Việc vận chuyển nhiên liệu hạt nhân uranium của Nga tới một lò phản ứng mới của Trung Quốc đang khiến Mỹ lo ngại về khả năng sản xuất plutonium cấp độ vũ khí.
Hình chụp vệ tinh khu vực đảo Chiangbao có lò phản ứng neutron nhanh CFR-600 – Ảnh: GOOGLE MAP
Hình chụp vệ tinh khu vực đảo Chiangbao có lò phản ứng neutron nhanh CFR-600 – Ảnh: GOOGLE MAP
Vào tháng 12 năm ngoái, khi các nhà ngoại giao Trung Quốc và Mỹ đàm phán để giảm căng thẳng quân sự, Nga đã chuyển một lượng lớn nhiên liệu hạt nhân đến đảo Changbiao (Trường Biểu) chỉ cách bờ biển Đài Loan 220km, theo Hãng tin Bloomberg.
Trung Quốc ngừng báo cáo về dự trữ plutonium
Lò phản ứng neutron nhanh (CFR-600) của Trung Quốc trên đảo Trường Biểu là một trong những cơ sở hạt nhân được giám sát chặt chẽ nhất trên thế giới.
Các quan chức tình báo Mỹ dự báo khi bắt đầu hoạt động trong năm 2023, CFR-600 sẽ sản xuất plutonium cấp độ vũ khí có thể giúp Bắc Kinh tăng kho dự trữ đầu đạn lên gấp 4 lần trong 12 năm tới. Điều đó sẽ cho phép Trung Quốc sánh ngang với các kho vũ khí hạt nhân hiện được Mỹ và Nga sở hữu.
Ông Pavel Podvig, một nhà phân tích hạt nhân của Viện Nghiên cứu giải trừ quân bị của Liên Hiệp Quốc, cho biết: “Hoàn toàn có khả năng đây là chương trình dân sự. Nhưng một điều khiến tôi lo lắng là Trung Quốc đã ngừng báo cáo về các kho dự trữ plutonium dân sự của họ. Nó không phải là một khẩu súng bốc khói, nhưng nó chắc chắn không phải là một dấu hiệu tốt”.
Khả năng phát triển vũ khí nguyên tử của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Nga tạm đình chỉ hiệp ước New START với Mỹ. Một trong những mục tiêu của hiệp ước này là hạn chế các kho dự trữ chiến lược hạt nhân của hai nước.
Bà Hanna Notte, một chuyên gia kiểm soát vũ khí người Đức, cho biết Trung Quốc đang hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Nga. “Rủi ro đối với Bắc Kinh là Mỹ có thể mở rộng kho dự trữ của mình để đáp trả việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, cũng như việc Điện Kremlin bãi bỏ các hiệp ước kiểm soát vũ khí” – bà Notte nêu.
Các nhà hoạch định quân sự đánh giá CFR-600 sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng kho dự trữ đầu đạn của Trung Quốc lên 1.500 vào năm 2035 từ con số ước tính 400 hiện nay.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết vào ngày 12-12-2022, Tập đoàn Rosatom của Nga cung cấp 6.477kg uranium cho Trung Quốc.
Trung Quốc bác bỏ lo ngại của Mỹ và cho biết họ “thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân” và tự nguyện nộp “một phần hoạt động hạt nhân dân sự” cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tan Kefei cho biết, trong một cuộc họp báo ngày 23-2 rằng Mỹ liên tục thổi phồng “mối đe dọa hạt nhân của Trung Quốc”, như một cái cớ để mở rộng kho vũ khí chiến lược của riêng mình.
Các cuộc phản đối của Mỹ đã không ngăn cản được Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc nhận nhiên liệu từ Rosatom cho lò phản ứng CFR-600, theo Bloomberg.
Ông Frank von Hippel, một nhà vật lý và cựu cố vấn Nhà Trắng đang làm việc tại Đại học Princeton, Mỹ, cho rằng CFR-600 có thể sản xuất tới 50 đầu đạn mỗi năm sau khi nó được đưa vào hoạt động.
CFR-600 là một phần trong chương trình đầy tham vọng trị giá 440 tỉ USD của Trung Quốc nhằm vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp năng lượng hạt nhân hàng đầu thế giới vào giữa thập kỷ tới.
Mối quan hệ đối tác hạt nhân ngày càng mở rộng giữa Nga và Trung Quốc đang có tác động rất lớn đến các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Từ tháng 9 đến tháng 12 năm ngoái, dữ liệu của Viện RUSI của Anh cho thấy Nga đã xuất khẩu lượng uranium được làm giàu cao sang Trung Quốc để sản xuất CFR-600, nhiều gấp gần 7 lần so với tất cả nguyên liệu được loại bỏ trên toàn thế giới dưới sự bảo trợ của Mỹ và IAEA trong 3 thập kỷ qua.
Trung Quốc cũng đang xây dựng một nhà máy trên sa mạc ở tỉnh Cam Túc, được thiết kế để chiết xuất plutonium từ nhiên liệu đã qua sử dụng của CFR-600. Quá trình xây dựng nhà máy này dự kiến hoàn thành trong hai năm.