Các chuyên gia quốc tế vừa đưa ra dự báo GDP Việt Nam năm 2023 đạt mức 7,2% và 6,7% trong năm 2024. Đây là con số lạc quan nhất trong các dự báo từ các tổ chức và chuyên gia nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam. Con số 7,2% thậm chí còn cao hơn cả mục tiêu Quốc hội đã đặt ra chỉ 6,5%.
Vậy căn cứ nào khiến chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered lạc quan đến vậy? Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Năm 2022, thế giới đối mặt trước nhiều bất ổn ví dụ như xung đột Nga – Ukraina, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, năm nay sẽ cần thận trọng hơn. Năm 2022, NHNN tập trung chủ yếu vào việc duy trì sự ổn định nhưng năm nay là thời điểm NHNN sẽ chuyển sang trạng thái thúc đẩy phát triển kinh tế. Đó là lý do vì sao chúng tôi có cái nhìn lạc quan và tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Đã có những thông điệp về việc ngân hàng giảm lãi suất, giải ngân cho lĩnh vực hạ tầng, cùng với đó là Trung Quốc mở cửa trở lại. Do vậy, chúng tôi đưa ra những dự báo dè dặt trong nửa đầu, nhưng bùng nổ hơn trong nửa sau của năm 2023”.
“Lạm phát của Việt Nam năm 2023 dự kiến tăng khoảng 6%, cán cân thương mại có thể được cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức toàn cầu” – ông Leelahaphan cho hay.
Mặc dù hạ dự báo tăng trưởng thế giới từ 3% xuống chỉ còn 1,7% trong năm 2023, nhưng riêng với Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo GDP sẽ tăng trưởng 6,3%.
Các chuyên gia của World Bank dự báo nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ được hưởng lợi khi việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch cho phép hoạt động ở Trung Quốc dần phục hồi… Sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, tăng trưởng ở Malaysia, Philippines và Việt Nam dự kiến sẽ ở mức vừa phải do tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường chính chậm lại. Dự báo của World Bank là 6,3%, mức khá tương đồng với mục tiêu mà Quốc hội đề ra.
Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng Việt Nam là 5,8% trong năm 2023. HSBC cho rằng, các thách thức nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng nặng hơn, đặc biệt sau khi những hiệu ứng do mở cửa trở lại nhạt dần và tác động của lạm phát cao bắt đầu ảnh hưởng.
Cùng quan điểm trên, bà Antoinette Sayeh – Phó Tổng Giám đốc điều hành IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ là 5,8% trong năm nay.
Đối với các chuyên gia trong nước, ông Đinh Quang Hinh – chuyên gia phân tích của VNDirect – dự báo đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2023 là 6,2%.
“Năm 2023 mở ra những cơ hội và thách thức đan xen, giống như hai gam màu sáng – tối. Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 6,2% so với dự báo trước đó là 6,7%. Nguyên nhân đến từ việc nền kinh tế toàn cầu chậm lại tác động mạnh hơn dự kiến đến ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam” – ông Đinh Quang Hinh nhận định.
Đối với Việt Nam, năm 2023, nền kinh tế đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó có việc lãi suất tăng cao. Vì vậy, một trong những mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là giữ mặt bằng lãi suất không tăng.
Bà Trần Thị Hà My – Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô VDSC – dự báo trong trường hợp FED tăng lãi suất vượt quá lãi suất 6% thì Ngân hàng Nhà nước phải chấp nhận mức mất giá tiền đồng cao hơn khoảng 5% chứ không thể giữ ở mức 3% như thời điểm hiện tại. Nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước còn rất ít dư địa để sử dụng dự trữ ngoại hối kìm hãm đà tăng của tỉ giá.
Việc nâng lãi suất điều hành để giảm áp lực cho tỉ giá cũng không khả thi khi lãi suất thực của Việt Nam đang ở mức rất cao.
T.P