Bà Thái Hà, cựu Giáo sư Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng chế độ này luôn chọn người kế vị từ “những đứa con trong nhà”, và những quan chức như ông Hồ Cẩm Đào chỉ là “quản gia” tạm thời trông nom cơ ngơi trong khi chờ “những đứa con” ấy trưởng thành.
Hôm 24/10, bà Thái Hà (Cai Xia), cựu Giáo sư Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã chia sẻ quan điểm và cảm nhận của bà sau Đại hội 20 trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với VOA.
Bà Thái Hà sinh năm 1952, công tác gần 40 năm trong trường đảng và đã nghỉ hưu vào năm 2012. Bà là người ủng hộ tự do hóa chính trị ở Trung Quốc và di dân tới Mỹ từ năm 2019. Năm 2020, bà bị khai trừ đảng và hủy bỏ mọi quyền lợi hưu trí vì đã chỉ trích ĐCSTQ và lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.
Các ủy viên mới của Ban Thường vụ là tiểu huynh đệ phe Tập
Giáo sư Thái nói rằng, ông Tập Cận Bình đã phá hủy hoàn toàn hệ thống tập thể lãnh đạo của ĐCSTQ (tức là một tập thể cùng lãnh đạo chứ không phải một người duy nhất lãnh đạo). Hệ thống này cho phép nội bộ cấp cao ĐCSTQ có thể xuất hiện các ý kiến bất đồng.
Tuy nhiên, có thể thấy từ thành phần ủy viên cốt lõi hiện tại của ĐCSTQ, cũng như ngoại giới bình luận, rằng đây là đám tiểu huynh đệ của nhà Tập, tức phe Tập. Có thể nói ông Tập đang nắm ĐCSTQ trong tay.
Theo quan điểm của bà Thái Hà, ông Vương Hỗ Ninh là một tiểu huynh đệ mới của phe Tập. Trước đó ngoại giới đều cho rằng ông này là người do phe Giang Trạch Dân cài cắm trong Ban Thường vụ.
ĐCSTQ chưa bao giờ có ý định trao quyền lực cho nhân dân
Theo bà Thái Hà, ĐCSTQ nói rằng đất nước thuộc về nhân dân, nhưng điều nó thực sự quan tâm là quyền lực của chính mình.
Bà nói, “Đó là lý do tại sao tôi nói rằng việc Tập Cận Bình có khả năng ngồi vào vị trí này được quyết định bởi bản chất của ĐCSTQ. Nói thẳng ra, bắt đầu từ Mao Trạch Đông, ĐCSTQ không có ý định trao lại quyền lực quốc gia cho người dân hoặc thực sự để người dân làm chủ đất nước”.
ĐCSTQ chọn người kế vị từ ‘những đứa con trong nhà’
Bà Thái Hà cho rằng, sự kiện ông Tập Cận Bình lên nắm quyền 10 năm trước cũng liên quan đến cuộc đấu tranh giữa bậc cha chú của các “Thái tử đảng” trong ĐCSTQ.
“Thái tử đảng” là một danh xưng không chính thức dùng để chỉ tầng lớp con cháu của các quan chức cấp cao nổi bật và có ảnh hưởng trong ĐCSTQ. Bằng một cách không chính thức, tầng lớp này thường được hưởng nhiều đặc ân của nhà nước và có nhiều cơ hội để được đề bạt làm lãnh đạo trong tương lai, dù cho hình thức bên ngoài vẫn là thông qua bầu cử dân chủ; hoặc có các cơ hội kinh doanh, tích lũy khối lượng tài sản khổng lồ mà những người dân thường không thể nào có được.
Bà nói, “Biết bao nhiêu người trong ĐCSTQ đã cùng tranh đấu để giành thiên hạ, họ cho rằng không thể chỉ truyền lại cho con của một người, vì vậy họ phải chọn người mà họ thấy hài lòng nhất trong số ‘những đứa con’ ấy”.
Ông Tập Cận Bình cũng được coi là một “Thái tử đảng”. Ông là con của cố Phó Thủ tướng ĐCSTQ Tập Trọng Huân. Do đó, bà Thái Hà cho rằng việc Tập Cận Bình lên ngôi là nhờ vào địa vị của cha mẹ ông.
Người dẫn chương trình VOA Trần Tiểu Bình (Chen Xiaoping) nhắc lại rằng, VOA từng phỏng vấn ông Lý Thụy – cựu thư ký của Mao Trạch Đông. Ông Lý Thụy từng điều tra về Tập Cận Bình và cũng biết trình độ học vấn tiểu học của ông Tập. Nhưng ông Lý Thụy đã nói một câu rất thú vị rằng: “Cậu ta là con trai của Tập Trọng Huân, Tập Trọng Huấn khá lắm, tôi và Tập Trọng Huân là bạn tốt”.
Về việc này, Giáo sư Thái Hà nói: “Ông Tập Trọng Huân có danh tiếng khá tốt trong số các trưởng lão của ĐCSTQ. Bản thân ông ấy đã bị ĐCSTQ chỉnh đốn kịch liệt trong các cuộc đấu tranh nội bộ. Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, Tập Trọng Huân cũng không đi chỉnh đốn [trả thù] người khác. Ngược lại khi Hồ Diệu Bang bị Đặng Tiểu Bình xử lý nghiêm khắc, Tập Trọng Huân đã đứng ra nói thay ông ấy, điều này đã gây được tiếng vang tốt trong đảng nên mọi người đều cho rằng Tập Cận Bình còn thua xa cha ông ta”.
Thứ hai, “Lý Thụy là ân nhân của Tập Cận Bình. Khi ĐCSTQ dùng người, nó sẽ chọn người mà nó quen biết trước. Mức độ tín nhiệm đến từ đâu? Xã hội Trung Quốc có một văn hóa là sử dụng người quen, chọn ra người mà họ có cảm giác tin tưởng nhất. Lý Thụy có mối quan hệ tốt với Tập Trọng Huân nên sẽ nghĩ rằng con ông ta cũng tốt”.
Thứ ba, “Khi Tập Cận Bình được điều động từ Hà Bắc đến Phúc Kiến, việc thuyên chuyển liên tỉnh phải do cấp cao hơn quyết định. Lúc đó Lý Thụy là Cục trưởng Cục Cán bộ Thanh niên thuộc Bộ Tổ chức Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Ông ấy phụ trách đào tạo những người kế nhiệm trong tương lai, nên có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc điều động này”.
Các nhà kỹ trị như Hồ Cẩm Đào chỉ là ‘quản gia’ của ĐCSTQ
Trong 20 năm trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ban lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ đã xuất hiện những người không phải là “hồng nhị đại”.
“Hồng nhị đại”, hay còn gọi là “thế hệ Đỏ thứ hai”, là đời con cái của những công thần xây dựng ĐCSTQ từ thời kỳ đầu. “Thái tử đảng” cũng thuộc nhóm “Hồng nhị đại”.
Trong thời gian ấy, những nhà kỹ trị như các ông Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường đã nắm giữ những vị trí quan trọng, thậm chí ông Hồ Cẩm Đào còn trở thành lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. Nhưng trong mắt các trưởng lão của ĐCSTQ, họ chỉ là “quản gia” tạm thời nắm quyền bính, trong khi chờ “những đứa con” của ĐCSTQ lớn lên.
Bà Thái Hà nói, “Khi con cái [của các trưởng lão ĐCSTQ] chưa trưởng thành, họ (các nhà kỹ trị) trông nom nhà cửa thay ĐCSTQ. Họ chỉ là quản gia, không phải là ông chủ. Khi Tập Cận Bình lên tức là ‘thiếu gia’ đã nắm quyền”.
Người dẫn chương trình Trần Tiểu Bình nói, “Giải thích một cách sinh động thì là do ‘thiếu gia’ chưa trưởng thành nên họ đã tìm những người như ông Hồ Cẩm Đào tới tiếp quản một thời gian”.
T.P