Các nỗ lực gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có quy mô lớn hơn nhiều so với việc chỉ sử dụng những khinh khí cầu do thám.
Thông tin về việc Lầu Năm Góc đang theo sát một khinh khí cầu do thám của ĐCSTQ lơ lửng trên bầu trời Mỹ trong tuần này đang làm dấy lên lo ngại về mức độ nỗ lực gián điệp của Trung Quốc nhắm vào Mỹ và công dân Mỹ. Nhưng chính quyền Trung Quốc sẵn sàng làm đến mức nào để theo dõi và phá hoại nước Mỹ?
Các nỗ lực gián điệp của ĐCSTQ, vốn cai trị Trung Quốc trong trại thái một quốc gia độc đảng, có phạm vi sâu rộng hơn nhiều so với những khinh khí cầu cảm biến đơn thuần. Những nỗ lực đó bao gồm việc thu thập thông tin tình báo thông qua con người, các kế hoạch đàn áp xuyên quốc gia, trộm cắp và tấn công mạng, trộm cắp tài sản trí tuệ, và thậm chí là thu thập vật liệu di truyền [các thông tin về di truyền học] của người Mỹ.
Theo lời của một Tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu: “Nếu [ĐCSTQ] có được bất kỳ sự tiếp cận nào vào trong xã hội Mỹ, thì họ sẽ sử dụng sự tiếp cận đó để phá hoại xã hội Mỹ”.
Thu thập thông tin tình báo thông qua con người và Đàn áp xuyên quốc gia
Điểm mấu chốt trong những nỗ lực do thám Mỹ của ĐCSTQ là những nỗ lực thu thập thông tin tình báo một cách truyền thống thông qua con người (HUMINT), dựa vào việc trao đổi thông tin giữa người với người, dù là cố ý hay không cố ý.
Mạng lưới HUMINT của ĐCSTQ thâm nhập vào xã hội Mỹ ở nhiều cấp độ, với nhiều nỗ lực trong đó được giám sát trực tiếp bởi cơ quan tình báo hàng đầu của chính quyền Trung Quốc là Bộ An ninh Quốc gia (MSS).
Một trong những trường hợp tai tiếng nhất trong số đó là trường hợp của Christine Fang hay “Fang Fang”, người bị cáo buộc là gián điệp Trung Quốc đóng giả là sinh viên đại học và nuôi dưỡng quan hệ với nhiều chính trị gia ở California và các nơi khác, bao gồm cả Dân biểu Eric Swalwell khi ông còn là ủy viên hội đồng thành phố. Fang Fang được cho là đã sử dụng các mối quan hệ đó để thu thập thông tin tình báo về các chính trị gia đầy hứa hẹn. Fang Fang cũng được cho là đã nhằm vào ít nhất hai thị trưởng miền Trung Tây nước Mỹ, những người mà cô đã có quan hệ tình cảm hoặc tình dục.
Tuy nhiên, các chính trị gia không phải là mục tiêu duy nhất của hoạt động gián điệp này. Nhiều người dân thường của Mỹ, đặc biệt là những người gốc Hoa, thường là mục tiêu ưa thích của các chiến dịch quấy rối và gián điệp của ĐCSTQ.
Trong những nỗ lực đó, các đặc vụ Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc và những người đại diện của họ tại Mỹ bị cáo buộc đã theo dõi một vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic người Mỹ và gia đình của cô này. Họ cũng bị cáo buộc đã âm mưu thông đồng với cảnh sát New York để thu thập thông tin tình báo về cộng đồng người Mỹ gốc Á, và thậm chí còn âm mưu tấn công một cựu quân nhân Mỹ đang tranh cử vào Quốc hội trong một nỗ lực bịt miệng và đe dọa những người có quan điểm chỉ trích ĐCSTQ.
Giám đốc FBI Christopher Wray đã làm chứng rằng, các đặc vụ Trung Quốc và những người làm thuê cho họ đã tích cực theo dõi cư dân Mỹ và gắn máy nghe trộm trong ô tô và nhà của họ.
Trộm cắp mạng và Xâm nhập hệ thống
Tương tự, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng các chiến dịch tấn công mạng và thông tin sai lệch để thu thập một cách bất hợp pháp thông tin quốc phòng của Mỹ, và gieo rắc chia rẽ giữa các công dân Mỹ.
Các nhà lãnh đạo tình báo Mỹ đã xác định ĐCSTQ là tác nhân mạng độc hại lớn nhất thế giới, và các tin tặc có liên kết với chính quyền này đã đánh cắp nhiều dữ liệu từ người Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào khác cộng lại.
Những nỗ lực như vậy thường nhằm đánh cắp các bí mật công nghệ quan trọng, chẳng hạn như các tin tặc do ĐCSTQ tài trợ đã xâm nhập và đánh cắp thông tin nhạy cảm từ nhiều công ty viễn thông của Mỹ.
Các vụ việc này nêu bật điều mà các quan chức quốc phòng Mỹ đã cảnh báo từ lâu: ĐCSTQ đang nghiên cứu cách Mỹ chiến đấu, với mục đích phát triển các công nghệ có khả năng đánh bại quân đội Mỹ, và mục đích chuyển các công nghệ tiên tiến của Mỹ sang Trung Quốc.
Thông tin cá nhân nhạy cảm của người Mỹ cũng là một mục tiêu có giá trị, bằng chứng là nhiều vụ tấn công quy mô lớn của các tác nhân Trung Quốc trong những năm qua. Trong đó bao gồm các vụ xâm nhập hệ thống của Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ (OPM), công ty báo cáo tín dụng Equifax, khách sạn Mariott, và công ty bảo hiểm Anthem. Những vụ xâm nhập hệ thống này đã khiến dữ liệu cá nhân của hàng trăm triệu người Mỹ bị đánh cắp.
Các quan chức và chuyên gia cho biết, ĐCSTQ đang sử dụng kho dữ liệu cá nhân khổng lồ này của người Mỹ để hỗ trợ các hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng ở nước ngoài của mình, đồng thời dùng dữ liệu nuôi công nghệ trí thông minh nhân tạo.
Mạng xã hội và Viễn thông
ĐCSTQ cũng sử dụng việc họ có thể kiểm soát dữ liệu các công ty Trung Quốc, để tận dụng các mạng xã hội và viễn thông khổng lồ của Trung Quốc nhằm vào người dân Mỹ nhẹ dạ cả tin.
TikTok, một ứng dụng nổi tiếng về video ngắn thuộc sở hữu của hãng công nghệ Trung Quốc khổng lồ ByteDance, có lẽ là ví dụ tiêu biểu nhất cho điều này.
Được các nhà lãnh đạo tình báo Mỹ mô tả là “mối đe dọa an ninh quốc gia” và được các chuyên gia bảo mật dán nhãn là “ứng dụng quân sự được vũ khí hóa”, mạng xã hội khổng lồ TikTok đã kiểm duyệt các tin bài mà người Mỹ xem theo yêu cầu của ĐCSTQ. Phần mềm này cho phép các kỹ sư Trung Quốc truy cập vào dữ liệu người dùng Mỹ. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về ứng dụng này; luật của ĐCSTQ bắt buộc các công ty Trung Quốc cung cấp dữ liệu cho chính quyền theo yêu cầu.
Ngoài ra, nhân viên ByteDance đã sử dụng dữ liệu định vị địa lý từ TikTok để theo dõi bất hợp pháp các nhà báo Mỹ được cho là đang đưa tin về công ty này.
Các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, bao gồm cả viễn thông, cũng gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho Mỹ. Trong những năm gần đây, Washington đã đưa ra nhiều biện pháp thẳng tay nhằm vào các công ty viễn thông Trung Quốc, trong đó có Huawei và ZTE, vì lý do này.
Huawei và các nhân viên của họ bị phát hiện có mối liên hệ sâu sắc với quân đội và tình báo Trung Quốc. Các công tố viên liên bang của Mỹ đã buộc tội Huawei âm mưu đánh cắp bí mật thương mại, trong khi một nhân viên chính phủ Canada cáo buộc rằng Huawei đã thuê các nhân viên vốn là gián điệp của ĐCSTQ. Công ty này cũng được cho là đã tích cực tham gia vào các cuộc tấn công bí mật vào hệ thống mạng viễn thông của Úc và Mỹ từ năm 2012.
Dữ liệu sinh học
Những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm thu thập tất cả thông tin từ Mỹ còn vượt xa hơn cả các mảng sở hữu trí tuệ và khinh khí cầu do thám. Thật vậy, cuộc tấn công này đi sâu vào tận xương tủy, và sau đó xuống còn sâu hơn nữa: Đến vật chất [dữ liệu] di truyền của người Mỹ.
Dữ liệu lâm sàng và di truyền của công dân Mỹ mà các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc thu được thông qua quan hệ đối tác với các tổ chức của Mỹ gây ra rủi ro an ninh quốc gia, theo một cơ quan phản gián hàng đầu của Mỹ cảnh báo vào năm 2019.
Theo các báo cáo của Quốc hội Mỹ, việc thu thập DNA người Mỹ hàng loạt, do các công ty như công ty giải trình tự bộ gen BGI thực hiện, có thể được sử dụng theo vô số cách để chống lại Mỹ.
Các cách thức này bao gồm việc cho phép ĐCSTQ tống tiền các cá nhân với lời đe dọa sẽ tiết lộ thông tin y tế đáng xấu hổ của họ, hoặc thậm chí sử dụng dữ liệu về tình trạng sức khỏe như các bệnh dị ứng để tiến hành các cuộc tấn công sinh học nhằm vào các nhà ngoại giao, chính trị gia, quan chức cấp cao của liên bang, hoặc các nhà lãnh đạo quân đội.
Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng ĐCSTQ có thể sử dụng lượng thông tin di truyền phong phú này để tạo ra vũ khí sinh học nhằm vào một số nhóm người nhất định.
Điều quan trọng là, mặc dù BGI là một công ty tư nhân, nhưng họ có mối quan hệ nhất định với ĐCSTQ. Tháng 1/2018, Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng Đỗ Ngọc Đào, Bí thư đảng ủy của BGI, đã nói về tầm quan trọng của việc học hỏi và thực hiện “tinh thần đằng sau Đại hội toàn quốc lần thứ 19”. Đại hội toàn quốc (Đại hội đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc) là một cuộc họp của ĐCSTQ được tổ chức 5 năm 1 lần.
BGI duy trì mối quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ, và các nhà khoa học của họ đã bày tỏ sự quan tâm đến nỗ lực phát triển vũ khí sinh hóa của chính quyền này. Các chuyên gia cho rằng, điều này có thể cho thấy liên kết giữa nỗ lực của BGI trong việc thu thập vật liệu di truyền của người dân các nước như Mỹ, với lợi ích đen tối trong việc phát triển vũ khí để chống lại người Mỹ.
Nghiên cứu Hạt nhân và Siêu thanh
Ngoài những nỗ lực tích cực để do thám thông tin về Mỹ, ĐCSTQ còn sử dụng các chương trình nhân tài do nhà nước tài trợ để tạo cho mình lợi thế lâu dài trong các nghiên cứu quan trọng.
Bằng cách tuyển dụng các chuyên gia và học giả từ nước ngoài sang học tập tại nơi làm việc ở Trung Quốc, các chương trình nhân tài này nhằm mục đích phát triển một thế hệ các nhà nghiên cứu mới trong các lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển công nghệ và quân sự của Trung Quốc.
Trường hợp đáng chú ý nhất về hiện tượng này liên quan đến Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (LANL) — trung tâm nghiên cứu hạt nhân tiên tiến nhất của Mỹ.
Theo một báo cáo, cho đến nay, đã có ít nhất 162 nhà nghiên cứu từ LANL — trong đó ít nhất 1 người đã có quyền truy cập thông tin an ninh tối mật ở Mỹ — hiện đang làm việc cho Trung Quốc, nơi nhiều người trong số họ hiện đang hỗ trợ chính quyền này phát triển vũ khí tiên tiến nhất, bao gồm cả tên lửa siêu thanh.
Nhiều nhà nghiên cứu làm việc tại LANL, vốn đã đến Mỹ để được đào tạo và làm việc trong các lĩnh vực quan trọng đối với an ninh quốc gia, đã tham gia vào các chương trình nhân tài của ĐCSTQ. Chẳng hạn, ít nhất 59 người trong số những người làm việc tại LANL và sau đó quay trở lại Trung Quốc để nghiên cứu là thuộc “Chương trình Nghìn Nhân tài” của chính quyền Trung Quốc, hoặc thuộc “Chương trình Nghìn Nhân tài Trẻ tuổi”.
Báo cáo nói rằng, “các chương trình nhân tài [của Trung Quốc] là mạng lưới tuyển dụng ngày càng mở rộng”, mà qua đó chính quyền này liên tục đoạt lấy kiến thức từ Mỹ.
Chiến lược mua đất nông nghiệp
Các công ty Trung Quốc có liên hệ với ĐCSTQ cũng đang mua các lô đất chiến lược ở Mỹ, điều này làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền này có thể tiến hành hoạt động gián điệp hoặc phá hoại các lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.
Trong những năm gần đây, việc người Trung Quốc mua đất ở Texas và North Dakota — đều nằm gần các căn cứ quân sự Mỹ — đã gây báo động cho người dân địa phương và các nhà hoạch định chính sách chính phủ tiểu bang và liên bang.
Chẳng hạn, một tỷ phú Trung Quốc đã mua 140.000 mẫu (hơn 56.650 hecta) đất ở Texas. Tỷ phú này là Tôn Quảng Tín — có mối quan hệ rộng rãi với ĐCSTQ và được cho là đã tuyển dụng nhiều quan chức chính phủ và quân đội.
Theo Hiệp hội Môi giới Địa ốc Quốc gia của Mỹ, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua 6,1 tỷ USD bất động sản Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, khiến quốc gia này trở thành người mua nước ngoài lớn nhất tính theo số tiền đã chi.
Một dự án nhà máy ngô gây tranh cãi của Trung Quốc ở Grand Forks, North Dakota, trên một vùng đất trong vòng 15 dặm từ Căn cứ Không quân Mỹ — nơi chứa máy bay không người lái, vệ tinh, và công nghệ giám sát nhạy cảm — hiện sắp bị dừng hoạt động sau các cảnh báo của Không quân Mỹ rằng, dự án đặt ra “một mối đe dọa to lớn đối với an ninh quốc gia”.
Nhiều quan chức Mỹ cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về quyền sở hữu của Trung Quốc đối với đất nông nghiệp Mỹ. Do đó, một số bang đang xây dựng luật để cấm hoặc hạn chế các thực thể Trung Quốc mua đất nông nghiệp và doanh nghiệp của Mỹ. Trong số những bang này bao gồm South Dakota, Florida, Texas, Virginia, Missouri, và Iowa.
T.P