Saturday, January 4, 2025
Trang chủBiển Đông“Đường lưỡi bò” phi lý và tham vọng bá chủ của TQ...

“Đường lưỡi bò” phi lý và tham vọng bá chủ của TQ ở Biển Đông

Tháng 5-2009, Trung Quốc gửi công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kèm theo một tấm bản đồ có vẽ 9 đoạn đứt khúc (còn gọi là “đường chữ U” hay “đường lưỡi bò”) thể hiện yêu sách bao chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế thừa nhận “vùng biển lịch sử” của họ được bao chiếm bởi “đường lưỡi bò”.

Hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp và bị cộng đồng Quốc tế lên án.

Từ đó đến nay mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ được cơ sở pháp lý của các đòi hỏi này nhưng ngày càng gia tăng gây hấn, xâm phạm thô bạo chủ quyền lãnh thổ của nhiều quốc gia trong khu vực làm cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng.

Công hàm ngày 7-5-2009 có lẽ là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò” và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố bản đồ “đường lưỡi bò” với toàn thế giới. Trước đó, mặc dù “đường lưỡi bò” đã được thể hiện nhiều lần trong một số bản đồ lưu hành trong nước, nhưng Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ có một tuyên bố chính thức nào trước cộng đồng quốc tế. Thậm chí trong những văn bản pháp lý quan trọng của Nhà nước Trung Quốc về các vùng biển như các Tuyên bố về Lãnh hải năm 1958, về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp năm 1992, về Đường cơ sở năm 1996, và về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa năm 1998… “đường lưỡi bò” cũng không hề được nhắc tới.

Theo các học giả Trung Quốc, “đường lưỡi bò” lần đầu tiền xuất hiện trên bản đồ các đảo trong Biển Đông (mà họ gọi là Biển Hoa Nam) được Vụ Địa lý của Bộ Nội vụ Cộng hòa Trung Hoa xuất bản năm 1948. Một số người cố đẩy thời gian xuất hiện của “đường lưỡi bò” xa hơn nhằm mục đích giải thích có lợi cho Trung Quốc. Họ cho rằng “đường lưỡi bò” do một người tên Hu Jinjie vẽ từ năm 1914 và đến tháng 12-1947 một viên chức của Cộng hoà Trung Hoa tên là Bai Meichu vẽ lại đường này trong một bản đồ cá nhân đã thể hiện cảm xúc của mình khi nghe tin Pháp chiếm đóng và tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa năm 1933.

Tuy nhiên họ cũng thừa nhận: “Không rõ khi vẽ đường này, Bai Meichu có đủ hiểu biết và kiến thức về luật biển quốc tế đương đại hay không?”.

“Đường lưỡi bò” khởi thuỷ có 11 đoạn vẽ bao gồm các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa và bãi ngầm Trung Sa chiếm hầu hết Biển Đông. Tuy nhiên, đến năm 1953, đường 11 đoạn được điều chỉnh lại thành 9 đoạn như ngày nay, bỏ 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ. Đáng lưu ý là đến nay không có bất kỳ tài liệu nào cho biết toạ độ cũng như vị trí chính xác của “đường lưỡi bò”. Rõ ràng nguồn gốc và ý nghĩa của “đường lưỡi bò” hoàn toàn mập mờ, không chính xác đến nỗi bản thân các học giả Trung Quốc cũng không thống nhất được một sự giải thích hợp lý nào. Thậm chí, có học giả Trung Quốc còn cho rằng “không có cơ sở nào trong luật quốc tế cho yêu sách lịch sử đó” (Yann Huei Song). Gần đây, trên các trang mạng của Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều ý kiến của chính người Trung Quốc thắc mắc về việc “tại sao lại vẽ Nam Hải của chúng ta tới tận cửa nhà người ta?”.

Biên giới và chủ quyền lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng, hệ trọng từ rất lâu trong lịch sử của mọi dân tộc. Các cơ sở pháp lý quốc tế đều coi trọng việc bảo vệ đường biên giới ổn định của các quốc gia. Do vậy, đường biên giới là một trong số các thể chế ổn định nhất từ tất cả các thể chế. Vậy mà trong vấn đề “đường lưỡi bò” ngay đến cả người Trung Quốc, tác giả của đường yêu sách này, còn chưa biết nó được xác định cụ thể như thế nào thì làm sao có thể gọi đó là biên giới quốc gia được.

Theo TS Nguyễn Hồng Thao (Đại học Quốc gia Hà Nội), với Công hàm ngày 7-5-2009 kèm theo bản đồ “đường lưỡi bò”, có vẻ như Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận tính chất lịch sử của “đường lưỡi bỏ” và mặc nhiên coi Biển Đông là vùng biển lịch sử của Trung Quốc. Về lâu dài, sự nhập nhằng sẽ khiến đường này được ngộ nhận là đường biên giới trên biển của Trung Quốc. Họ cũng khéo léo kết hợp đường này với các khái niệm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển quốc tế hiện đại bằng tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các vùng nước phụ cận của quần đảo Trường Sa. Như vậy, toàn bộ Biển Đông sẽ trở thành “ao nhà” của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo luật pháp quốc tế, một vịnh hay một vùng nước được coi là vùng có tính chất lịch sử, phải thoả mãn ít nhất hai điều kiện: Phải thực thi chủ quyền thật sự liên tục, hoà bình và lâu dài; Phải có sự chấp nhận công khai hoặc im lặng không phản đối của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia láng giềng và có lợi ích liên quan. Trung Quốc đã không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách liên tục, hoà bình và lâu dài. Không có một bằng chứng nào trong cổ sử Trung Quốc cho thấy Biển Đông là “ao nhà” của họ. Các chính quyền phong kiến Trung Quốc không hề thiết lập hoặc duy trì có lợi cho họ một sự độc tôn nào trong vùng biển này, khả dĩ có thể loại bỏ hoạt động của các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải của nhà Nguyễn (Việt Nam). Ngược lại, còn có những ghi nhận về sự thừa nhận tính hợp pháp của các hoạt động của hải đội Hoàng Sa như trường hợp năm 1774, quan huyện Văn Xương (Trung Quốc) giúp các dân binh Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ bị bão dạt vào đất Trung Quốc trở về nguyên quán.

Trung Quốc cũng chưa bao giờ công bố công khai yêu sách “đường lưỡi bò” tồn tại từ lâu không bị ai phản đối. Thế nhưng “đường lưỡi bò” trước đây chỉ xuất hiện trong một bản đồ tư nhân, không phải là cái để các quốc gia khác có ý kiến. Hơn nữa, Hội nghị San Francisco 1951 cũng đã bác bỏ đề nghị về chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cho thấy yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế thừa nhận. “Đường lưỡi bò” còn mâu thuẫn ngay với quan điểm chính thức của Trung Quốc đã nêu trong Tuyên bố ngày 4-6-1958 về các vùng biển Trung Quốc. Trong Tuyên bố này rõ ràng Trung Quốc công nhận rằng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải bởi các vùng nước lịch sử.

Trong Luật về lãnh hải 12 hải lý xung quanh những vùng đất yêu sách chủ quyền và vùng tiếp giáp 12 hải lý dành cho thuế quan và các mục đích tương tự chứ không hề xác định “vùng nước lịch sử”. Ngày 15-6-1996, Trung Quốc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và ban hành “Quy định về hệ thống đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải”, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Điều này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và cũng là sự vi phạm các quy định của UNCLOS về vạch đường cơ sở.

Chủ quyền lãnh thổ không thể có được từ sự suy diễn dựa trên những dẫn chứng thiếu căn cứ. Do vậy, “đường lưỡi bò” không được xác định rõ cả về cơ sở pháp lý lẫn tọa độ địa lý, đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ không chỉ của các nước liên quan mà còn là sự thách thức đối với quyền lợi hàng hải, hàng không của cộng đồng quốc tế. Cộng đồng thế giới chưa bao giờ ghi nhận một yêu sách chiếm cứ hầu hết toàn bộ Biển Đông như vậy và sẽ không bao giờ chấp nhận một vùng biển lớn, con đường hàng hải quốc tế quan trọng vào loại nhất nhì thế giới lại nằm dưới quyền tài phán duy nhất một quốc gia như yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Trung Quốc luôn luôn tuyên bố muốn có hòa bình, ổn định và chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông một cách êm thấm. Thế nhưng, gần đây nước này lại gia tăng các hoạt động gây căng thẳng nhằm áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm gần trọn diện tích Biển Đông bất chấp quyền lợi của các nước trong khu vực cũng như chính các điều bất chấp quyền lợi của các nước trong khu vực cũng như chính các điều luật quốc tế mà họ đã công nhận và ký kết. Vào ngày 26-5 và 9-6-2011, tàu Trung Quốc đã hai lần xâm nhập cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam hoạt động trong vùng biển chủ quyền Việt Nam. Ngày 27-5-2022, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc phản đối Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và quyền chủ quyền của Việt Nam ngay trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 29-5-2022, Việt Nam tiếp tục phản đối hành động trên của Trung Quốc bằng cách tuyên bố rằng các tàu Việt Nam đã thực hiện việc thăm dò hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của mình, phù hợp với UNCLOS.

Đây không phải là một khu vực tranh chấp mà cũng không nằm trong “vùng quản lý của Trung Quốc”. Bắc Kinh đã cố ý đánh lừa dư luận rằng đây là vùng tranh chấp. Hai ngày sau, Trung Quốc lại ngang ngược tuyên bố hành động thực thi luật pháp của các tàu hải giám Trung Quốc chống lại việc các tàu Việt Nam vận hành bất hợp pháp là hoàn toàn chính đáng. Họ còn thúc giục Việt Nam phải “ngay lập tức chấm dứt những hành động xâm phạm và không được gây thêm rắc rối mới”. Nhưng, theo các nhà bình luận quốc tế, thêm một lần nữa Trung Quốc đã không đặt tuyên bố của họ vào khuôn khổ của các vùng nước UNCLOS. Và Trung Quốc cũng không đưa ra ranh giới cụ thể cho yêu sách của họ cũng như trích dẫn ra bất kỳ điều luật quốc tế nào để có thể biện minh cho lập luận và hành động của họ.

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) phân tích: Biển Đông giàu có tài nguyên trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Có thể khẳng định trong thời gian tới, vấn đề Biển Đông sẽ là nơi Trung Quốc không những giữ nguyên những tham vọng vốn có mà nhất định sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trước nhiều lần và càng bất chấp thiên hạ hơn”.

Việt Nam và các nước trong khu vực có tranh chấp phải cảnh giác cao độ trước âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều trước tiên là phải làm cho toàn thể người Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước thấy rõ sự đe doạ trực tiếp của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

Nâng cao cảnh giác, phát huy sức mạnh của dân tộc, khôn khéo, sáng tạo trong đường lối, chính sách đối ngoại, bảo vệ có hiệu quả chủ quyền trên Biển Đông.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới