Friday, November 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ cường quốc toàn cầu thay đổi lớn trong năm 2022

Quan hệ cường quốc toàn cầu thay đổi lớn trong năm 2022

Năm 2022 chứng kiến nhiều bước ngoặt trong quan hệ nước lớn, khi châu Âu quay lưng với Nga vì xung đột Ukraine, còn phương Tây cứng rắn hơn với Trung Quốc, theo giới chuyên gia.

Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tiếng súng ở Ukraine mở màn cho xung đột lớn nhất ở châu Âu từ sau Thế chiến II, cũng như thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa Nga và châu Âu sau ba thập kỷ.

“Thái độ của châu Âu với Nga đã thay đổi, từ xem Moskva là một đối tác quan trọng trở thành nước không đáng tin cậy, thậm chí bị coi là mối đe dọa an ninh và ổn định của châu Âu”, Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và hiện là giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, nói với VnExpress.
Trong ba thập kỷ qua, quan hệ của Nga và phương Tây được xây dựng trên nền móng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và năng lượng. Tuy nhiên, nền tảng này đã sụp đổ nhanh chóng trong năm qua. Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và đồng minh châu Âu đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay, như đóng băng dự trữ ngoại hối hay loại nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga. Liên minh châu Âu (EU) cùng G7 nhất trí áp trần giá dầu Nga từ ngày 5/12 ở mức 60 USD/thùng. Nửa tháng sau, EU tiếp tục nhất trí áp giá trần khí đốt Nga ở mức 180 euro (khoảng 191 USD) mỗi megawatt giờ.

Châu Âu cũng chạy đua tìm kiếm các nguồn thay thế năng lượng Nga, khi Moskva cắt giảm nguồn cung. Các cường quốc châu lục như Đức, Pháp cũng tìm cách khôi phục các cơ sở năng lượng chạy bằng than đá và điện hạt nhân.

“Không chỉ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã đánh thức những lo ngại của châu Âu về an ninh quốc gia, đặc biệt là trong nhóm các nước Tây Âu”, Schuster nói.

Ông cho biết Đan Mạch, Pháp, Đức và Italy đang tăng chi tiêu quốc phòng và khôi phục năng lực quân sự, sau 20 năm cắt giảm đầu tư cho quân đội. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng khôi phục năng lực sản xuất quốc phòng sẽ cần nhiều thời gian và chi phí.

Một trong những động thái quyết liệt nhất ở châu Âu trong năm qua là quyết định xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia nhiều năm duy trì chính sách không liên minh quân sự. Schuster nhận xét “đây là điều không thể tưởng tượng được cách đó một năm”.

“Chiến sự Ukraine đã khiến nhiều bên, đặc biệt là ở các nước từng thuộc Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw, cảm nhận rõ hơn về mối đe dọa từ Nga, đồng thời tạo thêm động lực cho NATO và các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”, Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á – Thái Bình Dương tại Philippines, cho hay.

Khi có thông tin tình báo về chiến dịch quân sự của Nga, Mỹ nhanh chóng chia sẻ với các đồng minh, đối tác ở châu Âu và đặt nền móng cho phản ứng thống nhất của phương Tây. Chỉ trong 3 tuần kể từ khi xung đột bắt đầu, hơn 30 đối tác, trong đó có các thành viên Liên minh châu Âu, G7, Australia, Singapore và đảo Đài Loan, đã hợp sức cùng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có chống lại Nga.
Advertisement

Sau một phần tư thế kỷ, phương Tây giờ đây không còn tìm kiếm một con đường hòa hoãn với Moskva nữa, giới chuyên gia nhận định.

“Xung đột Ukraine thực sự đã làm đảo lộn mọi khía cạnh của hiện trạng toàn cầu”, Gregory Poling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), chia sẻ. “EU và NATO đang thống nhất hơn bao giờ hết, củng cố hệ thống liên minh của Mỹ ở châu Âu”.

Khi bị phương Tây quay lưng và quan hệ hợp tác năng lượng truyền thống sụp đổ, Nga đã quay sang với các đối tác châu Á, trong đó có Trung Quốc.

Trung Quốc được xem là điểm tựa cho kinh tế Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây ngày càng tăng. Giới quan sát cho biết việc Trung Quốc tăng cường trao đổi thương mại với Nga, nhập khẩu nhiều dầu và khí đốt từ nước này, cũng như thiết lập mặt trận chung chống NATO và phương Tây là những động thái vừa hỗ trợ Moskva, nhưng cũng mang lại lợi ích cho Bắc Kinh.

Khi gặp nhau hồi đầu tháng 2, trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định tình hữu nghị Nga – Trung là “không giới hạn”. Tuy nhiên, trong cuộc gặp hồi tháng 9 tại Uzbekistan, ông Putin công khai thừa nhận những quan ngại của Trung Quốc về khủng hoảng Ukraine.

Giới quan sát nhận định đây là dấu hiệu cho thấy thế cân bằng trong mối quan hệ đang thay đổi. Chuyên gia Poling cho rằng Nga đang ở “thế yếu” khi phải chấp nhận trở thành đối tác có ít lợi ích hơn trong quan hệ với Trung Quốc.

Trong quá trình xích lại gần Nga, Trung Quốc cũng thay đổi đáng kể quan hệ với phương Tây trong năm 2022, theo Schuster. “Phương Tây hiện coi Trung Quốc là quốc gia có khả năng gây bất ổn và mối đe dọa với an ninh, ổn định toàn cầu”, ông nói.

Trong chiến lược an ninh quốc gia được chính quyền Tổng thống Biden công bố hôm 12/10, Mỹ coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất vừa có ý định định hình lại trật tự quốc tế, vừa có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm vậy”.

Chuyên gia Poling cho biết Mỹ hiện có sự đồng thuận lưỡng đảng về việc xem Trung Quốc là “mối đe dọa” đối với an ninh kinh tế và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.

“Nhiều đối tác và đồng minh của chúng tôi ở châu Âu và châu Á cũng có kết luận tương tự, phần lớn do những động thái về kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc trong những năm gần đây”, Poling nói.

Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á – Thái Bình Dương tại Philippines, đồng tình với nhận định rằng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng nhiệt trong thời gian tới, dù hai bên sẽ tìm mọi cách tránh xung đột.

“Việc Trung Quốc phô diễn sức mạnh ngày càng tăng và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây cảnh giác. Trong khi đó, nỗ lực của Mỹ nhằm tăng hiện diện quân sự ở châu Á làm Trung Quốc thêm lo ngại về nguy cơ bị kiềm chế”, Pitlo III nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bali, Indonesia ngày 14/11. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia Philippines thêm rằng những động thái thắt chặt quan hệ Nga – Trung thời gian qua, với những cuộc tập trận quân sự chưa từng có giữa hải quân, không quân hai nước, cũng làm tăng căng thẳng với Mỹ và phức tạp thêm mối quan hệ của Bắc Kinh với châu Âu.

Liên minh châu Âu xem Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống”, trong khi Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin hôm 17/11 cảnh báo về những rủi ro khi châu Âu quá phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc.

Ngoài ra, ông Schuster nhận định Mỹ và các đối tác phương Tây cũng trở nên mệt mỏi với những hành vi vi phạm về thương mại, như đánh cắp bản quyền hoặc các tài sản thương mại khác. Ông tin phương Tây trong thời gian tới sẽ tiếp tục sử dụng các chính sách để ngăn đầu tư Trung Quốc vào nước họ, cũng như không khuyến khích đầu tư vào Trung Quốc.

Theo chuyên gia Poling, cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập tại Bali hồi tháng 11 đã giúp Mỹ – Trung thiết lập những rào chắn an toàn để quan hệ song phương không leo thang thành xung đột. “Tuy nhiên, cạnh tranh giữa hai cường quốc sẽ tiếp tục trong tương lai gần và không gian để các nước khác giữ vị trí trung lập cũng sẽ ngày càng bị thu hẹp”, ông đánh giá.

RELATED ARTICLES

Tin mới