Từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp thông báo chậm thanh toán trái phiếu đến hạn, gặp gỡ trái chủ đàm phán phương án bán tài sản trả nợ. Tình cảnh này dự báo còn gia tăng, bởi năm 2023-2024 là thời kỳ đỉnh nợ.
Chật vật trả nợ trái phiếu đến hạn
Cuối tuần qua, Công ty cổ phần Angimex tổ chức Hội nghị chủ sở hữu trái phiếu để thông báo với trái chủ kế hoạch bán tài sản, trả nợ trái phiếu. Trước đó, Công ty cho biết, đã mất khả năng thanh toán với 2 lô trái phiếu có giá trị lần lượt là 350 tỷ đồng, 300 tỷ đồng và dự kiến xử lý một số tài sản bảo đảm, tài sản không dùng, các kho đang dừng hoạt động… để trả nợ.
Cũng trong tuần qua, Công ty cổ phần Lâu đài trắng (Vũng Tàu) công bố thông tin về chậm thanh toán lô trái phiếu (theo kế hoạch là thanh toán ngày 5/1/2023) và lùi sang ngày 28/2/2023. Lý do là thị trường không tích cực, chưa thu xếp được nguồn vốn theo kế hoạch.
Trước đó, trong tháng 1/2023, hàng loạt doanh nghiệp không thể trả nợ các lô trái phiếu đến kỳ đáo hạn, phải “khất nợ” với nhà đầu tư, lùi thời điểm thanh toán.
Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải thanh toán khoản trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư vào ngày 30/12/2022 (gốc và lãi hơn 180 tỷ đồng), song không thể trả nợ đúng hạn cho nhà đầu tư. Công ty cho biết, đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn và kéo dài thời gian trả gốc, lãi, thời điểm thanh toán chưa được Công ty công bố.
Lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho hay, nguyên nhân khiến Công ty chậm thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư là tình hình sản xuất – kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt…, nên dòng tiền còn hạn chế.
Cũng trong tháng 1/2023, Công ty cổ phần Hưng Thịnh INCONS thông bố về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu HTNBH2122002 đáo hạn vào ngày 31/12/2022. Lô trái phiếu này có giá trị phát hành 300 tỷ đồng, Công ty mới thanh toán được tiền lãi và 90 tỷ đồng tiền gốc, hiện vẫn còn nợ nhà đầu tư 210 tỷ đồng nợ gốc.
Thay vì thanh toán đúng hạn vào ngày 3/1/2023, Hưng Thịnh INCONS đã “khất” nhà đầu tư trả một nửa tiền gốc đầu tháng 3/2023 và nửa còn lại cuối tháng 3. Nguyên nhân được Công ty đưa ra là tín dụng bị thắt chặt, các thị trường vốn khác (chứng khoán, trái phiếu) không tích cực, các chủ đầu tư không thu xếp kịp nguồn để thanh toán cho Công ty khiến nguồn tiền bị ảnh hưởng.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào hơn 119.000 tỷ đồng. Trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu là rất lớn, thì trái phiếu phát hành mới vẫn đóng băng (không có lô trái phiếu doanh nghiệp nào được phát hành trong 3 tuần đầu tháng 1/2023). Thêm vào đó, thị trường bất động sản các kênh huy động vốn (chứng khoán, tín dụng, huy động vốn từ người mua nhà…) đều khó khăn khiến doanh nghiệp phát hành khó tìm nguồn vốn đảo nợ.
Các chuyên gia của FiinRatings nhìn nhận, khó khăn thanh khoản sẽ tiếp diễn trong năm nay. Ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, lần lượt ở mức 157.970 và 341.270 tỷ đồng. “Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu”, FiinGroup nhận định.
Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi theo thống kê, 80% trái phiếu bất động sản phát hành trên thị trường là của doanh nghiệp chưa niêm yết với năng lực tài chính yếu, đòn bẩy tài chính cao. Báo cáo tài chính quý IV/2022 của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết cũng cho thấy dòng tiền yếu đi rõ rệt, tồn kho tăng, vay nợ tăng.
Thêm thời gian cho doanh nghiệp xoay xở dòng tiền
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định, tình trạng chậm trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp còn tiếp diễn bởi khối lượng trái phiếu đáo hạn năm nay là rất lớn. Dù nhiều doanh nghiệp nỗ lực bán tài sản để thanh toán nợ cho trái chủ và đàm phán gia hạn kỳ hạn trả nợ, song với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, việc bán tài sản cũng không dễ.
Dự kiến trong tuần này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Động thái này của Chính phủ được nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng. Năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành siết chặt các điều kiện về nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm, minh bạch thông tin… Dự thảo sửa đổi sẽ “ân hạn” một loạt quy định khắt khe, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian giãn nợ trái phiếu.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, hiện nhiều doanh nghiệp phát hành kẹt vốn trong các dự án bất động sản dang dở, không có vốn để tiếp tục triển khai, sản phẩm chưa có để bán thu hồi vốn trả nợ. Chính vì vậy, sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ giúp doanh nghiệp phát hành có thêm thời gian xoay xở dòng tiền.
Mặc dù vậy, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi cũng chỉ được coi là giải pháp gỡ khó tạm thời cho doanh nghiệp trong việc gia hạn nợ, đảo nợ. Về lâu dài, thị trường cần thêm thời gian để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, cũng như để doanh nghiệp phát hành và các tổ chức trung gian chuyên nghiệp hơn.
Các chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VCBS dự báo, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 tiếp tục thu hẹp, trầm lắng và thanh khoản thấp. Năm nay lượng trái phiếu đáo hạn lớn, trong khi khả năng phát hành mới, phát hành tái cơ cấu bị hạn chế đáng kể với Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn cũng tiếp tục làm giảm quy mô chung của thị trường. Năm 2023 là thời điểm đẩy mạnh các hoạt động tái cấu trúc trái phiếu sắp tới hạn. Chưa kể, hoạt động thanh tra, giám sát doanh nghiệp phát hành trái phiếu năm 2023 cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động phát hành, chào bán trái phiếu doanh nghiệp.
Hiện phần lớn trái phiếu trên thị trường đang được phát hành với thời gian đáo hạn từ 3,5 năm trở xuống, cho thấy nhu cầu vay vốn để tái cấp vốn của ngành là rất lớn. Các doanh nghiệp sẽ buộc phải dựa vào dòng tiền hiện có, hoặc tiếp cận các nguồn vay bên ngoài rủi ro hơn.
Để trả nợ trái phiếu trong điều kiện thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán với trái chủ gia hạn trái phiếu, chuyển trái phiếu thành gói vay với lãi suất mới, trả nợ bằng bất động sản, bán tài sản để trả nợ…
Mặc dù vậy, các chuyên gia FiinGroup cho rằng, ngay cả khi đạt được thỏa thuận với các trái chủ về việc giãn nợ hoặc hoán đổi trái phiếu sang bất động sản, doanh nghiệp vẫn chỉ có thể duy trì thanh khoản trong khoảng thời gian ngắn, bởi ngoài trả nợ cho trái chủ, doanh nghiệp còn phải trả nợ vay ngân hàng, trả nợ đối tác…
Tuy Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi sẽ phần nào làm giảm áp lực đáo hạn trái phiếu cho doanh nghiệp, song việc tháo nghẽn thanh khoản dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, đặc biệt dòng chảy tín dụng.
Hội nghị Tín dụng bất động sản được Chính phủ tổ chức tuần này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, cởi bỏ tâm lý lo lắng của thị trường. Hai cánh cửa trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng cùng lúc được tháo gỡ giúp doanh nghiệp bất động sản có cơ hội vực dậy.
T.P