Friday, January 10, 2025
Trang chủNước Việt đẹpGiữ gìn Tết xưa ở Huế để phát triển du lịch

Giữ gìn Tết xưa ở Huế để phát triển du lịch

Ngày Tết đến với Huế, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động vui Xuân ở Hoàng cung với điểm nhấn là không gian xưa, tái hiện các trò chơi cung đình, gợi lại nét văn hóa truyền thống với người dân và du khách.

Phố đi bộ Hoàng Thành Huế.

Xuất thân từ hoàng tộc, gia đình bà Tôn Nữ Thị Hà, ở phường Đông Ba, thành phố Huế đón Tết cổ truyền với những lễ nghi xưa. Gia đình bà muốn con cháu noi theo, gìn giữ. Ngày Tết, thờ cúng ông bà, tổ tiên luôn được người dân Huế đặc biệt coi trọng. Việc chuẩn bị bàn thờ chu đáo thể hiện niềm tin, sự tôn kính đối với tổ tiên.

Bà Hà thường chuẩn bị mâm ngũ quả thật tươm tất, dâng lên bàn thờ gia tiên: “Quan niệm xưa nay là ông bà tổ tiên mình chỉ là ngửi hương hoa là chính, thành chi hay cúng bông hoa, rồi mâm ngũ quả nói chung tươm tất, sum xuê, màu sắc đẹp đẽ, tượng trưng cho sự sum vầy may mắn và điều ước nguyện nằm trong mâm ngũ quả đó” .

Tết Huế được tính từ những ngày đầu tháng Chạp, khi con cháu rủ nhau ra đồng hay về quê chạp mả, mời tổ tiên về ăn Tết, cho đến ngày mồng 7 tháng Giêng khi làm lễ hạ nêu. GS.TS Thái Kim Lan, một trong những trí thức Việt kiều trở về Huế sau hơn 50 năm sinh sống ở Đức, vẫn giữ được nét đặc trưng trong gia đình ngày Tết. Tết nào gia đình bà cũng dựng nêu đón Tết. Trước Tết, bà và con cháu tự tay chuẩn bị bánh trái, làm mứt, quây quần cùng nhau.

Huế là nơi mà nếp sống hiện đại ít ảnh hưởng đến đời sống tâm linh con người: “Lễ Tết là lễ chịu ảnh hưởng bởi nghề nông, thành thử đến sau tất cả những công việc đồng áng, làm lụng cả một năm thì người ta có thể tự thưởng cho mình những vui chơi và thưởng cho mình một sự đoàn tụ gia đình, đem tới một dấu hiệu của hạnh phúc, để cùng nhau đón chào một năm mới đầy cả hy vọng và lạc quan. Thành thử sự chuẩn bị Tết rất quan trọng đối với người Huế”.

Đối với người Việt Nam, một năm khởi đầu từ mùa xuân, mùa của lễ tiết, hội hè. Lễ hội bắt đầu từ các hoạt động đón Tết Nguyên Đán và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Trong cung đình nhà Nguyễn thời xưa ở Huế, các hoạt động lễ hội có những đặc trưng riêng, các lễ tiết chính đều quy định chặt chẽ. Lễ tiết của triều Nguyễn gồm 2 phần, trước và sau Tết, được tổ chức rất trang trọng, chu đáo.

Không khí đón Tết trong Hoàng cung bắt đầu là Lễ dựng nêu từ ngày 23 tháng Chạp. Dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, như một dấu mốc cho sự ngừng nghỉ các công việc trong năm. Nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, trước điện Thái Hoà và các miếu trong Đại Nội. Cây tre dựng nêu là loại tre đực, cao, to và khoẻ. Trên ngọn nêu treo ấn tín, bút lông, đoản kiếm. Ngày dựng cây nêu, triều đình thường cho bắn súng lệnh ở Kỳ Đài để cáo với đất trời. Tiếng súng lệnh dứt, từ triều đình tới người dân đều nghỉ ngơi, ăn Tết, vui Xuân.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế – ông Nguyễn Xuân Hoa cho biết hàng năm, đúng mùng 1 tháng Chạp, triều đình bắt đầu tổ chức lễ Ban sóc, ban hành lịch làm việc năm, đó là hoạt động mở đầu cho việc đón năm mới. Những hoạt động vui chơi ngày Tết diễn ra nền nếp, tao nhã. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, chính từ ảnh hưởng kinh đô xưa mà người Huế ngày nay còn giữ lại những tập tục Tết khá đặc biệt.

“Từ chiều 30 Tết thì mỗi gia đình đều phải làm lễ cúng để rước ông bà về với con cháu trong ngày Tết. Rồi cúng từ tịch, cúng giao thừa và sau đó liên tục trong 3 ngày Tết là những lễ nghi, người ta không những vui Tết tại nhà mình mà còn đến nhà thờ của dòng họ, thắp hương, quây quần con cháu để mừng tuổi con cháu. Trong phạm vi của cộng đồng thì ngày Tết còn có nhiều lễ hội, có thể nói cũng rất đa dạng” – ông Nguyễn Xuân Hoa.

Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tổ chức phục dựng nghi lễ cung đình xưa để phục vụ người dân và du khách như lễ đổi gác, lễ dựng nêu từ ngày 23 tháng Chạp và hạ nêu ngày mồng 7 tháng Giêng. Đơn vị tổ chức tái hiện các hoạt động gói bánh Tết xưa, các trò chơi dân gian và cung đình, gợi lại nét văn hóa truyền thống đến với người dân và du khách. Tết năm nay, không gian Tết xưa được tái hiện xung quanh phố đi bộ Hoàng Thành, du khách tham gia trải nghiệm, tự tay làm các món bánh chưng, bánh tét, tham gia các trò chơi dân gian.

Bà Maria – du khách từ Australia đến thăm Huế vào dịp Tết chia sẻ: “Thật tuyệt vời, đó là một trải nghiệm thú vị. Chúng tôi rất thích tham gia các lễ hội truyền thống xưa, hoạt động làm món ăn cổ truyền của Việt Nam rất ý nghĩa. Đất nước này thật tuyệt vời, chúng tôi đã rất vui trong hai tuần này và chúng tôi sẽ ở lại thêm một tuần nữa để trải nghiệm”.

Ngày nay, chốn Hoàng cung xưa đã thành di tích lịch sử, những nét văn hóa truyền thống của người xưa vẫn được người Huế tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc ấy.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới