Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga áp “lằn ranh đỏ” với Mỹ

Nga áp “lằn ranh đỏ” với Mỹ

“Lằn ranh đỏ” – thuật ngữ chỉ giới hạn vô hình nhằm cảnh báo việc không được phép vượt qua để tránh nguy cơ phải đối diện với một sự trừng phạt hoặc hậu quả bất lợi.

Một tổ hợp pháo phản lực HIMARS Mỹ viện trợ Ukraine.

Thế nên thuật ngữ trên có tính chất chính trị, gần như được mặc định là khẩu khí của các nước lớn. Nước lớn thì mới có khả năng áp đặt điều kiện cho các nước yếu. Nhìn chung, nước nhược tiểu mà đòi cường quốc này, cường quốc kia phải nghe theo mình thì là chuyện cười. Điều đó càng đúng trong một thế giới mà chủ nghĩa cường quyền trong xu hướng lên ngôi.

Tuy nhiên, trong thực tế, cũng có những trường hợp hơi ngoại lệ. Như Mỹ chẳng hạn. Thời gian gần đây, quốc gia này lại vài lần bị nước khác, yếu thế hơn, đem “lằn ranh đỏ” ra đe dọa.

Hiển nhiên, tới thời điểm này, Mỹ là cường quốc số 1. Không chỉ số 1 về quân sự, mà còn số 1 về kinh tế với quy mô GDP làm tròn khoảng 24 nghìn tỷ USD/năm – theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Riêng cái sự “làm tròn” vài chục, vài trăm tỷ một cách dễ dãi đủ thấy, Mỹ lớn và mạnh như thế nào.

Trung Quốc – cường quốc đang trỗi dậy, hiện đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế quy mô thứ 2 thế giới với GDP năm 2022 khoảng 18 nghìn tỷ USD – cũng theo dự đoán của IMF. Kinh tế đã khổng lồ như thế thì quốc phòng không thể dạng vừa, nhất là khi Bắc Kinh quá giàu tham vọng, nóng lòng muốn thay thế Mỹ thống trị thế giới trong mươi năm nữa.

Xét về tương quan sức mạnh Mỹ – Trung, có thể ví bằng thành ngữ “bên tám lạng, người nửa cân”. Tuy nhiên, “ba lạng” là một khoảng cách lớn. Nghĩa là để theo kịp Mỹ, Trung Quốc cũng còn mệt.

Vậy mà lâu nay, Mỹ vẫn bị Trung Quốc đưa “lằn ranh đỏ” ra để dọa. Lần gần nhất, cuối tháng 7/2022, trong cuộc điện đàm trực tiếp với với người đồng cấp là ông J. Biden, ông Tập Cận Bình đã cảnh cáo rằng, Mỹ đừng có “đùa với lửa” nếu để xảy ra việc Chủ tịch Hạ viện là bà Pelosi thăm Đài Loan. Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong họp báo “Nếu Mỹ thách thức lằn ranh đỏ của Trung Quốc, họ sẽ phải chịu toàn bộ hậu quả mà hành động này gây ra”.

Sự nóng nảy của ông Tập từng làm cả thế giới hoang mang. Tới khi Mỹ vượt qua “lằn ranh đỏ”, Bắc Kinh phản ứng lại bằng cuộc tập trận quy mô lớn “vuốt đuôi” chuyên cơ của bà Pelosi khi nó đã cách xa nghìn trùng, cộng đồng quốc tế mới tạm thở phào trong khi tim vẫn còn đập thình thịch.

Còn Mỹ, coi như xong một bài “test” với Trung Quốc, biết được mức phản ứng cao nhất mà Bắc Kinh có thể làm lúc này.

Những ngày qua, cũng lại Mỹ, lại bị Nga – đối thủ yếu thế hơn – mang “lằn ranh đỏ” để đe dọa. Lời đen dọa của Kremlin liên quan cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra tại Ukraine.

Quan sát chiến dịch quân sự đặc biệt – theo cách gọi của Nga, nửa năm qua, ai cũng thấy, nó thực sự trở thành cuộc đối đầu của Nga và phương Tây. Nếu không có viện trợ quân sự của phương Tây, sau 6 tháng giao tranh, câu chuyện đã diễn ra theo kịch bản khác. Viện trợ ồ ạt vũ khí tối tân của phương Tây cho Ukraine tới hàng chục tỷ USD đã khiến Nga đang trở nên khó khăn- như nhận định của giới quân sự.

Những tuần qua, Ukraine lại đang nỗ lực vận động Mỹ viện trợ các hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS có thể được khai hỏa từ HIMARS và mẫu pháo M27 đã được phương Tây cung cấp trước đó.

“Nếu Mỹ quyết định cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Kiev, nước này sẽ vượt lằn ranh đỏ và trở thành một bên trực tiếp tham gia vào xung đột”. Cảnh báo giận dữ của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova tại một cuộc họp báo ngày 15/9 cho thấy, quyết định “có” hay “không” gửi cho Ukraine hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS là bài test khắc nghiệt như thế nào mà Mỹ phải trả lời.

Nếu câu trả lời là “có”, bằng hệ thống tên lửa ATACMS có tầm bắn 300km, Ukraine có thể tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, cuộc chiến Ukraine sẽ bị đẩy lên một nấc thang mới. Nấc thang này đồng nghĩa với việc vượt qua “lằn ranh đỏ” mà bà Maria Zakharova đã khẳng định: “Khi kịch bản đó xảy ra, chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng. Nga có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình bằng mọi biện pháp có thể”.

Nga khác Trung Quốc. Câu chuyện Ukraine cũng không thể là câu chuyện Đài Loan. Thế nên, những “biện pháp có thể”, theo lời bà Maria Zakharova, rất có thể không chỉ dừng ở mức “vuốt đuôi” máy bay của bà Pelosi như Trung Quốc đã làm – là điều mà nhiều người dự đoán.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới