Ông Hồ Xuân Hoa, người từng được coi là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Thủ tướng của Trung Quốc, không những không lọt danh sách nhân sự tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20, mà còn trượt khỏi Bộ Chính trị. Sau sự kiện này, dường như thái độ “bất mãn” đã ít nhiều bộc lộ; bắt đầu từ các xã luận do chính tay ông chắp bút…
Vào ngày 15/11, ông Hồ Xuân Hoa đã đăng một bài báo đứng tên ông trên tờ Nhân dân Nhật báo, trang truyền thông dòng chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có tựa đề “Xây dựng một ngôi làng xinh đẹp, công nghiệp và đáng sống”, dài hơn 6.300 từ. Điều đáng chú ý là ông Hồ Xuân Hoa chỉ nhắc đến tên Tập Cận Bình 8 lần trong bài báo, ít hơn nhiều so với một bài báo khác vào tháng 7/2022, thời điểm trước khi Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 diễn ra.
Trước đó vào ngày 27/7, tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài viết của ông Hồ Xuân Hoa, với tổng cộng hơn 5.800 từ, trong đó cái tên Tập Cận Bình được nhắc đến hơn 50 lần. Đặc biệt, sự sùng bái và tung hô các chính sách của ông Tập Cận Bình được ông Hồ Xuân Hoa hết lòng biểu đạt trong tác phẩm này.
Bởi vậy, sự sụt giảm mạnh từ 50 lần xuống còn 8 lần gợi nhớ đến cảnh ông Hồ Xuân Hoa ngồi khoanh tay tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, thể hiện sự thất vọng trước thất bại chính trị của ông trong cuộc đấu đá nội bộ.
Trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông Hồ Xuân Hoa là một trong những thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Ông được ngoại giới xem là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí Thủ tướng thay ông Lý Khắc Cường.
Bài báo xuất hiện vào ngày 27/7 của ông Hồ Xuân Hoa được xem như hành động biểu đạt lòng trung thành tuyệt đối của ông với cá nhân và các chính sách của ông Tập Cận Bình.
Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20, ĐCSTQ đã công bố danh sách Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương khóa 20. Thật đáng tiếc, ông Hồ Xuân Hoa không những không vào Thường vụ Bộ Chính trị khoá mới mà còn không vào Bộ Chính trị Trung ương gồm 24 thành viên. Ông chỉ giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Điều đó cũng có nghĩa là ông Hồ Xuân Hoa sẽ phải từ chức phó thủ tướng Trung Quốc vào năm tới.
Vào thời điểm đó, đoạn phim CCTV phát sóng cho thấy khi Tập Cận Bình gặp các đại biểu của Đại hội toàn quốc lần thứ 20 vào ngày 23/10, ông Hồ Xuân Hoa vỗ tay với nụ cười gượng gạo.
Ông Hồ Xuân Hoa, 59 tuổi, là một thành viên quan trọng của phe Đoàn Thanh niên và là vị tướng yêu thích của ông Hồ Cẩm Đào, cựu Tổng bí thư ĐCSTQ. Thậm chí, ông Hồ Xuân Hoa còn từng được ông Hồ Cẩm Đào chỉ định làm người kế nhiệm. Tại cuộc họp bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, một sự kiện hiếm hoi và gây sốc đã diễn ra: ông Hồ Cẩm Đào được hộ tống rời khỏi cuộc họp trước ống kính truyền thông toàn cầu; sự kiện tốn nhiều giấy mực của truyền thông trong và ngoài nước.
Gần đây, Kenji Minemura, một phóng viên cấp cao của hãng truyền thông Nhật Bản Yukan Fuji, đã phân tích và chỉ ra nguyên nhân của sự kiện sau khi phỏng vấn một số quan chức Mỹ quen thuộc với chính trị Trung Quốc: “Ông Hồ Cẩm Đào được biết rằng số lượng thành viên của Bộ Chính trị đã giảm một thành viên xuống còn 24 người vào buổi sáng của cuộc họp bế mạc. Không những vậy ông còn thấy vị tướng được yêu thích của ông là Hồ Xuân Hoa bị hạ cấp, vì vậy, ông Hồ Cẩm Đào muốn mở tập tài liệu màu đỏ được cho là danh sách các Ủy viên Bộ Chính trị để xác nhận, nhưng đã bị [ông Lật Chiến Thư] ngăn lại”.
Sự kiện ông Hồ Cẩm Đào chắc chắn vẫn còn dư chấn. Nhà bình luận các vấn đề thời sự Li Hengqing cho rằng bước tiếp theo trong cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ sẽ còn đẫm máu. Ông Tập Cận Bình sẽ không từ bỏ việc thanh trừng những kẻ đe dọa mình, bất kỳ ai không phải là Tập Cận Bình cũng có thể là mục tiêu bị thanh trừng trong tương lai .
Ông Wu Guoguang, cựu cố vấn của Zhao Ziyang, gần đây đã nói: “ông Hồ Xuân Hoa sinh năm 1963, và giờ đây ông ấy đã hoàn toàn bị loại khỏi cuộc chơi”.
Trước câu hỏi liệu sự nghiệp chính trị của ông Hồ Xuân Hoa có kết thúc ở đây không? Ông Wu Guoguang phân tích: “Người bị thay thế thì đã không còn là người quan trọng nữa. Ông Hồ Xuân Hoa có thể được bổ nhiệm một vị trí khác. Chúng tôi suy đoán điều này từ giả định rằng ông Tập Cận Bình sẽ làm thế để giữ lề thói và thể diện. Nhưng Tập Cận Bình có thể không tuân theo lề thói. Rất có thể ông ấy thậm chí không cần phải tỏ ra tử tế [trong nhiệm kỳ thứ 3 của mình]. Cho dù người bị thay thế hài lòng hay không hài lòng, ông ấy cũng không thể bày tỏ sự không hài lòng của mình trước các đồng chí hay truyền thông một cách chính thống”.
T.P