Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh cao giọng dọa Mỹ

Bắc Kinh cao giọng dọa Mỹ

Reuters đưa tin, dẫn lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tần Cương, phát biểu bên lề cuộc họp Quốc hội thường niên ở Bắc Kinh rằng Mỹ nên thay đổi thái độ ứng xử với Trung Quốc, nếu không thứ mà Mỹ phải đối mặt là “xung đột và đối đầu”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tổ chức một cuộc họp báo với Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập tại trụ sở của liên đoàn ở Cairo, Ai Cập, vào ngày 15/01/2023.

Cáo buộc Mỹ ‘đàn áp’ Trung Quốc
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tần Cương, phát biểu trong cuộc họp báo bên lề cuộc họp Quốc hội thường niên ở Bắc Kinh hôm nay, ngày 7/3/2023, rằng Hoa Kỳ đang thực thi chính sách “đàn áp” và “ngăn chặn” Trung Quốc thay vì cạnh tranh công bằng, dựa trên luật lệ.

Và bởi vì thế, theo ông Tần Cương, Hoa Kỳ nên thay đổi thái độ “méo mó” đối với Trung Quốc, nếu không “xung đột và đối đầu” sẽ xảy ra. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đồng thời bảo vệ lập trường của mình về cuộc chiến ở Ukraine và bảo vệ mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc với Nga.

Ông Tần nói: “Nhận thức và quan điểm của Hoa Kỳ về Trung Quốc đang bị bóp méo nghiêm trọng. Họ coi Trung Quốc là đối thủ chính và là thách thức địa chính trị tiếp theo. Điều này giống như chiếc cúc đầu tiên trên chiếc áo sơ mi bị cài sai”, theo Reuters.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn đã căng thẳng trong nhiều năm. Dưới thời Tổng thống Donald Trump là cuộc chiến tranh thương mại khiến Trung Quốc chịu tổn thất sâu sắc. Cuộc chiến thương mại mà ông Trump khởi xướng dựa trên cáo buộc (đã được chứng minh) về việc Trung Quốc hưởng lợi từ tự do thương mại nhưng không tuân thủ bất cứ cam kết cũng như luật lệ quốc tế nào. Điều này gây tổn thất kinh tế trầm trọng cho Mỹ và nhiều quốc gia khác; việc làm và đầu tư dài hạn của Mỹ đổ về Trung Quốc làm nền kinh tế Mỹ trở nên yếu hơn, mất cân đối hơn và rủi ro hơn.

Sau khi ông Trump rời Nhà Trắng, rất nhiều các đòn trừng phạt nhắm vào doanh nghiệp có mối quan hệ thân thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhắm vào những doanh nghiệp đang cung cấp thiết bị cho quân đội Mỹ, đang huy động vốn trên thị trường tài chính Mỹ, đã bị chính quyền của ông Joe Biden đình lại để “xem xét thêm”. Một số trong đó tiếp tục bị trừng phạt vì các bằng chứng rõ ràng về việc đánh cắp thông tin của người Mỹ hoặc có nguy cơ gây mất an ninh cho nước Mỹ như Tik Tok, Huawei…

Gần đây, mối quan hệ giữa hai nước căng thẳng hơn vì vấn đề Đài Loan và Ukraine. Quan hệ Mỹ – Trung đặc biệt căng thẳng vào tháng trước, sau khi Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển phía đông Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ nói rằng họ đang thiết lập các hàng rào bảo vệ cho các mối quan hệ và không tìm kiếm xung đột, nhưng ông Tần cho biết Trung Quốc hiểu rằng thông điệp này là: Trung Quốc không được phép đáp trả bằng lời nói hoặc hành động khi bị [Hoa Kỳ] vu khống hoặc tấn công.

“Điều đó là không thể”, ông Tần nói trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi trở thành bộ trưởng ngoại giao vào tháng 12/2022.

“Nếu Hoa Kỳ không dừng lại mà tiếp tục tăng tốc trên con đường sai lầm, không có lan can bảo vệ nào có thể ngăn chặn sự trật bánh, điều này sẽ trở thành xung đột và đối đầu, và ai sẽ gánh chịu hậu quả thảm khốc?”.

Ông Tần ví cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ với cuộc chạy đua giữa hai vận động viên Olympic.

“Nếu một bên thay vì tập trung cống hiến hết sức mình lại luôn tìm cách lấn lướt bên kia, thậm chí đến mức buộc phải tham dự Paralympic, thì đây không phải là cạnh tranh công bằng”, ông nói.

Bảo vệ ngoại giao sói lang
Trong cuộc họp báo kéo dài gần hai giờ đồng hồ, ông Tần đã mạnh mẽ bảo vệ “ngoại giao chiến lang”, một lập trường quyết đoán và thường gây khó chịu được các nhà ngoại giao Trung Quốc áp dụng kể từ năm 2020.

Ông nói: “Khi bị sói chặn đường, một bầy sói đói đang tấn công chúng ta, thì các nhà ngoại giao Trung Quốc phải khiêu vũ với bầy sói để bảo vệ quê hương và đất nước”.

Ông Tần cũng khẳng định rằng có một “bàn tay vô hình” đang thúc đẩy leo thang chiến tranh ở Ukraine “để phục vụ các âm mưu địa chính trị nhất định”, mà không nói rõ ông đang đề cập đến bên nào.

Ông nhắc lại lời kêu gọi đối thoại của Trung Quốc để chấm dứt chiến tranh.

Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác “không giới hạn” với Nga vào năm ngoái, vài tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine. Trung Quốc đã đổ lỗi cho việc mở rộng NATO là nguyên nhân gây ra chiến tranh, lặp lại chỉ trích của Nga.

Trung Quốc cũng từ chối lên án cuộc xâm lược và đã quyết liệt bảo vệ lập trường của mình đối với Ukraine và Nga. Trung Quốc đồng thời kịch liệt bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng họ đang cân nhắc việc cung cấp vũ khí cho Nga.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới