Trung Quốc đã tăng cường sử dụng vệ tinh để theo dõi các khu vực nhạy cảm tại Biển Đông, biển Hoa Đông trong năm 2022.
Tờ South China Morning Post ngày 20.1 dẫn thông tin từ sách xanh công bố hôm 18.1 của Tập đoàn khoa học hàng không vũ trụ và công nghệ Trung Quốc (CASC) cho biết trong năm qua, Trung Quốc đã tăng cường sử dụng vệ tinh để quan sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, các bãi cạn và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.
CASC là nhà thầu chính cho chương trình không gian của Trung Quốc. Theo sách xanh, chương trình vệ tinh được tăng cường đã mang lại dữ liệu quan trọng cho việc mà Bắc Kinh gọi là “quản lý” các vùng biển và quần đảo, cũng như các đảo có “mục đích đặc biệt”.
CASC cho biết một loạt vệ tinh của công ty này đã tạo nên năng lực quan sát bao quát toàn cầu và liên tục.
Theo báo cáo các diễn biến quân sự và an ninh liên quan Trung Quốc năm 2022 do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng 11.2022, cấu trúc chỉ huy, kiểm soát và giám sát từ không gian của Trung Quốc đã mở rộng nhanh về số lượng và độ bao phủ.
Theo đó, trong 10 năm qua, Trung Quốc đã tăng gấp đôi số vụ phóng vệ tinh mỗi năm và số lượng vệ tinh trên quỹ đạo. Từ năm 2018, Trung Quốc đã gia tăng gần gấp đôi số hệ thống tình báo, giám sát và do thám (ISR) lên thành hơn 260, đứng thứ hai chỉ sau Mỹ.
Quân đội Trung Quốc được cho là đang sở hữu và hoạt động một nửa số hệ thống ISR trên thế giới. Hầu hết có thể được sử dụng để quan sát, theo dõi và nhắm mục tiêu vào lực lượng Mỹ và đồng minh trên toàn cầu, đặc biệt là trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.