Đúng như dự đoán của giới học giả, Biển Đông bước vào năm 2023 với hàng loạt tin tức bất an, thể hiện rõ các chỉ dấu về một năm 2023 không yên bình. Tác nhân của tình hình này, không ai khác, chính là Trung Quốc với chính sách hung hăng của mình.
Những ngày cuối cùng của năm 2022 và những ngày đầu năm 2023, trong lúc Trung Quốc đang rục rịch thay đổi chính sách Zero- Covid mà nước này triển khai trong suốt hơn 3 năm qua, tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc với trọng tải trên 10.000 tấn đã liên tục hoạt động trong khu vực vùng biển giáp ranh giữa In-đô-nê-xia và Ma-lai-xia. Hoạt động vi phạm nghiêm trọng này của Trung Quốc đã khiến In-đô-nê-xia, một quốc gia luôn coi mình là không có tranh chấp và luôn tìm cách phát huy vai trò trung gian ở khu vực Biển Đông đã phải cử cả máy bay trinh sát NC 212 và tàu chiến KRI Bontang 907 theo sát và giám sát chặt chẽ hành động nêu trên. Đối với Ma-lai-xia, Trung Quốc thường xuyên duy trì 2 tàu hải cảnh lớn nhất là tàu CG 5901 và CG 5302 hoạt động tại khu vực bãi Luconia, có những thời điểm các tàu này chỉ cách bờ biển khu vực Sarawak của Ma-lai-xia khoảng 50 hải lý.
Nhiều người đã hy vọng với chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của Tổng thống mới đắc cử của Phi-líp-pin, ông Marcos, trong đó hai bên đã nhất trí việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cở sở Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở khu vực Biển Đông (DOC) và đặc biệt là việc hai bên thỏa thuận sẽ nối lại các cuộc đàm phán về hợp tác dầu khí, quan hệ giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc ở Biển Đông sẽ được cải thiện hơn. Tuy nhiên, gáo nước lạnh đổ vào dư luận Phi-líp-pin và quốc tế chính là sự kiện tàu Hải cảnh Trung Quốc CG5205 đã chiếu tia laser mang cấp độ quân sự, khiến các thủy thủ của Phi-líp-pin trên tàu Cảnh sát biển của nước này mất thị lực tạm thời khi đang triển khai nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên cho lực lượng đồn trú của nước này ở Bãi Cỏ Mây, một bãi cạn mà Phán quyết vụ kiện Trọng tài giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc khẳng định là bãi chìm, hoàn toàn thuộc thềm lục địa của Phi-líp-pin. Đối với Phi-líp-pin, Trung Quốc còn cho tàu cá dân binh bao vây xung quanh đảo Thị Tứ, Trường Sa, thời điểm cao nhất lên đến 40 chiếc và hiện nay cũng còn trên 20 chiếc đang hoạt động trong lãnh hải của Thị Tứ.
Không chỉ gây hấn của In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia và Phi-líp-pin, Việt Nam cũng là đối tượng của các hành vi vi phạm của Trung Quốc với việc tàu Hải Dương địa chất 4 hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam cũng như tàu cá Trung Quốc tiếp tục tăng cường hoạt động tại khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ phần Việt Nam.
Bên cạnh việc thể hiện sức mạnh trên thực địa, Trung Quốc gia tăng các biện pháp hành chính, pháp lý như việc ban hành quy phạm hiển thị nội dung bản đồ công khai, bắt buộc bản đồ phải có các đảo, đá mà nước này yêu sách trái phép ở Biển Đông cũng như yêu sách theo đường 9 đoạn, mở siêu thị trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Trường Sa…
Việc Trung Quốc gia tăng các hành vi hung hăng ở khu vực Biển Đông ngay từ đầu năm 2023, đúng như các chuyên gia dự đoán có thể xuất phát từ một số lý do sau:
Thứ nhất, nhu cầu ổn định để bảo đảm tổ chức thành công các sự kiện lớn của nước này như Đại hội đảng lần thứ 20, bầu ra ban lãnh đạo mới đã không còn quan trọng như thời điểm trước đây, những năm 2021-2022. Điều này cũng cho thấy rõ bản chất trong cách hành xử của Trung Quốc, khi cần thì tỏ “hiền dịu”, “hợp tác”; khi không sẽ sẵn sàng xử sự một cách tráo trở.
Thứ hai, Trung Quốc đang tìm cách thể hiện sức mạnh của mình, cho các nước trong khu vực và thế giới thấy Trung Quốc có thể cùng một lúc xử lý được nhiều vấn đề, với nhiều nước. Mặc dù trong thời gian qua, cạnh tranh Trung Mỹ tiếp tục gia tăng; tình hình bán đảo Đài Loan có nhiều diễn biến phức tạp; hợp tác, trong đó có hợp tác quân sự giữa Mỹ với các nước trong khu vực Biển Đông, nhất là với Phi-líp-pin có nhiều bước cải thiện về chất, song Trung Quốc vẫn gia tăng các hoạt động đơn phương, chèn ép các nước ven Biển Đông.
Thứ ba, Trung Quốc đang tranh thủ thời cơ tình hình quốc tế, khu vực có lợi cho Trung Quốc, nhất là việc Trung Quốc củng cố quan hệ với Nga, một số nước Châu Âu muốn Trung Quốc phát huy vai trò trong vấn đề xung đột Ucraina. Chính tình hình này làm Trung Quốc có điều kiện triển khai chính sách “viễn giao cận công””vốn mang tính chủ đạo của mình trong chính sách đối ngoại cho dù Trung Quốc luôn tuyên bố thực hiện chính sách “ưu tiên quan hệ” với các nước láng giềng. Tình hình Biển Đông những tháng đầu năm 2023 báo hiệu năm 2023 sẽ là một năm đầy sóng gió trong vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh này, các nước ven Biển Đông và cộng đồng quốc tế cần nâng cao cảnh giác hơn nữa, cần đoàn kết dưới ngọn cờ luật pháp quốc tế, chính nghĩa để tạo ra một mặt trận chống lại mọi hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình ở Biển Đông.