Monday, December 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTiêu không hết tiền, loạt bộ, tỉnh thành 'viết đơn' trả lại...

Tiêu không hết tiền, loạt bộ, tỉnh thành ‘viết đơn’ trả lại chục nghìn tỷ vốn đầu tư công

Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội lưu ý tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương xin trả lại vốn không có khả năng giải ngân.

Giải ngân chậm, nhiều nơi không thể tiêu tiền… khiến tỷ lệ giải ngân vốn thấp so với kế hoạch.

Theo đó, đã có hàng loạt tình thành, bộ ngành trung ương đã có ‘đơn’ xin trả lại, xin giảm kế hoạch đầu tư vốn… với tổng số vốn lên đến cả chục nghìn tỷ đồng. Trong đó có đơn vị xin giảm hơn hơn 2.000 tỷ đồng, có nơi xin trả lại số vốn tương đương hơn 90% kế hoạch được giao

Cụ thể, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị trả lại 173 tỷ đồng, tương đương 26% kế hoạch được giao; Ủy ban Dân tộc đề nghị trả lại 52 tỷ đồng, tương đương 97,6% kế hoạch được giao.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có công văn xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 là 536 tỷ đồng, Bộ GDĐT đề nghị giảm 589 tỷ đồng; Bộ Xây dựng đề nghị giảm 167 tỷ đồng; Bộ Khoa học Công nghệ đề nghị giảm 141 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai kiến nghị điều chỉnh giảm 98 tỷ đồng nguồn vốn ODA; Tỉnh Khánh Hòa kiến nghị điều chỉnh giảm 171 tỷ đồng. ); Bộ Ngoại giao đề nghị giảm 391,684 tỷ đồng

Đáng chú ý, Thành phố Hà Nội đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn 2.217 tỷ đồng do các dự án ODA nhiều khó khăn, vướng mắc, không giải ngân được trong năm 2022. Tỉnh Bắc Ninh đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch 1.827 tỷ đồng bao gồm: vốn ODA 27 tỷ đồng, 1.800 tỷ đồng từ nguồn thu sử dụng đất. Thành phố Cần Thơ kiến nghị điều chỉnh giảm 1.450 tỷ đồng. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN đề nghị giảm 2.248 tỷ đồng…

Trước tình trạng này, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ việc các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xin “trả lại” kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 do không có khả năng giải ngân; tổng hợp số liệu cụ thể, báo cáo Quốc hội để điều chỉnh giảm chi ngân sách nhà nước, giảm bội chi NSNN tương ứng và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn. Tránh trường hợp Chính phủ trình tăng bội chi NSNN năm 2022, trong khi vốn đầu tư công không giải ngân được, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm lại chưa được tổng hợp kịp thời để đánh giá số liệu chi NSNN, bội chi NSNN sát thực tế hơn.

Trong đó, đề nghị Chính phủ tiến hành đánh giá, tổng hợp số liệu thực hiện vốn ODA và có giải pháp đối với tình trạng giảm kế hoạch vốn từ nguồn này.

Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cũng lưu ý, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 phải bảo đảm phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực đầu tư công và khả năng giải ngân thực tế; bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải, lãng phí, trong đó tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, ưu tiên cho các dự án chuyển tiếp có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng. 

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Báo cáo của Chính phủ cho biết, ước giải ngân đầu tư vốn NSNN đến 30/9/2022 là 253.148 tỷ đồng, đạt 46.7% kế hoạch

Đến hết 9 tháng năm 2022 có 39/51 bộ ngành và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 14 bộ ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch.

Báo cáo của Chính phủ nhận định, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công, nhất là những tháng đầu năm đã kéo dài trong nhiều năm, chuyển biến chưa đáng kể, nhất là các dự án sử dụng ODA.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới