Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNước cờ đối ngoại của chính quyền mới Philippines trước căng thẳng...

Nước cờ đối ngoại của chính quyền mới Philippines trước căng thẳng khu vực

Bài trả lời phỏng vấn của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. với tờ Nikkei Asia cũng như những gì ông thỏa thuận trong chuyến công du Nhật Bản đã xác tín rõ ràng hơn về cách thức đối ngoại của chính quyền mới ở Manila.

Tối 12.2, tờ Nikkei Asia đăng bài trả lời phỏng vấn độc quyền ông Marcos Jr – người trở thành Tổng thống Philippines hồi tháng 6.2022.


Nhấn mạnh lợi ích liên quan Đài Loan

Bài phỏng vấn được thực hiện cùng ngày 12.2 – đây cũng là ngày Tổng thống Marcos Jr. rời Nhật Bản sau chuyến công du đến nước này trong 5 ngày.

Nổi bật trong bài trả lời phỏng vấn của Tổng thống Marcos Jr. là vấn đề Đài Loan. Cụ thể, tờ Nikkei Asia dẫn lời ông: “Xem xét tình hình trong khu vực, đặc biệt là căng thẳng ở eo biển Đài Loan, chúng ta có thể thấy rằng, chỉ cần xét đến vị trí địa lý của Philippines thì cũng đã thật khó để hình dung ra tình huống mà Philippines không bị liên đới nếu xung đột nổ ra ở eo biển Đài Loan”. “Chúng tôi sẽ bị lôi vào cuộc xung đột vì bất kỳ ai, bên nào hành động”, Tổng thống Philippines nhấn mạnh.
Chủ nhân Cung điện Malacañan khẳng định chính sách đối ngoại của Philippines cam kết hòa bình và theo định hướng lợi ích quốc gia. “Vì vậy, chúng tôi phải xem điều gì là tốt cho Philippines,” ông nói.


Làm tất cả để “bảo vệ chủ quyền”

Tuần qua, khi công du Nhật Bản, Tổng thống Marcos Jr. cùng Thủ tướng chủ nhà Fumio Kishida đã ký thỏa thuận quân sự cho phép quân đội Nhật Bản tiếp cận nhiều hơn với lãnh thổ Philippines. Không dừng lại ở đó, trả lời Nikkei Asia, chủ nhân Cung điện Malacañan thừa nhận: “Một thỏa thuận về lực lượng thăm viếng chắc chắn đang được nghiên cứu và đã có một đề xuất cho một số khu vực nhất định”. Từ tháng 4.2022, Tokyo và Manila đã đồng ý xem xét các khuôn khổ để ký kết thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA) và thỏa thuận Thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA). Đây là những thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hợp tác quân sự song phương, giúp lực lượng hai bên dễ dàng tiếp cận cơ sở của nhau cũng như chia sẻ các nguồn lực hậu cần.

Bên cạnh đó, ngày 2.2, Mỹ và Philippines công bố thỏa thuận cho phép binh sĩ Mỹ có thể sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines. Đây là Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mở rộng được hai bên công bố. Washington cũng trấn an Manila rằng Biển Đông nằm trong phạm vi điều chỉnh của hiệp ước phòng thủ chung giữa hai bên được ký vào năm 1951 và bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các tàu hoặc máy bay của Philippines sẽ khiến Washington đáp trả.

Các động thái trên của Manila diễn ra sau khi Tổng thống Marcos Jr. hồi tháng 1 đã có chuyến công du Bắc Kinh và hội đàm với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc gặp, hai bên đưa ra tuyên bố chung mà trong đó nêu: “trao đổi quan điểm sâu sắc và thẳng thắn về tình hình ở Biển Đông”.

Trong khi đó, liên quan vấn đề Biển Đông, trong bài trả lời độc quyền Nikkei Asia ngày 12.2, Tổng thống Marcos Jr. khẳng định “bảo vệ lãnh hải” của Philippines ở Biển Đông là trọng tâm trong nỗ lực tăng cường các thỏa thuận an ninh với Mỹ và Nhật Bản. Ông nhấn mạnh Philippines muốn ngư dân nước này có thể đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống của họ.

Nói về các thỏa thuận quân sự với Mỹ và Nhật, chủ nhân Cung điện Malacañan tuyên bố: “Chúng tôi không muốn khiêu khích, nhưng… chúng tôi cảm thấy rằng các hợp tác sẽ giúp đảm bảo tuyến hàng hải an toàn ở Biển Đông. Và hơn nữa, chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để bảo vệ chủ quyền trên biển của chúng tôi”.

Trả lời Thanh Niên mới đây, TS Chester B.Cabalza (Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu Phát triển quốc tế và hợp tác an ninh, Philippines) nhận định: “Chuyến thăm của Tổng thống Marcos Jr. tới Nhật được coi là chuyến thăm then chốt trong bối cảnh căng thẳng tại chuỗi đảo thứ nhất có cả Nhật Bản, Đài Loan và Philippines”.

Chuỗi đảo thứ nhất nằm trong chiến lược 3 chuỗi đảo vốn do Mỹ xây dựng nhằm vây xung quanh Trung Quốc và Liên Xô. Trong đó, chuỗi đảo thứ nhất bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishim, kết thúc ở Borneo và phần phía bắc của Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới