Luật sư Nguyễn Chiến, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng, xảy ra nhiều vi phạm về quản lý đất đai do quy định còn nhiều khe hở, nặng xin – cho.
Ông Chiến nói rằng, Luật Đất đai hiện hành ở thời điểm những năm đầu tiên sửa đổi đã đáp ứng được nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của kinh tế-xã hội, thị trường bất động sản, đầu tư công vấn đề xử lý tài sản công, dẫn đến các luật hiện hành chưa đáp ứng được, còn có nhiều lỗ hổng, kẽ hở. Do đó bị lợi dụng và gây ra nhiều bất bình đẳng về quyền lợi của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai.
“Theo đánh giá của tôi, những năm vừa qua, tình trạng vi phạm về quản lý đất đai thực sự nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Hàng nghìn dự án “treo” gây lãng phí tài nguyên; nhiều doanh nghiệp và quan chức bắt tay nhau trục lợi thông qua những dự án về đất đai, thông qua những biến động về thị trường đã tạo ra những hệ lụy rất xấu và nghiêm trọng cho xã hội. Tỷ lệ khiếu kiện về đất đai luôn ở mức cao nhất so với các lĩnh vực khác”, ông nói.
Theo ông, những khe hở lớn nhất của pháp luật đất đai đang bị trục lợi là gì?
Luật Đất đai có hình thức giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Việc giao đất, cho thuê đất và ngay cả đấu giá đất nếu không kiểm soát tốt rất dễ dẫn đến tình trạng xin-cho. Tiêu cực phát sinh từ đây. Không phải ai cũng xin được, không dễ dàng mà xin được. Đất đai đã trở thành món lợi rất lớn trong tay nhiều quan chức, các nhóm lợi ích.
Vừa qua, hàng loạt vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất. Việc đấu giá quyền sử dụng đất tạo thành những cái bắt tay với nhau, “quân xanh quân đỏ” rồi nâng giá, đội giá… để lũng đoạn thị trường. Ví dụ như vụ Tân Hoàng Minh đấu giá đất Thủ Thiêm, vụ đấu giá đất tại Đông Anh, Hà Nội. Rồi đến đấu thầu quyền sử dụng đất. Đấu thầu liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác nhưng có những quy định phối hợp chưa được chặt chẽ ở Luật Đấu thầu với Luật Đất đai dẫn đến tạo ra “sân sau”, tạo ra “quân xanh quân đỏ”, thành ra mới có tình trạng một số nơi cứ đấu thầu là trúng. Vấn đề đền bù giá đất, quy định giá đất theo khung UBND tỉnh ban hành. Tuy nhiên, khung giá đất bị lạc hậu, chênh lệch lớn với giá thị trường, không đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đã xảy ra nhiều vụ bắt tay giữa cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan chức năng thu hồi đất, trong khi đó lại không công khai, minh bạch về giá đất, đền bù tái định cư, kiểm đếm tài sản trên đất và những diện tích đất bị thu hồi dẫn đến người dân bức xúc, khiếu kiện vì quyền lợi bị thiệt thòi. Quỹ đất là tài nguyên rất quan trọng, rất đặc biệt của quốc gia, nhưng không được quản lý khoa học, chặt chẽ.
Điểm mới được quan tâm của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là tính giá đất theo thị trường. Điều này có ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai, theo ông?
Nghị quyết 18 đã tổng kết rất rõ những nguyên nhân bất cập của Luật Đất đai, những hệ lụy cho xã hội và đặc biệt là những vấn đề tham nhũng về đất đai. Nghị quyết 18 yêu cầu sửa Luật Đất đai lần này phải chú trọng đến việc bỏ khung giá đất và đền bù, thu hồi đất theo cơ chế thị trường. Vấn đề tính toán giá thị trường như thế nào thì các chuyên gia, các cơ quan chức năng chuyên môn phải sớm làm rõ. Nguyên tắc tính toán này nhiều quốc gia đã áp dụng.
Tại Hội nghị “Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học” diễn ra chiều 21/2 do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo luật quan trọng bậc nhất điều chỉnh các quan hệ trực tiếp liên quan đến đời sống người dân, là nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho lợi ích quốc gia, phục vụ cho phát triển đất nước. “Điều đó cũng có nghĩa là phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; đặc biệt là ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân”, ông Lý nói.
Ông Lý đề nghị ban soạn thảo xem xét một số nội dung còn chưa chặt chẽ, như vấn đề tài chính, giá đất quy định tại chương XI. Theo ông, đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay. Vì thế, dự thảo luật cần phải có cơ chế tính giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương V, khóa XIII.
Cần chú trọng việc đấu thầu quyền sử dụng đất với những dự án lớn. Quyền lợi của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của Nhà nước phải hài hòa và khi thu hồi đất thì bảo đảm quyền lợi của người dân. Nghị quyết 18 cũng yêu cầu phải công khai tất cả thông tin giá và đền bù cho người dân. Thứ hai nữa là đối với những trường hợp phải đền bù đất cho người dân tái định cư, phải tìm được chỗ tái định cư đảm bảo cuộc sống cho người dân thì mới được thu hồi.
Cơ chế xin-cho vừa tạo ra tham nhũng, vừa gây ra tình trạng lãng phí khi rất nhiều dự án bỏ hoang cỏ mọc kéo dài. Cũng vì xin-cho nên việc xử lý thu hồi đất đai cũng rất chậm, thậm chí là kiểu “giơ cao đánh khẽ”, rất hình thức. Nhiều doanh nghiệp năng lực quá yếu, không triển khai được dự án vẫn được giao đất, lập dự án. Thiệt hại cho Nhà nước rất lớn từ các dự án bỏ hoang này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu kiểm soát được mỗi người có bao nhiêu nhà đất sẽ góp phần hiệu quả ngăn chặn tham nhũng. Ông nghĩ sao?
Đây là ý kiến rất hay. Công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai đặc biệt quan trọng. Tham nhũng, tiêu cực cũng có nguyên nhân từ tình trạng mù mờ thông tin, thiếu công khai. Công khai cũng là cách để người dân, cử tri có thể giám sát, phát hiện những dấu hiệu bất thường, những vi phạm. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu này lại rất chậm, nói nhiều mà vẫn chưa thấy kết quả như kỳ vọng.
T.P