Friday, November 8, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNền kinh tế toàn cầu có thể 'thiệt hại' 2.800 tỉ USD...

Nền kinh tế toàn cầu có thể ‘thiệt hại’ 2.800 tỉ USD vì xung đột Nga

OECD công bố báo cáo ước tính xung đột Nga – Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022 sẽ khiến GDP toàn cầu mất 2.800 tỷ USD cho đến cuối năm 2023.

Người dân sơ tán khỏi thành phố Mariupol, Ukraine ngày 18/4/2022.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng thế giới đang phải “trả cái giá rất đắt” vì căng thẳng Nga-Ukraine, đồng thời cảnh báo châu Âu rơi vào suy thoái trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục, thị trường chứng khoán “lao dốc”, các đợt tăng lãi suất mạnh tay, còn giá lương thực, năng lượng, khí đốt “phi mã”.

OECD công bố báo cáo ước tính xung đột Nga – Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022 sẽ khiến GDP toàn cầu mất 2.800 tỷ USD cho đến cuối năm 2023. Con số này thậm chí có thể cao hơn nếu mùa Đông khắc nghiệt khiến châu Âu phải phân phối sử dụng năng lượng.

Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nhận định thế giới đang trả một cái giá rất đắt vì căng thẳng Nga-Ukraine.

Trước khi căng thẳng nổ ra, OECD dự báo kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 4,5% trong năm 2022 và 3,2% trong năm 2023. Tuy nhiên, trong dự báo mới nhất của mình, các con số này lần lượt là 3% và 2,2%. Điều này có nghĩa là kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm hơn dự kiến ban đầu, chủ yếu do căng thẳng tại Ukraine.

Báo cáo của OECD chỉ ra rằng: “Nền kinh tế toàn cầu đã mất đà trong năm nay”. Sau khi phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, việc quay trở lại trạng thái bình thường dường như là điều có thể xảy ra trước khi căng thẳng Nga-Ukraine nổ ra. Báo cáo cũng cho thấy giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng hơn gấp ba lần trong năm qua và hiện cao hơn 10 lần so với mức trung bình từ năm 2010-2019.

OECD dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ở mức 0,3% trong năm 2023, giảm 1,3% so với ước tính đưa ra hồi tháng Sáu. Kinh tế Đức được dự báo giảm 0,7%. Báo cáo cho biết: “Thế giới, đặc biệt là châu Âu, đang gánh chịu chi phí của cuộc chiến ở Ukraine, và nhiều nền kinh tế phải đối mặt với một mùa Đông khó khăn”.

Các chính phủ trên khắp châu Âu đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với giá nhiên liệu tăng vọt. Một số nước cũng đã áp giá trần năng lượng. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ còn khiến nợ công các nước tăng vọt. OECD cho rằng các nước chỉ nên tập trung vào nhóm người chịu tác động mạnh nhất.

Về vấn đề lạm phát, OECD cũng nói rằng lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương ngay cả trước khi xung đột Nga- Ukraine nổ ra. Cuộc xung đột này đã làm trầm trọng thêm tất cả các vấn đề bắt nguồn từ đại dịch, giống như tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng.

Theo báo cáo, các cú sốc có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế châu Âu khoảng 1,25 điểm phần trăm vào năm 2023, và khiến lạm phát tăng thêm 1,5 điểm phần trăm. Điều này sẽ đẩy nhiều quốc gia vào cuộc suy thoái vào năm 2023. Những cú sốc đó bao gồm giá khí đốt tự nhiên có khả năng tăng 50%, do đó sẽ làm tăng giá các sản phẩm như phân bón và dầu.

Ngoài châu Âu, tác động của các cú sốc sẽ thấp hơn, nhưng vẫn có tác động tiêu cực từ lạm phát cao hơn đối với thu nhập thực tế, ngoại trừ các nền kinh tế sản xuất khí đốt, và nhu cầu yếu hơn từ châu Âu.

OECD kêu gọi Mỹ và châu Âu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo để đối phó với việc nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch từ Nga giảm, đồng thời cho biết thêm rằng căng thẳng Nga-Ukraine đã đem lại “nhận thức cao hơn” về mối liên hệ giữa chính sách năng lượng và an ninh.

OECD để ngỏ khả năng sửa đổi các dự báo trong tương lai, đặc biệt nếu nguồn cung năng lượng bị gián đoạn nhiều hơn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới