Friday, November 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ lại giở bài thiện chí

TQ lại giở bài thiện chí

Mới đây tại các Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok, Thái Lan, Chủ tịch Trung Quốc có thái độ hết sức mềm mỏng. Cứ như lời ông thì Biển Đông đã êm ả như mặt nước hồ thu. Từ nay các tranh chấp, các hành động gia tăng quân sự chỉ còn là chuyện của quá khứ.

Có thật những cơn sóng dữ Biển Đông đã kết thúc. Có thật một kỷ nguyên hòa bình đã bắt đầu từ đây nhờ “thiện chí” của Trung Quốc?

Xin thưa: Không bao giờ. Sói chỉ đội lốt cừu mà thôi. Âm mưu độc chiếm Biển Đông để làm bàn đạp cho cỗ xe lớn “Một vành đai, một con đường” tăng tốc và về đích bá chủ thế giới của Bắc Kinh là bất biến.

Tuyên bố chung do Tập Cận Bình đọc tại Lễ kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thông qua ngày 11/11 vừa qua đầy những lời hoa mĩ. Rằng, Trung Quốc và các nước ASEAN cần hết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982). Rằng, Trung Quốc cam kết duy trì và thúc đẩy một môi trường có lợi để thực thi đầy đủ, hiệu quả DOC và để sớm thông qua một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Còn trong bài phát biểu của Tập tại APEC hôm 17/11 cũng cao giọng nói về sự cần thiết phải đi theo con đường phát triển hòa bình, cởi mở và bao trùm, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của tiêu chuẩn kết nối cao hơn nữa. Bắc Kinh đặt kế hoạch và tin tưởng “Sáng kiến phát triển toàn cầu” (GDI) nhằm giải quyết sự mất cân bằng trong phát triển.

Nhân diễn đàn APEC, ông Tập đã cố gắng quảng bá cho Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) cũng như GDI của mình. Xin nhắc lại, GDI là ý tưởng mới của chính quyền Bắc Kinh khi BRI đang ngày càng lu mờ.

Dù khéo léo dùng các thuật ngữ mang tính nguyện vọng, lợi ích toàn cầu, nhưng không giấu nổi cái gọi là “nghệ thuật cai trị” của Bắc Kinh nhằm đối phó với các nước ASEAN. Đó là những quan điểm nhập nhòa của Chủ tịch Trung Quốc, theo phép của bậc thầy Tôn Tử: “tất cả chiến tranh đều dựa trên sự lừa dối”.

Các nước trong khu vực hiểu hơi ai hết, sau 20 năm, DOC chỉ là một văn bản chết cứng. Bắc Kinh sử dụng nó để làm một lá bài mặc cả với các nước, thậm chí còn đổ vấy cho các nước “phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ đó”.

Còn COC đến nay tuy đã hoàn thành bản dự thảo nhưng khi nào hoàn thiện vẫn là điều hết sức tù mù. Vì sao vậy, vì rằng, bản dự thảo đó có quá nhiều quan điểm không thể dung hòa của các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc vẫn không chịu cắt đi cái “lưỡi bò” trên Biển Đông.

Trung Quốc sẽ phản đối bất kỳ ràng buộc nào về mặt pháp lý. Họ muốn xây dựng COC dự trên cái mà họ gọi là lòng tin giữu các quốc gia. Nếu không có bất kỳ ràng buộc pháp lý nào, Trung Quốc sẽ có thể xác định các mối quan hệ riêng lẻ với từng nước thành viên trong ASEAN theo các điều kiện riêng. Luật pháp bao giờ cũng mang lại sự rõ ràng và dễ dự đoán, nhưng với sự nhùng nhằng kéo dài đã 20 năm qua thì tiến trình đàm phán COC chứa đầy nghi ngờ và bất trắc.

Trong những năm qua, hành vi hung hăng của Trung Quốc liên tục thách thức dư luận quốc tế. Đó là việc đặt giàn khoan dầu trong EEZ của các quốc gia khác. Đó là việc thường xuyên tuần tra trong khu vực “Đường chín đoạn”. Đó là việc sử dụng nguồn nước làm vũ khí, tăng cường tuyên truyền để thuyết phục các nước khác về yêu sách của Bắc Kinh,v.v…

Trung Quốc đồng thời tiến hành hai việc, tạo ra tiền lệ rất xấu. Quân đội nước này phối hợp các lực lượng tạo ra các đảo nhân tạo, đồng thời quân sự hóa các thực thể này. Thế nhưng họ vẫn nói trơn tru rằng: Từ năm 2015 “sẽ không tiến hành các hoạt động như vậy”. Để khẳng định yêu sách trên Biển Đông, Trung Quốc lập ra các đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tự đặt những cái tên xa lạ: Tây Sa, Nam Sa. Họ khăng khăng hai quần đảo này thuộc về Trung Quốc từ thời thượng cổ, không phải bàn cãi gì nữa (!).

Vẫn với cách lập luận một chiều, một cách, bắt nước chảy ngược, Trung Quốc tuyên bố, chủ quyền của họ ở Biển Đông là không thể thương lượng. Có sự tranh chấp Biển Đông là do cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh. Tuyên bố như thế, cho nên trọng tâm của Trung Quốc là thay đổi nguyên trạng trong khu vực bằng cách thiết lập quyền bá chủ của họ.

Những vấn đề chúng tôi trình bày ở trên cho thấy, hơn lúc nào hết, các nước ASEAN cần thấy rõ sự hai mặt của Tập Cận Bình. Hành động của các nước trong khu vực trong thời gian qua là đúng đắn và kịp thời. Chẳng hạn, hồi tháng 12/2019 sau khi Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) yêu cầu quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đã được mười quốc gia hưởng ứng, trong đó có Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Philippines…

Đây là các bên có yêu sách trực tiếp liên quan đến Biển Đông. Các quốc gia khác như Australia, Pháp, Đức, Mỹ và Anh là các bên tuy không có yêu sách ở Biển Đông, nhưng cũng nhất loạt hưởng ứng.

Mặc cho Trung Quốc cố tình làm lơ, các quốc gia trong khu vực đã tuyên bố dứt khoát, các yêu sách về quyền và quyền tài phán ở Biển Đông phải phù hợp với UNCLOS 1982. Để hỗ trợ cho quan điểm của mình, các nước đã viện dẫn phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 tại La Haye (Hà Lan).

Phán quyết PCA đã được tuyên hơn sáu năm qua. Các nước ASEAN phải kiên quyết thúc đẩy việc thực thi phán quyết này. Càng lùi bước trước sự trơ lì, ngang ngược của Trung Quốc sẽ càng làm gia tăng hành vi lấn lượt, bắt nạt các nước yếu thế.

Cần khẳng định dứt khoát “Đường chín đoạn” của Trung Quốc là một quái thai địa chính trị. Đây là cơ sở quan trọng nhất cho mọi khiếu nại, càng trì hoãn lâu, càng mất cơ hội giải quyết tranh chấp Biển Đông.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới