Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTập Cận Bình và Đại hội Đảng Cộng sản TQ lần thứ...

Tập Cận Bình và Đại hội Đảng Cộng sản TQ lần thứ 20

Đại hội lần thứ 20 của Đảng CSTQ đã khai mạc ngày 16/10/2022 với bài diễn văn dài hai tiếng của Tập Cận Bình. Ông sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba sau khi xóa bỏ luật chơi của đảng do Đặng Tiểu Bình xác lập. Trung Quốc đã trỗi dậy thành siêu cường kinh tế lớn thứ hai, bành trướng và bắt nạt các nước khu vực, thách thức Mỹ với ý đồ thay đổi trật tự thế giới. Xu hướng cực đoan và tham vọng quá lớn của Tập ẩn chứa rủi ro và nguy cơ khó lường.

Sau đại hội 19, đại hội 20 là một cơ hội mới để Tập Cận Bình thực hiện tham vọng phục hưng Trung Quốc. Nhưng các diễn biến gần đây với các bài học của chiến tranh Ukraine cũng như suy giảm kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch với mức tăng trưởng GDP tụt xuống chỉ còn 3,2% năm 2022, chắc sẽ làm lãnh đạo Trung quốc phải tính toán lại về chính sách để đối phó với rủi ro và thách thức trong một thế giới biến động khó lường.

Đại hội 20 của Đảng CSTQ có những điều chỉnh gì về nhân sự lãnh đạo cũng như chính sách trước tình hình mới? Các điều chỉnh đó sẽ tác động thế nào đến cục diện khu vực và thế giới? Trước những biến động khó lường gần đây, các câu hỏi đó khó có lời giải rõ ràng, không chỉ với giới nghiên cứu bên ngoài mà còn đối với lãnh đạo Trung Quốc. Nói cách khác, đại hội 20 là “thời điểm then chốt” đối với Tập Cận Bình.

Hoàng đế Trung Hoa

Đại hội 20 của Đảng CSTQ không chỉ khẳng định nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình với vai trò lãnh đạo suốt đời như hoàng đế Trung Hoa, mà còn thông qua các quyết định để sắp xếp lại nhân sự lãnh đạo chủ chốt và các chủ trương lớn của Trung Quốc trong giai đoạn mới dưới thời Tập Cận Bình. Vì vậy, có thể nói đại hội đảng lần thứ 20 là đại hội của Tập Cận Bình.

Theo các học giả, mỗi khi Trung Quốc phục hưng trỗi dậy thường có một hoàng đế mới. Đại hội này sẽ xóa bỏ quy định về giới hạn tuổi và nhiệm kỳ của lãnh đạo mà Đặng Tiểu Bình đã xác lập cơ chế “lãnh đạo tập thể” sau thời kỳ Mao Trạch Đông. Đại hội lần này sẽ khẳng định nhiệm kỳ thứ ba của Tập để cầm quyền tới năm 2027 và có thể là vô hạn. Vì vậy, đại hội 20 giống lễ đăng quang hơn là một đại hội của Đảng CSTQ.

Theo Minxin Pei, Tập Cận Bình đã quyết định xóa bỏ những luật lệ và quy định từ thời Đặng Tiểu Bình về giới hạn tuổi và nhiệm kỳ của lãnh đạo Trung Quốc. Đặng hiểu rằng những quy định đó là thiết yếu để tránh lặp lại những bài học dưới thời Mao. Nhưng lòng tin của Đặng không thể vượt qua lợi ích. Hệ thống thể chế của Đặng trong thập niên 1980 nay trở thành “lâu đài bằng giấy”.

Nếu sự cân bằng và kiểm soát theo hiến pháp thất bại như dưới thời Trump tại Mỹ, các nền dân chủ vẫn có thể dựa vào tự do ngôn luận, xã hội dân sự, và đảng đối lập để đối phó. Nhưng trong chế độ độc tài, các luật lệ và quy định mong manh hơn nhiều. Quyết định của Tập tại đại hội 20 “chỉ là làn gió kích động sự sụp đổ không tránh khỏi”.

Trong nhiều thế kỷ, các triều đại Trung Hoa đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng Đông Á. Xét nhiều khía cạnh, lãnh đạo Trung Quốc ngày nay giống một hoàng đế Trung Hoa hơn là một nhà cách mạng Mac-xít. Tập Cận Bình có tham vọng phục hưng Trung Quốc như một cường quốc thống trị Châu Á, như hạt nhân của hệ thống lấy Trung Quốc làm trung tâm kiểu mới mà về bản chất cũng tương tự như vị trí hoàng đế Trung Hoa.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc thời nay khớp với sự phục hưng Trung Hoa thời xưa. Tập đã khởi xướng “Giấc mộng Trung Hoa” để phục hưng đất nước theo mô hình đó. Tập muốn kết hợp văn minh Trung Hoa thời xưa với thành quả thời nay để chế độ cộng sản của ông có đặc quyền nước lớn. Tập lập luận rằng lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc cùng với sự phát triển thần kỳ gần đây là bằng chứng rằng Trung Quốc lãnh đạo thế giới.

Ngoại trưởng Vương Nghị vào tháng 4/2022 đã tuyên bố rằng họ có “lời giải cho các vấn đề của thời đại” và “cống hiến trí tuệ của Trung Quốc cho nỗ lực của loài người”. Trên thực tế, Tập Cận Bình đã điều hành như một hoàng đế. Dưới thời Tập, chính phủ mang sắc thái của một triều đình phong kiến và Tập điều hành đối ngoại cũng giống một hoàng đế.

Triều đình nhìn nhận thế giới theo trật tự do Trung Quốc đứng đầu. Bất cứ nước nào chống lại trật tự đó và không tuân theo luật lệ của Trung Quốc sẽ bị trừng phạt kinh tế, như mất quyền tham gia thị trường Trung Quốc. Tập đã cố gắng áp đặt luật lệ về ngoại giao để lập ra một trật tự thế giới mới mà Trung Quốc nằm ở trung tâm. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) mang dấu ấn của Tập cũng gần giống hệ thống triều cống thời xưa.

Tập Cận Bình đã chủ trì hai hội nghị quốc tế về BRI mà nguyên thủ các nước đến Bắc Kinh để chầu giống như hệ thống triều cống thời xưa. Theo Michael Sobolik, tác giả của một cuốn sách về “Vành đai và Con đường”, sáng kiến này là ván cờ của Trung Quốc để làm điều mà Trung Quốc đã từng làm hàng ngàn năm qua: kết hợp vị thế địa chiến lược với nền văn minh Trung Hoa.

Tuy Đại hội 20 sẽ tiếp tục lấp đầy đội ngũ lãnh đạo của đảng bằng những người trung thành với Tập, nhưng ông là một “hoàng đế không có người kế vị”. Đây là thời kỳ tranh chấp bất ổn vì nhiều quan chức sẽ tranh nhau để kế vị Tập. Chính sách sẽ ngày càng khó lường vì lời hoàng đế nói ra là luật lệ. Với ngôi vị Thiên tử, Tập sẽ theo đuổi một trật tự khu vực mà các nước láng giềng sẽ trở thành chư hầu.

Nói cách khác, Tập Cận Bình phải đương đầu với nhiều thách thức khó lường trong nước và ngoài nước. Điểm yếu lớn nhất của ông là khả năng nắm bắt về kinh tế kém do chủ quan và cực đoan. Chính sách “zero Covid” của Tập và cách điều hành kinh tế đang dẫn đến trì trệ và suy thoái. Ngoài ra, các cuộc thanh trừng thường xuyên tại các cấp trong đảng dẫn đến tình trạng ân oán và bất mãn trong nội bộ, làm cho ông cảm thấy bất an hơn.

Theo Kerry Brown, Trung Quốc quá phức tạp, quá lớn và quá tư bản để tránh được đa nguyên về chính trị. Nhưng Tập Cận Bình đã dẫn dắt Trung Quốc đi theo hướng ngược lại. Kết cục là ông cũng trở thành “tù nhân của đảng” khi tìm mọi cách để phục hưng vai trò nước lớn của Trung Quốc theo đúng nghĩa của từ từ này.

Kịch bản về nhân sự

Đại hội 20 chắc chắn sẽ khẳng định Tâp Cận Bình tiếp tục lãnh đạo nhiệm kỳ thứ ba, và chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục xu hướng độc tài về đối nội và cực đoan về đối ngoại. Đó là xu hướng chiến lược khó lòng thay đổi. Nhưng các diễn biến khó lường gần đây trên thế giới cũng như trong nước, về an ninh cũng như về kinh tế, sẽ buộc Trung Quốc phải tính toán lại và điều chỉnh chính sách linh hoạt hơn để đối phó với tình huống.

Theo quy định về tuổi, Lý Khắc Cường (67 tuổi), Uông Dương (67 tuổi), Vương Hỗ Ninh (67 tuổi) và Triệu Lạc Tế (65 tuổi) có thể ở lại Ban Thường vụ, nhưng Lật Chiến Thư (72 tuổi) và Hàn Chính (68 tuổi) đến tuổi nghỉ hưu. Ứng viên hàng đầu cho hai ghế trống trong Ban Thường vụ là Trần Mẫn Nhĩ (62 tuổi) Hồ Xuân Hoa (59 tuổi).

Nếu Lý Khắc Cường thôi giữ chức thủ tướng Trung Quốc thì người có khả năng kế nhiệm là Uông Dương, một nhà cải cách có năng lực. Hồ Xuân Hoa là người có đủ điều kiện làm phó thủ tướng để có thể kế nhiệm ghế thủ tướng vào năm 2027. Theo giới quan sát, Trần Mẫn Nhĩ và Hồ Xuân Hoa được xác định là hai ứng viên duy nhất có khả năng thay thế vị trí Tổng Bí thư Đảng CSTQ và Thủ tướng Quốc vụ viện vào năm 2027-2028.

Theo Cheng Li, trước những thách thức về đối nội cũng như đối ngoại “chưa từng có”, tại đại hội lần này Tập Cận Bình sẽ xóa bỏ các luật lệ và quy định trước đây, trực tiếp quyết định về nhân sự của Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Lật Chiến Thư chắc sẽ nghỉ và giữ chức Phó Chủ tịch nước như Vương Kỳ Sơn trước đây.

Đáng tiếc là các nhà cải cách như Lý Khắc Cường và Lưu Hạc đã điều hành kinh tế trong thập niên vừa qua, nhưng không cản được xu hướng cực đoan và sự trỗi dậy của “chính trị thống soái”. Những tiếng nói ủng hộ cải cách như Lý Khắc Cường, Uông Dương và Hồ Xuân Hoa cũng không cản được xu hướng cực đoan và cứng rắn. Vương Nghị chắc sẽ thay Dương Khiết Trì phụ trách đối ngoại, tuy chưa biết ai làm ngoại trưởng.

Nếu kịch bản một là duy trì xu hướng cải cách mà thiếu khả thi, thì kịch bản hai là xu hướng cực đoan và cứng rắn sẽ chiếm ưu thế. Nói cách khác, các đồng minh của Tập sẽ chiếm đa số trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Hàn Chính (68 tuổi) và Lật Chiến Thư (72 tuổi) có thể ở lại Ban Thường vụ. Nhưng ảnh hưởng của nhà lý luận Vương Hỗ Ninh và thủ tướng Lý Khắc Cường có thể không còn phù hợp với ý chỉ của “hoàng đế” Tập Cận Bình.

Trong trường hợp Tập quyết định tăng số ghế của Ban Thường vụ lên chín người, thì Trần Mẫn Nhĩ (62 tuổi) và Đinh Tiết Tường (60 tuổi) là hai ứng viên hàng đầu. Trần Mẫn Nhĩ là sự lựa chọn hợp lý để kế nhiệm Triệu Lạc Tế tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương chống tham nhũng, còn Đinh Tiết Tường có thể kế nhiệm Vương Hỗ Ninh tại Ban Bí thư, và Hà Lập Phong có thể kế nhiệm Lưu Hạc làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế.

Lần đầu tiên kể từ 1978, không có một vị nguyên lão nào đủ sức kiềm chế Tập. Nếu không có các nguyên lão, Tập có thể mắc sai lầm khi theo đuổi các chính sách cực đoan với quyền lực không bị kiểm soát. Đó là chính sách “ngoại giao chiến lang” và “zero covid”.

Theo Cai Xia (Thái Hà), nguyên giảng viên trường đảng cao cấp Trung Quốc, thói tự cao và hoang tưởng của Tập Cận Bình có thể đe dọa tương lai Trung Quốc. Tập không thích bị chỉ trích, hay cố chấp và chỉ thích nghe những ý kiến thuận chiều, mà không thích nghe phản biện nên sẽ mất khả năng tự sửa sai. Ông tiếp tục siết chặt kiểm soát trong nước và theo đuổi tham vọng ngoài nước, nên có thể quyết định cực đoan về Đài Loan. Trong khi dẫn dắt đất nước theo hướng cực đoan, Tập sẽ làm cho Trung Quốc cô lập với thế giới. Sự cạnh tranh giữa các phe phái trong đảng sẽ khốc liệt, phức tạp và tàn bạo hơn. Tập là một nhà quản lý vi mô, làm việc như một “chủ tịch của mọi thứ” (chairman of everything) và “biết tuốt”.

Về đối ngoại, Tập đã thách thức Mỹ và tìm cách thay đổi trật tự thế giới, lấy Trung Quốc làm trung tâm. Ông đã cho quân sự hóa Biển Đông và đe dọa Đài Loan, khuyến khích giới ngoại giao áp dụng “ngoại giao chiến lang”. Về đối nội, ông coi khu vực tư nhân là mối đe dọa quyền lực của mình, và phục hồi kinh tế theo cách của Mao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại do chính phủ can thiệp vào khu vực tư nhân vì mục đích chính trị.

Tập Cận Bình đang đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng trong nội bộ giới tinh hoa. Đến nay, Lý Khắc Cường vẫn nhân nhượng trước thái độ kiêu ngạo của Tập, và miễn cưỡng phục tùng khi cần thiết, nhưng có thể ông đã hết khả năng chịu đựng. Xu hướng quản lý vi mô của Tập đã cản trở việc ứng phó với đại dịch khi biến thể omicron lan rộng ở Thượng Hải (2/2022). Ông đã khăng khăng thực hiện chính sách cực đoan “zero-covid”.

Gót chân Asin

Theo Kevin Rudd, chủ tịch Asia Society, tuyên bố của Tập Cận Bình về lịch sử và quyền lực còn thiếu tính đột phá và không phù hợp. Ngay trước Đại hội 20, khi Tập củng cố quyền lực và nhắm đến nhiệm kỳ thứ ba, các nhà phân tích đã lý giải xem quan điểm nào sẽ định hướng Tập và tham vọng của Trung Quốc. Hầu hết các học giả Phương Tây coi hệ tư tưởng cộng sản trên thực tế đã “chấm hết”.

Trong lập luận của mình, Tập đã vận dụng lịch sử để xác lập vị trí của cách mạng Trung Quốc trong lịch sử thế giới, trong bối cảnh Trung Quốc tiến tới giai đoạn cao hơn của chủ nghĩa xã hội trong khi hệ thống tư bản suy thoái. Qua lăng kính của chủ nghĩa duy vật biện chứng, Tập coi sứ mệnh của mình là một bước tiến trong quá trình tranh đấu quyết liệt giữa Đảng CSTQ và các thế lực phản động trong nước, cũng như các tập đoàn tư nhân.

Theo Tập, Phương Tây có ý định bao vây Trung Quốc bằng những cơ chế mới như QUAD và AUKUS. Đó là nững cơ chế thù địch về chiến lược và dễ đoán định về ý thức hệ, đòi hỏi Trung Quốc phải có cách thức đấu tranh mới để đối phó về chính trị, tư tưởng và quân sự. Dưới sự chỉ đạo của Tập, Trung quốc đã phong tỏa vùng biển và không phận Đài Loan, tập trận quy mô lớn và bắn tên lửa thật tại một số khu vực xung quanh Đài Loan.

Tập Cận Bình có những điểm yếu về chính trị khi định biến Đảng CSTQ thành “một nhà thờ theo đức tin cổ hủ được hồi sinh”. Nếu có thay đổi chính trị thì nó sẽ diễn ra sau khi Tập qua đời chứ không phải trước đó. Tập hiểu rõ nếu ông từ chức thì bản thân và gia đình sẽ có nguy cơ bị những người kế nhiệm trừng phạt vì những ân oán vừa qua. Vì vậy, Tập phải lãnh đạo đất nước suốt đời.

Gót chân Asin của Tập là về kinh tế. Nếu không điều chỉnh hướng đi triệt để thì nền kinh tế sẽ bị đình trệ, với mức tăng trưởng khoảng 3% trong thập niên 2020 trước khi giảm xuống khoảng 2% trong thập niên 2030. Ngoài ra Trung Quốc còn đứng trước các xu hướng suy thoái về cơ cấu: dân số già tăng nhanh, số người lao động giảm sút, năng suất thấp, và mức nợ cao ở khu vực nhà nước và các thể chế tài chính.

Về đối nội, câu hỏi sống còn đối với Trung Quốc trong thập niên 2020 là liệu Tập Cận Bình có khả năng điều chỉnh chính sách mềm mỏng hơn, nhằm phục hồi đất nước sau chu kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng. Về đối ngoại, cách tiếp cận của Trung Quốc được thúc đẩy không chỉ bởi tính toán về cơ hội và rủi ro chiến lược, mà còn bởi Tập tự tin rằng các xu hướng lịch sử đang không ngừng thúc đẩy Trung Quốc tiến lên phía trước.

Tập Cận Bình nhìn nhận mối đe dọa đến từ mọi phía, và Trung Quốc đang hành xử như đang đối diện “xung đột không thể tránh khỏi”. Vì vậy, Mỹ cho rằng Trung Quốc là thách thức lớn nhất về chính trị và an ninh mà họ phải đối phó sau gần một thế kỷ đã bá chủ về địa chính trị. Trung Quốc không phải Liên Xô, không chỉ vì họ là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới mà còn vì Tập Cận Bình không phải Stalin, và càng không phải Mikhail Gorbachev.

Tổng thống Biden đã công bố “chiến lược an ninh quốc gia” (NSS) của Mỹ (12/10/2022) sau khi trì hoãn vì chiến tranh Ukraine. Biden đã xác định Trung Quốc là “thách thức địa chính trị hệ trọng nhất” (most consequential geopolitical challenge) đối với Mỹ và trật tự thế giới. Đây là thông điệp chính trị mạnh mẽ để răn đe và gây sức ép chưa từng có đối với Trung Quốc, chỉ bốn ngày trước khi Đảng CSTQ khai mạc Đại hội 20.

Có thể nói, chiến lược lâu dài của Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc không thay đổi, và chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ cũng không thay đổi. Biden gọi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược duy nhất” (the only strategic competitor) có ý đồ lập lại trật tự thế giới và có sức mạnh toàn diện để thực hiện ý đồ đó.

Trong bài diễn văn khai mạc đại hội 20, Tập Cận Bình xác định đây là “thời điểm then chốt” trong lịch sử Trung Quốc, khi ông chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ lãnh đạo lần thứ ba. Tập tuyên bố sẽ dùng “mọi biện pháp cần thiết”, kể cả vũ lực để “ngăn chặn xu hướng li khai” và thống nhất Đài Loan.

Thay lời kết

Kết quả Đại hội 20 tuy được giữ kín, nhưng không có gì quá bất ngờ. Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba và hơn thế nữa. Nhưng quyền lực của hoàng đế không phải tuyệt đối và Tập không bất tử. Xu hướng độc tài và cực đoan, chỉ muốn nghe ý kiến thuận chiều là gót chân Asin của Tập. Thế giới sẽ phải đối diện với nước Nga “hậu Putin” và Trung Quốc “hậu Tập” (tuy sẽ muộn hơn) vì không ai thoát quy luật “sinh-lão-bệnh-tử”.

Trước đây, Tập đã mấy lần thoát khỏi ám sát hụt, nhưng không có nghĩa sẽ bất tử. Gần đây, tin đồn về đảo chính mà các nhóm Pháp Luân Công tung ra, tuy thất thiệt nhưng đã lan nhanh và dai dẳng vì hợp với tâm trạng của nhiều người, như một cảnh báo. Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” để chống tham nhũng và thanh trừng nội bộ đã gây nhiều ân oán. Tuy các phe nhóm chống Tập không đủ mạnh để thay đổi cuộc chơi, nhưng còn dai dẳng.

Trong nước, chủ trương “zero covid”, trấn áp các tập đoàn tư nhân, và định hướng kinh tế “hướng nội”, đang làm cho kinh tế suy thoái. Ngoài nước, chủ trương “ngoại giao chiến lang”, liên minh “không giới hạn” với Nga, gây căng thẳng tại Biển Đông và Đài Loan, đang làm cho Trung Quốc cô lập hơn với thế giới. Cách điều hành của Tập như “chủ tịch của mọi thứ” không phản ánh thế mạnh, mà bộc lộ những điểm yếu tiềm ẩn về thể chế.

FacebookLinkedInEmailMessengerWhatsAppTelegramPrintChia sẻ

RELATED ARTICLES

Tin mới