòa án của công ước không có thẩm quyền quyết định về vấn đề chủ quyền đối với lãnh thổ biển đang tranh chấp, vốn là cốt lõi của các cuộc xung đột ở Biển Đông. Tòa án Công lý Quốc tế chỉ có thể phân xử về vấn đề chủ quyền khi tất cả các bên trong xung đột đồng ý với vấn đề đó. Xét sự kiên quyết của Trung Quốc về việc giải quyết song phương các xung đột với các quốc gia ven biển khác và sự phản đối đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm quốc tế hóa vấn đề, điều này dường như khó có thể xảy ra. Ngay cả khi tòa án ra phán quyết ràng buộc, UNCLOS vẫn thiếu một cơ chế thực thi hiệu quả.
Theo Điều 298, UNCLOS cũng có các điều khoản thích hợp để các quốc gia thành viên được miễn trừ việc tham gia các thủ tục giải quyết tranh chấp như phân định ranh giới biển và các hoạt động quân sự. Điều này được Trung Quốc sử dụng để tuyên bố phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 (sau các thủ tục tố tụng do Philippines đưa ra) là không thể chấp nhận và vô hiệu. Việc giải quyết xung đột hoàn toàn do các quốc gia có liên quan quyết định. Do sự bất cân xứng trong quan hệ quyền lực của mình với các quốc gia ven biển khác, Trung Quốc đã và đang gây ra một cuộc xung đột kéo dài, khiến các quốc gia nhỏ hơn mất kiên nhẫn và tận dụng điều này để cuối cùng đạt được những nhượng bộ lớn. Tuy nhiên, những hạn chế của UNCLOS không biện minh cho việc vi phạm. Là một khuôn khổ đã được quốc tế thống nhất theo đó hướng dẫn các hoạt động và quyền trên biển, UNCLOS tạo thành điểm tham chiếu cơ bản cho cả các quốc gia ven biển và không ven biển. (Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán dẫn đến Công ước.) UNCLOS là kết quả của một lịch sử lâu dài về việc hình thành các quyền và ranh giới trên biển từ đầu thế kỷ 17.
Kích hoạt các giải pháp khả thi
Do đó, các vấn đề về yêu sách chủ quyền lãnh thổ trên biển, các hoạt động liên quan trong đó cũng như luật pháp trong nước và quốc tế cũng như việc giải thích chúng trong bối cảnh của Biển Đông mang bản chất chính trị sâu sắc. Những vấn đề này đòi hỏi một giải pháp chính trị. Sự rõ ràng trong hiểu biết pháp luật là một bước tiến tới việc thực hiện các biện pháp chính trị trong khuôn khổ do Liên hợp quốc đề ra. Căng thẳng định kỳ về các yêu sách cạnh tranh và chồng chéo góp phần làm cho vấn đề Biển Đông trở nên vô cùng phức tạp. Bản tóm tắt này đã nhấn mạnh những điểm mơ hồ tồn tại trong trật tự pháp lý hàng hải liên quan đến các quyền và quyền được hưởng. Điều này tạo ra phạm vi để nghiên cứu sâu hơn, mà cuối cùng sẽ dẫn đến giảm thiểu các nguy cơ. Cần có sự đánh giá kỹ lưỡng để xác định rõ ràng sự phân biệt giữa chủ quyền và quyền chủ quyền đối với không gian biển ở Biển Đông. Điều này cho phép xác định các lỗ hổng trong chế độ pháp lý hàng hải hiện hành, cụ thể là liên quan đến chủ quyền và quyền chủ quyền, do đó đơn giản hóa việc phân định các quyền, nhiệm vụ và nghĩa vụ cụ thể của các quốc gia trong vấn đề này. Cần có các biện pháp khuyến khích chính trị mà có thể ngăn chặn hành vi không tuân thủ để đảm bảo rằng các quốc gia tuân thủ luật hàng hải quốc tế. Quan điểm nhất quán về sự khác biệt giữa chủ quyền và quyền chủ quyền giúp đơn giản hóa vấn đề cực kỳ phức tạp đó là Biển Đông. Điều này chắc chắn dẫn đến sự đánh giá tốt hơn về địa lý chính trị của những vùng biển này. Cuối cùng, điều này có thể giúp hình thành khung chính sách và chiến lược khu vực tốt hơn để giải quyết những điểm mơ hồ và khác biệt trong nhận thức và hiểu biết về luật biển quốc tế.