Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnCon thỏ TQ thành con mèo Việt ra sao?

Con thỏ TQ thành con mèo Việt ra sao?

Tại sao vị trí thứ tư trong 12 địa chi (tức chi Mão) theo truyền thống nông lịch Trung Quốc là cầm tinh con thỏ, nhưng trong quan niệm của người Việt thì vị trí này thuộc về mèo?

Con giáp bằng đất nung niên đại đời Đường tại bảo tàng Quốc gia Trung Quốc: vị trí thứ tư từ trái là mão hình con thỏ.

Thật ra, chữ “mão” không gắn với mèo

Vị trí con giáp Mão trong 12 địa chi theo Trung Quốc từ trước đến nay được hiểu thuộc về con thỏ. Đến nỗi người Trung Quốc gần đây đặt hẳn vấn đề: “Tại sao trong 12 con giáp có chuột mà không có mèo?”.

Về mặt từ ngữ, chữ mão cổ được ghi nhận trong Thuyết văn giải tự là chữ tượng hình, tự dạng giống hai cánh cửa (ảnh), và trong các nghĩa của từ mão, không có nghĩa nào là mèo hoặc thỏ (mèo chữ Hán là miêu, thỏ chữ Hán là thố).

Về sự ra đời của các con giáp được gán cho các chi, học giới Trung Quốc ghi nhận sự xuất hiện 12 loài động vật tượng trưng cho 12 địa chi là từ sách Luận hoành của Vương Sung – một nhà tư tưởng theo chủ nghĩa duy vật thời Đông Hán. Việc này có xét đến thói quen hoạt động theo giờ của mỗi loài.

Chẳng hạn ban đêm chuột hoạt động mạnh nhất, nên giờ tý gọi là “tý thử”, giờ mão là lúc trăng chưa lặn, thỏ ra khỏi hang ổ ăn cỏ còn ướt sương đêm cho nên gọi là “mão thố”… Những cụm từ “tý thử”, “mão thố” được dùng quen thuộc trong cách gọi ngày giờ năm tháng âm lịch.

Trong vòng ảnh hưởng văn hóa từ Trung Hoa, vị trí mão trong 12 con giáp ở Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn mang biểu tượng con thỏ. Chỉ Việt Nam mới xem mão là mèo.

Công trình khảo cứu Việt Nam cũng có 12 con giáp, tại sao có năm mèo mà không có năm thỏ, so sánh với các nước có 12 con giáp có cách lý giải đáng chú ý: “Vì mão trong cụm “mão thố” có âm Hán ngữ tương tự với chữ mèo, nên kết quả là mão bị đọc nhầm thành mèo”.

Công trình này cũng ghi nhận thêm một cách lý giải nữa là thời xưa, thỏ chưa phải là động vật phổ biến, do vậy Việt Nam dùng mèo thay thế cho vị trí thứ tư trong 12 địa chi như đã thấy.

Cách lý giải về âm đọc mão/mèo xem ra dễ hình dung hơn; còn việc loài thỏ xuất hiện tại Việt Nam từ lúc nào, trước hay sau khi Việt Nam có nông lịch, lại là công việc cần sự phối hợp liên ngành giữa lịch sử ngữ âm, lịch học và động vật học chẳng hạn.

Dù vậy, theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm đầu tiên được ghi nhận trong bộ sử này là năm Nhâm Tuất (2879 trước Công nguyên). Bản sử này ra đời năm 1697, như vậy muộn nhất là đến thế kỷ 17 Việt Nam đã dùng lịch can chi, và chép chuyện từ 2879 TCN cũng dùng hệ can chi như Trung Quốc.

Tuy nhiên, thiên can – địa chi là dùng trong lịch pháp, cùng các tính toán phong thủy và dự đoán học.

Một số nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng bất luận Mão được xem là mèo hay thỏ thì tính chất của chi này cũng không bị ảnh hưởng: Mão vẫn thuộc âm trong 12 địa chi và thuộc mộc theo thứ tự ngũ hành.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới