Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhìn lại chứng khoán năm 2022: 'Thăng trầm' với nhiều kỷ lục

Nhìn lại chứng khoán năm 2022: ‘Thăng trầm’ với nhiều kỷ lục

Thị trường chứng khoán sắp bước qua năm 2022 sau bao thăng trầm, lên xuống. Cùng điểm lại những điểm nhấn đáng chú ý, các con số kỷ lục được xác lập trong năm vừa qua.

VN-Index nằm trong top 4 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới

Sau giai đoạn 2020-2021 thăng hoa, chỉ số VN-Index đã liên tục lao dốc không phanh trong năm 2022. Tại thời điểm ngày 23/12/2022, VN-Index dừng ở mốc hơn 1.020 điểm, giảm gần 32% so với số đầu năm và lọt top 4 các chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất trên thế giới. So với mức đỉnh 1.536,45 điểm thiết lập phiên 10/1/2022, VN-Index đã giảm hơn 33,6%.

Đà giảm của VN-Index được lý giải bởi nhiều nguyên nhân như căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine kéo dài đã dẫn đến giá dầu thô tăng vọt, qua đó chuỗi sản xuất – cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Ngoài ra, tình trạng lạm phát cao sau hơn 1 năm nới lỏng tiền tệ, đã đẩy các ngân hàng trung ương áp dụng chính sách tăng lãi suất, ngừng bơm tiền vào nền kinh tế.

Trong nước, thị trường liên tục gặp những cú sốc như các vụ khởi tố lãnh đạo cấp cao tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh Group, Vạn Thịnh Phát Group…, qua đó ảnh hưởng tâm lý các nhà đầu tư cá nhân – bộ phận chiếm đến 90% cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, một số yếu tố khác ảnh hưởng đến thị trường như lãi suất tăng; thắt chặt tín dụng đối với các phân khúc cho vay rủi ro cao, bao gồm đầu tư bất động sản, chứng khoán…

Mạnh tay xử lý sai phạm trên thị trường chứng khoán

Hồi đầu năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng nhiều lần đưa ra thông điệp khẳng định sẽ tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.

Thông điệp này đã được hiện thực hóa khi năm 2022 ghi nhận nhiều vụ xử phạt hành chính cao kỷ lục, liên quan đến các sai phạm về công bố thông tin của cổ đông nội bộ, doanh nghiệp niêm yết và các công ty chứng khoán trong việc tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trong đó, có nhiều vụ án xử lý hình sự như khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC vào ngày 29/3/2022 với hành vi Thao túng thị trường chứng khoán; khởi tố, bắt tạm giam với Đỗ Anh Dũng – cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh Group, và 6 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào ngày 5/4/2022; khởi tố, bắt tạm giam với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào sáng 8/10.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 “đóng băng” và dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có giai đoạn 2018-2021 “thăng hoa” vởi Nghị định 163. Số liệu của VBMA giai đoạn 2011-2018 ghi nhận tổng khối lượng phát hành TPDN đạt khoảng 643.524 tỷ đồng, thì riêng 2021 lượng phát hành đã lên tới 658.000 tỷ đồng, trong đó gần 628.000 tỷ đồng là phát hành riêng lẻ. Quy mô TPDN bất động sản đạt 232.337 tỷ đồng với kỳ hạn trung bình 3,37 năm.

Sự phát triển quá nóng của TPDN đưa tới nhiều rủi ro, nguy cơ, các cơ quan quản lý nhà nước đã có những giải pháp mạnh mẽ để lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà nổi bật nhất là khởi tố vụ án Tân Hoàng Minh Group, Vạn Thịnh Phát Group.

Sau diễn biến này, TPDN gần như đóng băng. Số liệu từ VBMA tính đến ngày 16/12/2022 cho thấy giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2022 chỉ là 244.015 tỷ đồng (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành), giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, cùng giai đoạn trên, số liệu VBMA ghi nhận các doanh nghiệp mua lại gần 182.742 tỷ đồng, tương đương tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021.

Chưa kể, tâm lý nhà đầu tư cá nhân bị ảnh hưởng nặng, dẫn tới làn sóng rút vốn khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu. Mặt khác, Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153 được ban hành (hiệu lực từ ngày 16/9/2022) càng thắt chặt thêm các điều kiện phát hành TPDN.

Trước diễn biến thực tế kể trên, Bộ Tài chính cùng UBCKNN vào ngày 23/11 đã tổ chức cuộc họp lắng nghe các đại diện tổ chức phát hành, công ty chứng khoán. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định sẽ rà soát khung pháp lý, kể cả Nghị định 65 vừa được phát hành, và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm có sự điều chỉnh phù hợp.

Hơn nửa tháng sau cuộc họp kể trên, Bộ Tài chính đã dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Dự thảo đã đưa ra nhiều thay đổi quan trọng, được kỳ vọng sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bế tắc suốt nhiều tháng qua, cùng với đó là giải được phần nào bài toán cho khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2023.

Hai “gam màu” giao dịch trái phiếu của khối ngoại – khối nội

NĐTNN bắt đầu mua ròng từ ngày 3/11/2022, đặc biệt mua mạnh từ ngày 10/11/2022. Từ thời điểm đó đến nay, khối ngoại đã duy trì mua ròng 4 tuần liên tiếp với giá trị tính từ 3/11 đến 2/12 là hơn 19.000 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 9.800 tỷ đồng trong tháng 12/2022 (tính đến phiên 23/12/2022). Lũy kế cả năm 2022, khối ngoại mua ròng gần 21.500 tỷ đồng.

Tính riêng tháng 11/2022, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại có đóng góp từ quỹ ETF ngoại mà phần lớn là của Fubon ETF khoảng 4.500 tỷ, ETF nội khoảng 1.100 tỷ. Có thể thấy các quỹ ETFs chiếm khoảng hơn 30% giá trị mua ròng của tổng giá trị khối ngoại mua ròng khớp lệnh. Phần khoảng 13.400 tỷ đồng còn lại được khối ngoại mua ròng thông qua P-Notes – một loại công cụ tài chính phái sinh được gọi là chứng chỉ tham gia đầu tư được gọi là Participatory Notes, được các tổ chức đầu tư phát hành dành riêng cho các NĐT nước ngoài.

Ngược với đà mua ròng của khối ngoại, các nhà đầu tư cá nhân trong nước riêng tháng 11 đã bán ròng gần 19.000 tỷ đồng – con số được đánh giá là lớn chưa từng có trong lịch sử. Trong tháng 12/2022 (tính đến phiên 23/12/2022), khối nội tiếp tục bán ròng hơn 9.500 tỷ đồng.

Dù vậy, một số ý kiến nhìn nhận đà bán ròng của khối nội phải tính thêm cả nghiệp vụ bán giải chấp nên mới có con số như vậy. Thực tế, với ảnh hưởng tâm lý từ khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân nội cũng mạnh tay mua vào cổ phiếu.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết bị bán giải chấp cổ phiếu

Làn sóng bán giải chấp cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết diễn ra chủ yếu ở nhóm bất động sản, xây dựng. Theo đó, các cổ phiếu nhóm này giảm mạnh do ảnh hưởng từ các thông tin như “bỏ cọc” 4 lô đất đấu giá Thủ Thiêm, áp lực đáo hạn trái phiếu….

Ngày 22/12 vừa qua, ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) công bố thông tin đã bán ra hơn 3,5 triệu cổ phiếu PDR theo phương thức khớp lệnh vào ngày 21/12. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Đạt tại công ty giảm từ 43,48% xuống còn 42,95%. Hoạt động giao dịch này do công ty chứng khoán thực hiện bán giải chấp.

Trước đó, giai đoạn tháng 11 – đầu tháng 12 ghi nhận ông Đạt đã nhiều lần bị bán giải chấp cổ phiếu với tổng khối lượng lên đến hơn 30 triệu đơn vị.

Tương tự, vào ngày 9/12, ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch CTCP Đầu tư Hải Phát (HoSE: HPX) thông báo đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp 295.500 cổ phiếu HPX, qua đó ông còn nắm hơn 69,5 triệu đơn vị. Theo ước tính, trong thời gian từ 28/11 đến 8/12, ông Đỗ Quý Hải cùng người thân đã bị công ty chứng khoán bán gần 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty HPX.

Ngoài ra, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết khác cũng bị bán giải chấp cổ phiếu như CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE: NVL), Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng Phát triển (HoSE: DIG), CTCP Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (HoSE: HDC), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC)….

Kỷ lục hơn 50% số lượng cổ phần công ty được giao dịch trong 1 phiên

Phiên giao dịch 30/11 ghi nhận sự hồi phục của VN-Index khi chỉ số này tăng hơn 16 điểm (1,58%) lên 1.048 điểm. Điểm nhấn chính của thị trường phiên hôm ấy là mã HPX khi cổ phiếu này được “giải cứu” sau chuỗi 10 ngày giảm sàn “tắt” thanh khoản. Đồng thời, mã này cũng xác lập kỷ lục mới trên TTCK Việt Nam với số lượng cổ phiếu giao dịch phiên hôm nay đạt 165,2 triệu cổ phiếu (chiếm 54,1% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành).

Trước đó, kỷ lục này thuộc về cổ phiếu FLC xác lập tại phiên 11/1/2022 với 154,9 triệu đơn vị khớp lệnh (GTGD 3.098 tỷ đồng). FLC cũng có 2 phiên lọt top là ngày 10/1/2022 đạt 134,9 triệu cổ phiếu và 1/4/2022 với 100 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, ROS (mã cùng nhóm FLC) cũng ghi nhận 1 phiên lọt top vào ngày 11/1/2022, tổng khối lượng 98,6 triệu đơn vị.

Thanh khoản kỷ lục của thị trường chứng khoán phái sinh

Thị trường phái sinh tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, đặc biệt sôi động khi thị trường cổ phiếu rơi vào xu hướng điều chỉnh sâu. Cụ thể, khối lượng giao dịch trung bình HĐTL VN30 tăng từ 10.954 hợp đồng/phiên năm 2017 lên gần 250.000 hợp đồng/phiên trong 11 tháng đầu năm 2022. Khối lượng hợp đồng mở (OI) của Hợp đồng tương lai VN30 từ 8.077 hợp đồng tại thời điểm cuối năm 2017 đã tăng lên 49.170 hợp đồng vào cuối tháng 10/2022.

Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 25/10/2022 ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 647.45 hợp đồng, mức lớn nhất trong lịch sử hoạt động của thị trường CKPS. Trong khi đó, OI cao nhất đạt 65.760 hợp đồng vào ngày 17/8/2022.

Bên cạnh vai trò tích cực khi thị trường phái sinh giữ chân dòng vốn đầu tư, các giao dịch phái sinh cũng được cho là tác động tiêu cực ngược trở lại thị trường cơ sở.

Như Nhadautu.vn từng đề cập, UBCKNN vào ngày 30/11 đã có công văn chấp thuận việc điều chỉnh tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu của hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 từ mức 13% lên 17%. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết sẽ tiến hành điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ ban đầu kể từ ngày 15/12/2022 (thứ Năm tuần này).

Số lượng nhà đầu tư mới cao kỷ lục

Theo số liệu vừa công bố từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 5 lập kỷ lục 476.332, gấp đôi so với tháng 4. Con số này cũng cao hơn 76% so với kỷ lục cũ là 270.011 tài khoản được xác lập vào hồi tháng 3.

Tuy nhiên, theo đà giảm của chỉ số, lượng tài khoản mở mới liên tục giảm. Cụ thể, tháng 11 ghi nhận số tài khoản giao dịch chứng khoán tăng thêm so với tháng trước là 88.695 tài khoản, giảm 8% so với tháng 10. Đây là lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và là tháng thứ 6 liên tiếp sụt giảm.

Rút ngắn chu kỳ thanh toán về T+2

Từ ngày 29/8/2022, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) chính thức rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán về ngày T+2.

Việc rút ngắn được chu kỳ thanh toán từ T+3 xuống T+2 được đánh giá là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính và sự nỗ lực của VSD, các sở giao dịch chứng khoán và các thành viên trên thị TTCK. Trong thời gian qua, ngoài việc chỉnh sửa các quy định pháp lý liên quan, các tổ chức liên quan và thành viên thị trường đã kiểm thử kỹ lưỡng.

Đây được coi là bước đột phá trong chu kỳ thanh toán của TTCK Việt Nam và cũng là một trong những mục tiêu cho việc nâng hạng thị trường. Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc tăng thanh khoản, cũng như tăng mức độ hấp dẫn cho TTCK Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới