Thursday, November 7, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThách thức phục hồi kinh tế

Thách thức phục hồi kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam đang có bước phục hồi mạnh mẽ, với tăng trưởng GDP quý III lên tới 13,67%, 9 tháng là 8,83%, song vẫn còn nhiều thách thức đằng sau con số tăng trưởng ấn tượng đó.

Vẫn còn nhiều thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế


Nói vậy là bởi vì, đúng là xét về con số, tăng trưởng GDP của Việt Nam đang ở mức cao, thậm chí tăng trưởng của 9 tháng còn thuộc diện cao nhất kể từ năm 2011 tới nay, nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng, đây là mức tăng trưởng cao dựa trên nền tăng trưởng thấp của năm 2021, năm mà nền kinh tế chịu những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Thậm chí, quý III năm ngoái, nền kinh tế tăng trưởng âm tới 6,03%.

Có nguyên nhân từ sự nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, có yếu tố từ sự quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân và cộng đồng doanh nghiệp, và đây là những nguyên nhân cơ bản, chủ yếu, có tính quyết định đến sự phục hồi của nền kinh tế, nhưng cũng có nguyên nhân khách quan từ sự sụt giảm của nền kinh tế trong quý III năm ngoái.

So sánh với nền tăng trưởng âm như vậy, nên quý III năm nay mới có mức tăng trưởng cao 13,67%, qua đó góp phần đưa tăng trưởng GDP của 9 tháng lên mức 8,83%.

Đây chính là cơ sở để kỳ vọng, tăng trưởng GDP năm nay có thể sẽ ở mức 8%, vượt mục tiêu đề ra, tạo nền tảng để nền kinh tế bước vào năm 2023 thuận lợi hơn, có đà để tăng tốc.

Tuy nhiên, chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2022, diễn ra vào cuối tuần qua, cũng đã thừa nhận rằng, dù nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng 9 tháng đầu năm bình quân 3 năm 2020 – 2022 mới chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch giai đoạn 2016 – 2019 (6,88%).

Có nghĩa rằng, quỹ đạo tăng trưởng cũ chưa thể quay lại. Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn tích lũy, để bù đắp những thiệt hại nghiêm trọng do Covid-19 gây ra.

Không chỉ là “chưa đủ bù đắp”, mà nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn rất lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại, thậm chí là nguy cơ suy thoái, ẩn chứa nhiều yếu tố bất định do xung đột chính trị toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp.

Nói là phục hồi mạnh mẽ, nhưng thực tế, hoạt động sản xuất – kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao, thiếu hụt lao động cục bộ…

Đây có lẽ chính là nguyên nhân khiến 9 tháng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 112.698 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với đó, là những áp lực lạm phát từ bên ngoài, thị trường xuất khẩu, khách du lịch quốc tế bị thu hẹp… FDI đăng ký mới chỉ bằng 57% so với cùng kỳ; ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá… trong trung và dài hạn.

Du lịch đang phục hồi nhanh, nhưng không đồng đều giữa khách trong nước và khách quốc tế. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019. Sức mua thị trường trong nước đúng là đã được khôi phục trở lại, nhưng chủ yếu tiêu thụ vẫn tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu, nhóm các hàng hóa không thiết yếu tăng thấp…

Rõ ràng, thách thức, khó khăn còn rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 chỉ đề xuất mức tăng trưởng hợp lý trong năm tới là 6,5%. Các dự báo của các định chế quốc tế cũng cho thấy, năm 2023, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng chỉ xoay quanh mức như vậy. Có yếu tố từ chuyện nền tảng tăng trưởng cao tới 8% của năm nay, nhưng hơn hết là vì dự báo bối cảnh thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức.

Chính vì thế, để nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, lấy lại đà tăng trưởng, và để làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 – 2025 là 6,5 – 7%/năm, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó có việc thúc đẩy nhanh việc triển khai có hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội 2022 – 2023. Hiện tại, mới khoảng 20% ngân khoản của Chương trình được giải ngân. Chậm triển khai có thể sẽ khiến nền kinh tế lỡ nhịp phục hồi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới