Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCác đảo quốc Thái Bình Dương gây khó trước nỗ lực của...

Các đảo quốc Thái Bình Dương gây khó trước nỗ lực của Mỹ

Hội nghị thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương mà Mỹ đang tổ chức gặp trở ngại khi theo một số tài liệu rò rỉ, Solomon từ chối ký thỏa thuận ngoại giao khu vực do Washington đề xuất.

Nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố mối quan hệ với các đảo ở Thái Bình Dương không được thuận lợi do Quần đảo Solomon từ chối dự thảo thỏa thuận của Mỹ, còn một số nước lo ngại về việc Mỹ hỗ trợ tài chính “không đủ” cho khu vực.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đón một số nhà lãnh đạo Thái Bình Dương đến Washington dự hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương từ ngày 28-9. Hội nghị có sự tham gia của các đảo quốc Fiji, Marshall, Micronesia, Palau, Papua New Guinea, Samoa, Solomon, Tonga, Tuvalu, Cook, French Polynesia, New Caledonia, Vanuatu, Nauru.

Đây là nỗ lực của Washington nhằm tăng cường quan hệ với các nước Thái Bình Dương và được coi là phản ứng trước sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực. Một số quốc gia Thái Bình Dương khác hoan nghênh sự can dự của Mỹ trong khu vực.

Tuy nhiên, báo Guardian dẫn tài liệu rò rỉ từ phái đoàn Solomon nói rằng nước này “không thể thông qua tuyên bố trong tuần này và sẽ cần thời gian để suy nghĩ về tuyên bố”.

Dự thảo thỏa thuận vẫn đang trong quá trình thảo luận và phía Mỹ hy vọng nó sẽ được thông qua trong tuần này. 

Theo thỏa thuận, Mỹ và các đảo quốc sẽ tăng cường hợp tác trước tình hình “khủng hoảng khí hậu và môi trường địa chính trị ngày càng phức tạp” với những từ ngữ chung chung như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì hòa bình, an ninh.

Dự thảo khác biệt rõ với thỏa thuận kinh tế và an ninh khu vực sâu rộng mà Trung Quốc đã đưa ra với 10 quốc gia Thái Bình Dương hồi đầu năm, trong đó vạch rõ chi tiết, cam kết về các khoản tiền, các chương trình cụ thể và thậm chí nêu rõ số lượng các đoàn nghệ thuật Trung Quốc sẽ được cử đến quần đảo để trao đổi văn hóa. 

Nó cũng cho phép Trung Quốc mở rộng tham gia vào các thỏa thuận an ninh tại khu vực, như huấn luyện, xây dựng phòng thí nghiệm, hợp tác an ninh mạng…

Dự thảo của Mỹ cũng cho biết Washington cam kết hoàn tất các cuộc đàm phán liên quan đến Hiệp ước Hiệp hội Tự do với Micronesia, Marshall và Palau. Tuy nhiên, một tài liệu đại sứ quán ba nước này cho rằng “đề xuất hỗ trợ kinh tế của Mỹ là không đủ”.

Phía Mỹ chưa đưa ra phản hồi về vấn đề này.

RELATED ARTICLES

Tin mới