Việt Nam từ rất sớm đã có hoạt động cụ thể khẳng định chủ quyền đối với chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng từ năm 1977 đến năm 1979 đã có nhiều nước thực hiện việc tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Trong hai năm 1977, 1978, Philippines chiếm thêm 2 đảo ở quần đảo Trường Sa. Ngày 11 tháng 6 năm 1979, Tổng thống Philippines ra sắc lệnh gộp toàn bộ quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa) vào trong một đơn vị hành chính gọi là Kalayaan, thuộc lãnh thổ Philippines. Năm 1980, Philippines chiếm thêm đảo Công Đo ở phía Nam Trường Sa. Tính đến năm 1980 Philippines đã chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa 9 đảo, đá, bãi cạn.
Từ năm 1971, Malaysia đã có ý định tranh biện về chủ quyền ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tháng 12 năm 1979, Chính phủ Malaysia cho xuất bản bản đồ vẽ gộp khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa bao gồm các đảo An Bang, Thuyền Chài vào lãnh thổ Malaysia. Năm 1983, 1984, Malaysia đưa quân chiếm đóng 3 bãi ngầm ở phía Nam Trường Sa là Hoa Lan, Kiệu Ngựa, Kỳ Vân. Năm 1988, Malaysia chiếm thêm 2 bãi ngầm nữa là Én Đất và Thám Hiểm. Hiện nay Malaysia đang chiếm giữ 5 đảo đá và bãi cạn trong quần đảo Trường Sa.
Brunei cũng là một bên tranh chấp liên quan đến khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng trong thực tế chưa chiếm đóng một vị trí cụ thể nào. Yêu sách của Brunei chỉ là ranh giới vùng biển và thềm lục địa được thể hiện trên bản đồ có phần chồng lấn lên khu vực phía Nam Trường Sa.
Ngày 29 tháng 12 năm 1978, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề quần đảo Trường Sa. Ngay ngày hôm sau, ngày 30 tháng 12 năm 1978, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố bác bỏ luận điệu sai trái trong tuyên bố của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhắc lại lập trường của Việt Nam chủ trương giải quyết mọi vấn đề tranh chấp bằng thương lượng Hoà Bình.
Ngày 5/3/1979, Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam trong cuộc xâm lược toàn tuyến biên giới. Ngày 15 tháng 3 năm 1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố bị vong lục về vấn đề biên giới Việt – Trung, trong đó có điểm 9 tố cáo Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1 năm 1974.
Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố sách trắng: Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 12 năm 1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục công bố sách trắng thứ hai: Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam.
Ngày 12 tháng 11 năm 1982, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về hệ thống đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam.
Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hết sức cam go trong những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ XX, và còn tiếp tục đến tận bây giờ.
H.B