Nhiều doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu, hàng hạ giá, không xuất được, cũng không ký được đơn hàng mới… nên phải cắt hợp đồng lao động, giảm giờ làm đối với hàng nghìn công nhân.
Doanh nghiệp gặp khó, lao động mất việc
Thực trạng trên đang diễn ra tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thời gian qua.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn tỉnh hiện có 11/295 doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động, cắt giảm giờ làm với tổng số 9.200 lao động.
Trong số lao động trên có 2.919 lao động bị chấm dứt hợp đồng (lao động nữ có thai, nuôi con nhỏ là 642 người); 3.340 lao động bị cắt giảm giờ làm; 3.296 lao động chỉ giảm giờ làm…
Những doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với số lượng lớn như: Công ty TNHH MCNEX Vina (KCN Phúc Sơn, TP Ninh Bình, từ đầu năm đến nay đã chấm dứt hợp đồng gần 3.000 lao động); Công ty CP Đầu tư và thương mại Lam Giang (TP Ninh Bình) đã chấm dứt hợp đồng đối với 369 lao động (toàn công ty chỉ giữ lại 7 người làm việc); Công ty TNHH may Thiên Hà (huyện Gia Viễn) có 165 lao động thì cắt hợp đồng với 100 người…
Ông Trần Kim Long – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình cho hay, nguyên nhân dẫn đến việc các đơn vị, doanh nghiệp cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng với người lao động có nhiều lý do.
“Do tình hình kinh tế trong khu vực và thế giới có nhiều biến động, một số doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu nên ảnh hưởng đến sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì đơn hàng đến hết năm 2022, chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023. Một số doanh nghiệp không xuất được hàng vì giá thành thấp nên cắt giảm giờ làm hoặc cho người lao động nghỉ việc” – ông Long nói.
Theo ông Đinh Quốc Tuấn – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Great Global International, ảnh hưởng của hậu Covid-19 dẫn đến số lượng hàng may mặc tồn kho hiện tới 40%. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp may mặc trong nước.
“Những năm trước, cứ 6 tháng công ty ký đơn hàng một lần, đủ để người lao động làm trong nửa năm, thậm chí là dài hơi hơn. Tuy nhiên, từ vài tháng trở lại đây, việc ký đơn hàng rất nhỏ giọt, chỉ đủ để cầm cự, duy trì việc làm và giữ chân người lao động trong khoảng thời gian ngắn” – ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay, công ty có trên 1.800 lao động thì 100% đều phải cắt giảm giờ làm. Mức lương khi chưa tăng ca của người lao động tại công ty bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng, giảm gần một nửa so với mức lương khi người lao động tăng ca đều.
Thấp thỏm khi Tết cận kề
Hàng nghìn công nhân bị mất việc, giảm giờ làm khi Tết Nguyên đán đang cận kề khiến nhiều người lao đao.
Chị Đ.T.H. trú tại huyện Gia Viễn cho biết, chị làm công nhân tại khu công nghiệp Gián Khẩu nhiều năm qua. Trừ những năm dịch Covid-19, hàng năm cứ đến dịp cuối năm là các đơn hàng mới về, chị cùng mọi người làm tăng ca cũng không hết việc.
“Những năm trước, việc nhiều, tôi cùng mọi người dịp này đã căng sức, nỗ lực tăng ca để kiếm thêm thu nhập, lo cho gia đình có cái Tết đầm ấm, vui vẻ. Doanh nghiệp còn tặng thêm quà, thưởng Tết ai cũng vui mừng. Năm nay, nhiều người đã bị cắt hợp đồng, công ty không có đơn hàng nên chúng tôi phải thay nhau làm việc, lúc nào cũng canh cánh nỗi lo thất nghiệp khi Tết đang cận kề” – chị T. tâm sự.
Bị cắt hợp đồng gần một tháng nay, chị N.T.L. trú tại phường Ninh Phong, TP Ninh Bình phải đi tìm công việc mới làm tạm để có thu nhập, duy trì cuộc sống gia đình 5 miệng ăn.
Chị L. bảo: “Trước đi làm công ty tháng cũng được hơn 5 triệu, tăng ca cũng được gần 7 triệu. Số tiền này cùng với thu nhập làm thợ hồ của chồng, gia đình cũng đủ trang trải cho 2 con (lớp 5 và lớp 3) học hành và chăm sóc mẹ già 70 tuổi. Giờ không có việc, cứ ngồi nhà chờ công ty gọi đi làm trở lại thì chưa biết đến bao giờ nên phải kiếm việc để tự cứu mình”.
Chị L.T.H. làm việc tại Công ty TNHH MCNEX Vina (KCN Phúc Sơn, TP Ninh Bình) hơn 4 năm nay. Nếu tăng ca đều, mỗi tháng chị có thu nhập 8 triệu đồng. Tuy nhiên, 3 tháng nay, công ty không có việc, phải chấm dứt hợp đồng lao động.
Hiện chị H. đang làm thuê cho nhà hàng với lương 3 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập quá ít ỏi này, chị H. và gia đình phải tằn tiện lắm mới đủ cho sinh hoạt của gia đình. ” Tôi hy vọng sang đầu năm, công ty ký được nhiều đơn hàng mới và tôi xin đi làm lại” – chị Hiền tâm sự.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Ninh Bình cho biết, trước thực trạng lao động bị mất việc, giảm giờ làm, đơn vị đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với chủ sử dụng lao động quan tâm bố trí để người lao động luân phiên làm việc, trả lương đúng quy định và đóng bảo hiểm đầy đủ.
Ngoài ra, cán bộ công đoàn các cấp cũng phải nỗ lực để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm thông qua việc giới thiệu nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khác trên địa bàn.
“LĐLĐ tỉnh cũng đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh tổ chức ngày hội việc làm, qua đó đã có hàng nghìn lao động tìm được việc làm mới” – ông Trần Kim Long cho hay.
T.P