Ấn Độ và Trung Quốc từng nổ ra chiến tranh biên giới năm 1962, nhưng những thỏa thuận được hai bên đàm phán trong 25 năm sau đó đã giúp hạ nhiệt căng thẳng, tạo điều kiện cho hai bên thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại.
Nhưng những động thái hàn gắn quan hệ này dường như chỉ là lớp phủ lên những rạn nứt thực sự giữa hai nước. Căng thẳng biên giới tiếp tục leo thang với các cuộc đối đầu quy mô nhỏ trong những năm sau đó giữa biên phòng hai nước và hai bên đã ký hiệp ước không bên nào được nổ súng trước.
Tháng 6 năm 2020, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc bất ngờ đụng độ ở thung lũng Galwan, một khu vực hẻo lánh và hiểm trở dọc biên giới tranh chấp giữa hai nước trên dãy Himalaya, 20 lính biên phòng Ấn Độ và ít nhất 4 lính Trung Quốc thiệt mạng.
Cuộc đụng độ thổi bùng tranh luận về tác động lâu dài của nó với mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng đông dân nhất thế giới. Sau đó các cuộc họp cấp cao Trung-Ấn được tổ chức thường xuyên, Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Ấn Độ cũng như trao đổi quốc phòng và hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Quan chức Trung Quốc và Ấn Độ nhất trí rút quân khỏi các điểm nóng dọc biên giới vùng Ladakh, nơi căng thẳng leo thang từ đầu năm 2020.
Thương mại song phương trong năm 2021 cao kỷ lục với 125 tỷ USD. Tháng 3 năm 2022 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới thăm Ấn Độ và ủng họ quan điểm hai nước có thể gạt bỏ tranh chấp giới sang một bên, tiếp tục tăng cường quan hệ.
Ngày 9 tháng 12 năm 2022, lại xảy ra vụ ẩu đả ở khu vực biên giới tại vùng Tawang thuộc bang Arunachal Pradesh, miền đông Ấn Độ. Đây là vụ ẩu đả đầu tiên giữa lực lượng vũ trang Trung-Ấn kể từ cuộc đụng độ đẫm máu giữa quân đội hai nước hồi tháng 6 năm 2020.
Đến lúc này, không chỉ Ấn Độ mà các nước có chung đường biên giới với Trung Quốc đều đã rất quen với việc Trung Quốc luôn đề nghị các nước gác lại tranh chấp sang một bên để tiếp tục tăng cường quan hệ.
Ấn Độ một mặt bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc nhưng vẫn luôn thiếu sự tin tưởng ở ông bạn láng giềng, trong mấy năm qua đã hực hiện chiến lược quay lưng trong mối quan hệ với Trung Quốc, xoay trục sang phương Tây và các nước Nam Á.
H.B