Sunday, December 22, 2024
Trang chủQuân sựHệ lụy của việc TQ tăng chi phí quốc phòng đối với...

Hệ lụy của việc TQ tăng chi phí quốc phòng đối với Biển Đông và an ninh khu vực

Ngày 5/3/2023, tại kỳ họp Quốc hội, Trung Quốc đã công bố dự thảo ngân sách cho năm 2023, theo đó ngân sách quốc phòng năm nay của nước này sẽ tăng lên 1.553 tỷ Nhân dân tệ (224,79 tỷ USD), tăng 7,2% trong khi đó Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) khoảng 5% cho năm 2023 – mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tốc độ tăng trưởng ngân sách quốc phòng Trung Quốc  trong mấy năm gần đây lần lượt là 6,6% vào năm 2020; 6,8% vào năm 2021; 7,1% vào năm 2022 và mức tăng năm nay là cao nhất.

Trong Báo cáo Công tác Chính phủ đọc tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) khóa XIV của Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường chỉ ra rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cần “tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và tăng cường năng lực quân sự”. Lý Khắc Cường nhấn mạnh: “Các lực lượng vũ trang nên tăng cường huấn luyện quân sự và chuẩn bị sẵn sàng, phát triển chỉ đạo chiến lược quân sự mới, dành nhiều ưu tiên hơn cho huấn luyện trong các điều kiện chiến đấu và nỗ lực phối hợp tốt để tăng cường công tác quân sự trên mọi hướng và mọi lĩnh vực”. Ông Lý cũng nhắc đến những bất ổn từ môi trường bên ngoài và nói rằng những nỗ lực nhằm “đàn áp và kiềm chế Trung Quốc” đang leo thang.

Trung Quốc đang nỗ lực đạt được các mục tiêu 100 năm của PLA vào năm 2027, về cơ bản hiện đại hóa quốc phòng và lực lượng vũ trang vào năm 2035, đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang thành lực lượng đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ 21. Một chuyên gia quân sự giấu tên ở Bắc Kinh cho rằng để đáp ứng lộ trình này, Trung Quốc cần tăng dần chi tiêu quốc phòng trong nhiều năm song song với tăng trưởng kinh tế của đất nước. Hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc bao gồm chủ yếu là phát triển và mua sắm vũ khí cùng trang thiết bị mới, duy trì mức độ cao các cuộc tập trận định hướng chiến đấu thực tế của quân đội, cũng như cải thiện phúc lợi cho quân nhân.

Điểm đáng chú ý được giới quan sát chỉ ra là mức tăng chi phí quốc phòng năm nay của Trung Quốc tăng gần gấp rưỡi mức tăng trưởng GDP mà Bắc Kinh đề ra. Qua đây có thể thấy quyết tâm của giới lãnh đạo Bắc Kinh trong việc nâng cấp quân đội nước này, nhất là lực lượng hải quân bất chấp những khó khăn về kinh tế mà nước này đang phải gặp phải sau thời đại dịch Covid-19. Điều này có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực, đặt Biển Đông và cả khu vực trước những thách thức an ninh mới.

Nhằm bao biện cho việc tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, ông Vương Siêu – Người phát ngôn của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, đã phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 4/3: “Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tính theo tỷ trọng GDP cơ bản ổn định trong nhiều năm, thấp hơn mức trung bình của thế giới và mức tăng này là phù hợp và hợp lý”.

Tuy nhiên các chuyên gia phân tích quân sự đã chỉ ra một số lý do Trung Quốc tăng chi phí quốc phòng gồm:

Thứ nhất, trong năm 2023, PLA dự kiến sẽ phiên chế các máy bay chiến đấu tiên tiến hơn bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và máy bay chiến đấu đa năng J-16 thay thế các máy bay chiến đấu J-7 cũ sẽ ngừng hoạt động; Bắc Kinh sẽ tiến hành thử nghiệm trên biển cho tàu sân bay thứ 3 – hàng không mẫu hạm Phúc Kiến được trang bị các máy phóng điện từ; PLA dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tập trận định hướng chiến đấu thực tế hơn, tiêu tốn một lượng lớn nhiên liệu và đạn thật đắt tiền. Chi phí quốc phòng tăng là để phục vụ những chương trình hiện đại hóa quân sự này của Bắc Kinh.

Giáo sư nghiên cứu quốc tế Rajeev Ranjan Chaturvedy, làm việc tại Đại học Nalanda của Ấn Độ, đồng tình với nhận định môi trường an ninh khu vực rất bất ổn, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoàng Ukraine kéo dài: “Tình hình địa chính trị và địa kinh tế thay đổi khiến vùng biển Đông Nam và Đông Á nóng lên”. Việc tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ giúp nước này thực hiện các kế hoạch hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là xây dựng lực lượng hải quân và các năng lực kỹ thuật khác.

Thứ hai, Trung Quốc muốn tranh thủ bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp để tăng cường sức mạnh quân sự nhằm giành ưu thế, trong đó có việc “thể hiện” sức mạnh ở khu vực Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan.

Thứ ba, Phó giáo sư Alfred Wu, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng việc Trung Quốc phân bổ ngân sách lớn hơn cho lĩnh vực quân sự không chỉ do các điều kiện bên ngoài mà còn vì các lý do nội bộ. Ông Alfred Wu nhận định các lực lượng vũ trang của Trung Quốc cần được củng cố để duy trì “sự ổn định của chế độ”, bởi chế độ có thể triển khai quân đội để dập tắt các cuộc biểu tình trong nước.

Dù việc tăng ngân sách nằm trong dự đoán của các nhà phân tích, song điều đáng nói là, việc tăng này diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn và kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và có sức mạnh quân sự vượt trội so với các nước láng giềng và ngày càng trở nên hung hăng trong các hành động trên biển nên việc Trung Quốc liên tục gia tăng chi phí quốc phòng sẽ tạo ra mối lo ngại với các nước láng giềng, nhất là các nước ven Biển Đông. Ông Chaturvedy, Giáo sư Đại học Nalanda của Ấn Độ bình luận rằng các nước láng giềng của Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ kế hoạch mở rộng quân sự của nước này và lo ngại về vị thế quân sự ngày càng tăng cũng như việc họ đơn phương sử dụng vũ lực.

Ngoài việc tăng chi phí quốc phòng, tại Kỳ họp Quốc hội lần này Trung Quốc đã thông báo bổ sung đáng kể ngân sách tăng cho “các nỗ lực ngoại giao”. Đây là nguồn ngân sách phục vụ cho những nỗ lực xâm nhập sâu vào nội bộ, kể cả mua chuộc các nước láng giềng và được nhiều học giả gọi là “nguồn kinh phí gián tiếp phục vụ cho công tác quốc phòng của Bắc Kinh”. Mặt khác, giới phân tích cho rằng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều so với con số được công bố hôm 5/3, đây mới thực sự là điều đáng lo ngại nhất. Việc tăng chi phí quân sự của Trung Quốc sẽ tập trung vào phát triển lực lượng hải quân, tạo những hệ lụy xấu đối với Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan: 

Một là, việc tăng mạnh ngân sách quốc phòng, tập trung vào lực lượng hải quân sẽ đe dọa trực tiếp an ninh trên Biển Đông và trong khu vực; các nước láng giềng ven Biển Đông và trong khu vực phải đối mặt với những thách thức mới từ sức mạnh của hải quân và quân đội Trung Quốc. Nguồn kinh phí tăng cho quốc phóng của Trung Quốc chắc chắn sẽ được sử dụng vào việc tăng cường hơn nữa quân sự hóa Biển Đông, bao gồm việc bố trí các tàu chiến, máy bay, tên lửa tới các thực thể mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Biển Đông hay việc tăng cường diễn tập quân sự ở Biển Đông đe dọa an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Hai là, việc tăng chi phí quốc phòng của Trung Quốc sẽ kéo theo cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Với thực lực quốc phòng còn hạn chế, các nước ven Biển Đông sẽ phải tăng cường ngân sách quốc phòng để mua sắm vũ khí, máy bay, tàu chiến, củng cố lực lượng bảo vệ bờ biển để đối phó với những thách thức từ việc tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc. Ngay sau khi Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng cho năm 2023, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan hôm 6/3 đã cảnh báo các quốc gia khu vực sẽ “chi tiêu mạnh tay hơn” cho lĩnh vực quốc phòng trong thời gian tới khi nói rằng: “Bảy, tám thập kỷ qua với nền hòa bình được hưởng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã khép lại, và chúng ta sẽ thấy chi tiêu quốc phòng tăng lên theo đúng nghĩa đen trên toàn thế giới”.

Ba là, cùng với việc tăng chi phí quốc phòng, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, đồng thời gia tăng sự hung hăng, bắt nạt, cưỡng ép các nước láng giềng ở Biển Đông khiến các nước ngoài khu vực do Mỹ dẫn đầu sẽ tăng cường can dự vào Biển Đông, khiến cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung ở Biển Đông gay gắt hơn và tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, có thể đặt các nước trong khu vực phải “chọn bên”, đây là điều mà không một quốc gia khu vực nào mong muốn. Tóm lại, việc tăng chi phí quân sự của Trung Quốc đe dọa an ninh Biển Đông và khu vực, khiến các nước trong khu vực lo ngại.

RELATED ARTICLES

Tin mới