Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMột kỷ lục đáng buồn!

Một kỷ lục đáng buồn!

Hôm nay là ngày cuối cùng của năm 2022. Triều Tiên đã lập được một kỷ lục về phóng tên lửa trong những năm qua. Đó là thứ kỷ lục “quái thai”, đe dọa hòa bình thế giới.

Dường như Liên hợp quốc và các cường quốc đang rất lúng túng trước sự ra oai tác quái của Triều Tiên. Các tuyên bố mang tính ngoại giao cùng các giải pháp đều không đưa lại kết quả mà chỉ làm cho những cái đầu ở cơ quan chóp bu Bình Nhưỡng thêm bốc lửa. Sự kiện này đánh dấu sự leo thang đáng kể và gây căng thẳng lớn cho khu vực Thái Bình Dương.

Nếu như năm 2020, Triều Tiên mới thực hiện bốn vụ thử tên lửa, thì chỉ một năm sau, số vụ thử đã tăng gấp đôi. Cuối cùng kỷ lục buồn được xác lập vao năm nay, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Bình luận này là của Đài CNN. Với hơn 270 vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên kể từ năm 1984, đã có hơn một phần tư số vụ diễn ra trong năm nay.

Như các bạn đã biết, kể từ đầu năm đến nay, có thời điểm bán đảo này phóng tới 23 tên lửa trong một ngày. Tức là trung bình mỗi giờ phóng một quả. Cả năm Triều Tiên đã bắn hơn 90 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Phần lớn các tên lửa được thử nghiệm là tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Đáng chú ý là có cả tên lửa đất đối không và tên lửa siêu thanh.

Mặc dù từ đầu năm 2022, Mỹ và giới quan sát quốc tế đã cảnh báo Triều Tiên đang ráo riết chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất, nhưng vẫn không có cách gì để ngăn chặn. Cách đây 5 năm, vào năm 2017, Triều Tiên thực hiện vụ thử dưới lòng đất. Mức năng lượng giải phóng trong vụ thử năm 2017 lên tới 160 kiloton. Xin lưu ý rằng, vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki ở Nhật hồi Thế chiến II có mức năng lượng giải phóng là 15 và 21 kiloton.

Hành động của Bình Nhưỡng gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tác động rất xấu đến hòa bình, an ninh, có nguy cơ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực. Cụ thể, Hàn Quốc và Nhật Bản đang tăng cường đầu tư, xây dựng quân đội. Mỹ cam kết sẽ hết lòng bảo vệ hai nước này nếu Bình Nhưỡng manh động.

Vào năm 2019, từng có hy vọng về một bước đột phá ngoại giao sau các cuộc gặp mang tính bước ngoặt giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ khi Donald Trump. Thế nhưng cuộc gặp đã không đi đến một thỏa thuận nào về việc phi hạt nhân hóa. Quan hệ Mỹ và Triều Tiên từ đó cũng trượt dài. Ông Kim Jong-un ngang nhiên công bố kế hoạch 5 năm nhằm hiện đại hóa quân đội Triều Tiên. Ông ta nhấn mạnh việc coi trọng phát triển vũ khí siêu thanh và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Không thể khoanh tay ngồi chờ Bình Nhưỡng xuống thang, các nước Nhật Bản và Hàn Quốc đã xích lại gần phương Tây. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sau đó đã tổ chức những cuộc tập trận chung và phóng tên lửa đáp trả các vụ thử của Bình Nhưỡng. Đặc biệt, Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực, triển khai lại một tàu sân bay tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên và gửi các máy bay chiến đấu tàng hình tối tân tới Hàn Quốc để huấn luyện. Riêng Nhật Bản đã quyết định tăng gấp đôi chi tiêu dành cho quốc phòng.

Mở rộng các cuộc tập trận chung với Mỹ bắt đầu từ năm 2023 là tuyên bố của Quân đội Hàn Quốc. Dự kiến sẽ có hơn 20 cuộc tập trận chung trong năm 2023 để chuẩn bị cho các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Khi cả hai bên cùng không chịu nhượng bộ thì căng thẳng càng lên cao. Các nhà phân tích cảnh báo rằng, việc quân sự hóa nhanh chóng của các bên có thể gây ra sự bất ổn trên toàn khu vực và sẽ chỉ càng làm tình hình rối ren hơn. Việc Mỹ và Hàn Quốc gia tăng tập trận chung vào năm 2023 có thể khiến Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa “để thể hiện sự không hài lòng”.

Điều này đã có tiền lệ. Vụ phóng ngày 22/12 của Triều Tiên diễn ra chỉ ba ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc điều máy bay quân sự tham gia một cuộc diễn tập không quân chung. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thường xuyên mô tả các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc là tiền đề cho một cuộc tấn công, và vì thế các cuộc thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng được xem là các biện pháp phòng thủ.

Như vậy vào năm 2023, khả năng các bên ngồi lại đàm phán là rất khó khăn. Kim Jung-un tuyên bố sẽ chỉ quay lại bàn đàm phán với vị thế lớn hơn. Thời điểm đó có thể là khi Triều Tiên hoàn tất phát triển kho vũ khí.

Thật là một hành động ngông cuồng, không thể chấp nhận!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới