Các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu đang tìm cách ngăn cản Tập trở thành lãnh đạo trọn đời.
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, đại hội toàn quốc vừa bế mạc của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể không phải là chiến thắng một chiều của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Đúng là ông đã đại thắng trong các cuộc bổ nhiệm nhân sự. Nhưng trong các khía cạnh khác, Tập đã không giành được tất cả những gì mình muốn.
Một cuộc phản kháng âm thầm dường như đã bắt đầu từ năm tháng trước đó, khi các lãnh đạo lão thành đã nghỉ hưu được ban lãnh đạo đảng đương nhiệm yêu cầu không thảo luận công khai về các chính sách chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và không phát tán những nhận xét tiêu cực trước thềm đại hội toàn quốc.
Thông báo được Đinh Tiết Tường – khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, nay là thành viên của cơ quan ra quyết định cao nhất, Ban Thường vụ Bộ Chính trị – đưa ra vào ngày 15/05.
Nó đã phản tác dụng.
Đỉnh cao của cuộc phản kháng là ngày 26/10, bốn ngày sau khi đại hội toàn quốc kết thúc. Ngày hôm đó, toàn văn điều lệ đảng sửa đổi – vốn được thông qua trong đại hội – đã được công bố rộng rãi.
Bản sửa đổi đã không nhắc đến việc “xác lập” vị trí hạt nhân của Tập trong đảng, cũng không bao gồm việc “xác lập” vai trò chỉ đạo của hệ tư tưởng cùng tên của Tập.
Điều này hoàn toàn trái ngược với sự chú ý đã đổ dồn vào cái mà Bắc Kinh gọi là “hai xác lập” trong đại hội. Nhiều quan chức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hai xác lập. Một biểu ngữ về hai xác lập cũng đã được treo trên đường phố ở Bắc Kinh. Thậm chí, một nghị quyết được thông qua trong đại hội toàn quốc cũng đề cập đến nó.
Nhưng sau cùng thì “hai xác lập” đã không được viết vào điều lệ đảng.
Điều lệ đảng sửa đổi cũng không viết tắt hệ tư tưởng cùng tên gồm 16 chữ (tiếng Hán) của Tập – Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới – thành “Tư tưởng Tập Cận Bình” ngắn gọn hơn, điều có thể khiến nó trở nên ngang hàng với hệ tư tưởng của người cha lập quốc Mao Trạch Đông, và ở trên “Lý thuyết Đặng Tiểu Bình.”
Danh hiệu “lãnh tụ nhân dân” cũng không hề xuất hiện trong điều lệ sửa đổi.
Việc đưa danh hiệu đó vào điều lệ đảng có thể mở đường cho Tập đảm nhận chức “chủ tịch đảng” sau này, vốn là chức vụ mà Mao đã nắm giữ cho đến khi ông qua đời. Trở thành chủ tịch đảng đồng nghĩa với trở thành nhà lãnh đạo tối cao trọn đời.
Nỗ lực của Tập nhằm thực hiện những thay đổi này cuối cùng đã bị các nguyên lão trong đảng ngăn cản. Các quan chức lão thành nghỉ hưu ngồi trên sân khấu tại Đại lễ đường Nhân dân trong kỳ đại hội toàn quốc vừa qua đều trưởng thành dưới thời Đặng. Họ sẽ không ngồi yên nhìn 40 năm truyền thống của đảng sụp đổ theo ý muốn của Tập.
Để đề phòng việc tạo ra một chế độ độc tài như của Mao, điều lệ đảng đã cấm “bất kỳ hình thức sùng bái cá nhân nào.”
Lệnh cấm là một trong những sửa đổi quyết liệt đối với điều lệ đảng, được thực hiện vào tháng 9/1982 bởi Đặng Tiểu Bình, người đã quay trở lại nắm quyền sau khi bị thanh trừng trong Cách mạng Văn hóa 1966-1976.
Kể từ tháng 5, khi họ được yêu cầu giữ im lặng về các chính sách, những đảng viên lão thành đã tập hợp vì một mục đích chung: Không cho phép xây dựng sự sùng bái cá nhân quanh Tập.
Ngay cả khi cuộc phải kháng này không được điều phối và tiến hành một cách có hệ thống, nếu hết đảng viên lão thành này đến đảng viên lão thành khác lên tiếng chống lại các sửa đổi, thì ngay cả Tập Cận Bình cũng không thể làm ngơ.
Những người phản đối việc sùng bái Tập nhiều khả năng bao gồm Hồ Cẩm Đào, cựu chủ tịch nước 79 tuổi, người đã trở thành tâm điểm của một bộ phim cung đấu khi ông bị hộ tống ra khỏi lễ bế mạc đại hội vào ngày 22/10.
Hồ đã rời khỏi sân khấu ngay trước cuộc bỏ phiếu về sửa đổi điều lệ đảng, và đó là một cuộc biểu quyết bằng cách giơ tay.
Cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân cũng sẽ không ủng hộ sự sùng bái cá nhân như vậy. Tuy không tham dự đại hội lần này, nhưng nhà cựu lãnh đạo 96 tuổi đã được Đặng bổ nhiệm. Ông không thể cho phép Tập sử dụng việc sửa đổi điều lệ đảng như một công cụ để xem nhẹ không chỉ bản thân ông, mà cả người bảo trợ của ông.
Những động thái táo bạo của Tập cũng đang khiến những đối thủ cũ của ông liên kết lại với nhau. Hồ Cẩm Đào từ lâu đã có mối thù với các thành viên của phe Thượng Hải, bao gồm Giang Trạch Dân và cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng, 83 tuổi. Tuy nhiên, hai phe này hiện có chung niềm tin rằng tuyệt đối không thể để Tập xây dựng sự sùng bái cá nhân quanh mình.
Những người phản kháng khác gồm Ôn Gia Bảo, 80 tuổi, cựu Thủ tướng dưới thời Hồ Cẩm Đào, và Tống Bình, 105 tuổi, người lớn tuổi nhất trong đảng. Vài thập niên trước, Tống là người đã bảo trợ cho bộ đôi Hồ-Ôn.
Khi nói đến việc bổ nhiệm nhân sự, ngay cả những đảng viên lão thành có tầm ảnh hưởng cũng khó có thể can thiệp.
Nhưng việc kêu gọi bảo vệ các nguyên tắc đã có từ năm 1982 thì không như vậy. Do đó, lệnh cấm đối với nạn sùng bái cá nhân, do Đặng đưa ra, vẫn sẽ tồn tại.
Một đảng viên lão thành đã giải thích logic này.
“Lệnh cấm sùng bái cá nhân và ‘hai xác lập’ là hai điều không tương thích và mâu thuẫn với nhau. Một trong hai phải thua, và lần này đó là ‘hai xác lập.’ Các nguyên lão đã tận dụng chút sức lực cuối cùng của mình.”
Cũng có bằng chứng khách quan cho thấy sự thật đúng là như vậy.
Trong một bài báo về sửa đổi điều lệ đảng, Tân Hoa Xã lưu ý rằng nội dung cơ bản của văn kiện này đã được duy trì một cách ổn định trong 40 năm qua.
“Chỉ những nội dung đạt được sự đồng thuận mới được sửa đổi,” bài báo viết.
Tân Hoa Xã đã không giải thích về lịch sử lâu đời của điều lệ đảng khi cơ quan này công bố các bài báo tương tự về các sửa đổi hồi năm 2012 và 2017.
Tân Hoa Xã báo hiệu rằng những sửa đổi mới nhất đã được thực hiện trong bối cảnh công nhận tầm quan trọng của việc xây dựng sự đồng thuận.
Đó là một bước lùi về mặt chính trị đối với Tập, và bài báo của Tân Hoa Xã thừa nhận điều này, tuy không nói kỹ.
Dù bác bỏ hoàn toàn những từ ngữ dùng để khẳng định vai trò kim chỉ nam của hệ tư tưởng của Tập, các đảng viên lão thành đã chấp nhận một thỏa hiệp. Họ đồng ý “giữ vững” vị trí hạt nhân của Tập và “giữ vững quyền lực của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của nó.”
Việc đề cao địa vị “hạt nhân” của Tập không trực tiếp dẫn đến sự sùng bái cá nhân. Mao, Đặng, và Giang đều từng được coi là “hạt nhân” của đảng.
Hồ đã không thể bảo vệ “tiểu đệ” của mình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, cũng không thể bảo vệ chức vụ cho Hồ Xuân Hoa trong quá trình cải tổ nhân sự của Tập. Nhưng chí ít thì ông đã bảo vệ được điều lệ đảng, thành trì cuối cùng của mình.
Từ lăng kính này, một thực tế mới đã xuất hiện. Hành động trơ trẽn của Tập khi lấp đầy mọi vị trí lãnh đạo cao nhất bằng những đồng minh thân cận có thể là phản ứng của nhà lãnh đạo khi không thể đạt được những sửa đổi điều lệ đảng mà ông mong muốn.
Câu chuyện đáng lẽ đã phải sáng tỏ vào khoảng thời gian diễn ra mật nghị Bắc Đới Hà giữa các lãnh đạo đương nhiệm và các lãnh đạo đã nghỉ hưu.
Ngay sau mật nghị Bắc Đới Hà diễn ra vào đầu tháng 8, Thủ tướng Lý đã đến thăm Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông và dâng hoa tại bức tượng Đặng Tiểu Bình. Trong chuyến thị sát tại một cảng biển, Lý đã đề cập đến cải cách và mở cửa, nói rằng “Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược dòng.”
Nhận xét của ông ám chỉ rằng điều lệ đảng có từ thời Đặng sẽ được duy trì.
Tập có thể đã phải thay đổi chiến lược của mình. Hiểu rằng không thể thúc đẩy sửa đổi điều lệ đảng trong đại hội lần này, ông đã bắt đầu nhìn xa hơn, thêm 5 năm nữa, khi tuổi cao sẽ khiến các nguyên lão hiện tại trong đảng ngày càng yếu đi.
Tập đã đưa bốn trợ lý thân cận nhất của mình – Lý Cường, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường, và Lý Hi – vào các vị trí lãnh đạo cao nhất.
Một người quen thuộc với chính trị Trung Quốc nói: “Đây chính là tân Tứ nhân Bang”, ngầm so sánh với nhóm quan chức khét tiếng đã lãnh đạo Cách mạng Văn hóa, bao gồm cả vợ của Mao, Giang Thanh.
Ngay sau khi kết thúc đại hội toàn quốc, Tập đã dẫn đầu toàn bộ Ban Thường vụ Bộ Chính trị đến Diên An, tỉnh Thiểm Tây, nơi vào những năm 1940, Mao phát động Phong trào Chỉnh phong Diên An để đàn áp các đối thủ chính trị của mình.
Bằng chứng cho tham vọng của Tập chính là việc Ban chấp hành Trung ương không có thành viên nào sinh vào những năm 1970. Tập đang ngăn chặn sự chuyển giao thế hệ trong đảng khi ông hướng tới những tầm cao mới.
Nhưng xét theo độ tuổi của họ, một số trong “tân Tứ nhân Bang” có thể sẽ rời nhiệm sở sau 5 năm nữa, nhường chỗ cho các trợ lý khác của Tập. Mọi thứ còn tùy thuộc vào suy nghĩ của ông.
Chắc chắn là cuộc chiến chính trị khốc liệt của Tổng Bí thư nhằm sửa đổi quyết liệt điều lệ đảng sẽ tiếp tục, chí ít là trong 5 năm tới.
T.P