Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), năm 2022 được coi là một năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam được phép tiếp cận các thị trường thế giới.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, nhờ những nỗ lực trong việc đàm phán, mở cửa thị trường, năm 2022 được coi là một năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam được phép tiếp cận đến các thị trường thế giới, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand.
Đầu tiên là sản phẩm chanh leo của Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc với các quy định tạm thời.
Tiếp đến, sầu riêng và chuối của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước.
Mới đây, hai bên đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Ngày 22/11/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố trên trang website của mình về yêu cầu kiểm dịch này.
Không chỉ thị trường Trung Quốc, quả chanh và bưởi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand sau khi điều kiện nhập khẩu được 2 bên ký kết vào ngày 15/11/2022 và mới đây Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cũng đã công bố trên trang web của Chính phủ cho phép quả nhãn tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Nhật Bản vào ngày 18/11/2022.
Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật, với sự ưu đãi của thổ nhưỡng, khí hậu, Việt Nam là đất nước có lợi thế cho sự sinh trưởng và phát triển của rất nhiều loại trái cây nhiệt đới được thế giới ưa chuộng trong đó có cây nhãn.
Bên cạnh đó, các giống chanh và bưởi được trồng tại Việt Nam cũng rất đa dạng, ra quả quanh năm. Khoai lang cũng là lợi thế sản phẩm hàng hóa, ngoài cung cấp cho tiêu dùng trong nước còn phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, những lợi thế trên chỉ được phát huy hiệu quả, khi các sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh.
Trong đó, đặc biệt quan trọng là sản phẩm trồng phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy và tạo động lực việc xuất khẩu các sản phẩm mới hoàn thành mở cửa thị trường, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức các sự kiện xuất khẩu lô hàng đầu tiên đối với các sản phẩm trên.
Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương và các bên liên quan các quy định của Trung Quốc, Newzealand và Nhật Bản về các yêu cầu nhập khẩu đối với khoai lang, chanh, bưởi và nhãn.
Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan chuyên ngành tại các địa phương sẽ cùng đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói và nông dân đảm bảo cho các lô hàng khoai lang, nhãn, chanh, bưởi nhanh chóng đến với người tiêu dùng của Trung Quốc, Newzealand, Nhật Bản.
Cục Bảo vệ thực vật mong muốn các thành phần tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản tiếp tục cập nhật thông tin kịp thời, kết nối chặt chẽ để đảm bảo thông suốt thương mại nông sản ở các thị trường đã có, cũng như mở rộng các cơ hội tiếp cận các thị trường mới, tăng tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu nông sản Việt dựa trên các vùng trồng uy tín, chất lượng và giá trị cao.
T.P