Có những kịch bản khác nhau đối với tình huống giả định “Trung Quốc xâm lược Đài Loan”. Trong khi việc Trung Quốc cắt nguồn cung hàng hóa sản xuất cho Mỹ có thể mang tới một sự thức tỉnh “khốc liệt”, Mỹ hẳn sẽ không “dễ tính” để các nước khác buôn bán với Trung Quốc. Bắc Kinh có thể bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, nhưng Fed có thể vào cuộc và xử lý hỗn loạn trong vài tuần.
Một cuộc tranh luận trên NTD Business đã diễn ra giữa hai cái tên nổi tiếng về kinh tế vĩ mô, ông Peter Schiff, nhà sáng lập Euro Pacific Asset Management, và ông Brent Johnson, nhà sáng lập Santiago Capital. Cuộc tranh luận xoay quanh câu hỏi: Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt và phản ứng về kinh tế, vậy thì ai sẽ là bên giành chiến thắng trong cuộc chiến này.
Trong khi ông Schiff cho rằng Trung Quốc sẽ thắng, thì ông Johnson lại ủng hộ giả thiết Mỹ sẽ chiến thắng. Màn đối đầu giữa 2 nhân vật đáng chú ý đồng thời phơi bày những vấn đề lớn của kinh tế thế giới hiện nay.
Rời bỏ Mỹ, hàng Trung Quốc sẽ đi đâu?
Ông Schiff mở đầu cuộc tranh luận bằng việc chỉ ra rằng Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất, chủ nợ lớn nhất (hoặc có thể là Nhật) đối với Mỹ. Ông Peter cho rằng, Mỹ phụ thuộc vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc, và khi chiến tranh kinh tế nổ ra, nếu Trung Quốc cắt nguồn cung, cả về hàng hóa và tài chính, Mỹ sẽ gặp khó khăn lớn, đặc biệt khi xét đến mức chi tiêu chính phủ khổng lồ của Mỹ hiện nay.
Ông Johnson bày tỏ ông thấy thú vị vì ông Schiff nghiêng về phía Trung Quốc (vốn có nền kinh tế được quản lý tập trung) chứ không phải Mỹ, đặc biệt là khi ông Schiff là một nhân vật hàng đầu về kinh tế thị trường tự do.
Ông Johnson mở đầu sự phản bác của mình bằng việc nhấn mạnh rằng, trong một cuộc chiến, cả hai bên đều bị tổn thương. Giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ không có chiến thắng tuyệt đối. Ông Johnson thừa nhận, Mỹ không có khả năng tự cung tự cấp, nhưng lại là nước có điều kiện tự cung tự cấp nhất trên thế giới với đất trồng trọt tốt nhất, bốn biển xung quanh. Nếu Trung Quốc cắt đứt thương mại với Mỹ, họ sẽ phải rời bỏ cả châu Âu (đồng minh của Mỹ), đây vốn là 2 khách hàng lớn nhất của Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ phải tự bán hàng cho bản thân, trong khi nền kinh tế Trung Quốc không có đủ khả năng để tiêu thụ lượng hàng hóa đó. Trung Quốc đang nắm giữ những khoản nợ lớn của Mỹ, và cũng cần thị trường để tiêu thụ sản phẩm.
Ông Schiff cho rằng, Mỹ cũng không có một nền kinh tế thị trường tự do lành mạnh (bị dẫn dắt bởi những cơ quan như Fed), và đã trở nên quá phụ thuộc vào các nước khác. Nếu Trung Quốc mất khách hàng là Mỹ, đó lại là một điểm có lợi cho Trung Quốc. Mỹ không phải là một khách hàng đang trả tiền (Trung Quốc vẫn phải cho Mỹ vay). Trung Quốc sẽ không được lợi khi đổi hàng hóa lấy giấy (do Fed in ra). Người Trung Quốc tốt hơn hết nên tự tiêu thụ lượng hàng hóa mà họ sản xuất ra.
Khi tình huống giả định diễn ra, đồng USD sẽ lao dốc, trong khi CNY sẽ tăng giá, lúc này, người Trung Quốc sẽ có tiền để chi trả cho sản phẩm mà mình tạo ra. Điểm quan trọng là người Mỹ không có hàng hóa, mà chỉ có “giấy lộn” (tiền Fed in). Mỹ có nhiều lợi thế, nhưng họ đã quên cách sản xuất, và trở nên phụ thuộc vào các nước khác. Trong mối quan hệ với Mỹ, thế giới không có lợi, và Trung Quốc không muốn phụ thuộc vào Mỹ nữa. Trung Quốc có thể mất cả châu Âu, nhưng có thể buôn bán với các nước khác như Ấn Độ, Mỹ Latinh. Mối quan hệ thương mại cần phải cân bằng (giữa nhập khẩu và xuất khẩu), Trung Quốc không cần xuất khẩu tới Mỹ vì họ không nhập khẩu nhiều từ Mỹ.
Chuỗi cung ứng của ai tốt hơn?
Ông Johnson cho rằng, Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung từ thế giới đối với những mặt hàng như đồng hồ cao cấp, máy tính, quần áo, giầy dép, chứ không phải những mặt hàng thiết yếu như lúa mì, ngô, thịt bò, thịt gà, dầu. Trung Quốc sẽ thiếu những thứ ấy khi chiến tranh kinh tế nổ ra. Trung Quốc cần năng lượng, dầu và khí đốt, và thực phẩm. Ai cũng đều chịu tổn hại, nhưng nếu không có tivi, người dân sẽ không nổi dậy. Còn nếu không có thức ăn, người dân sẽ nổi dậy.
Ông cũng cho rằng, Trung Quốc không thể nhập khẩu hàng mình cần từ Brazil hay châu Phi, do khi không có thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đó cũng là lúc chiến tranh thật sự nổ ra (không chỉ là kinh tế). Lúc đó, tàu chuyên chở từ Brazil sẽ bị chặn, và đồng thời Brazil sẽ không bán hàng cho Trung Quốc, vì làm thế đồng nghĩa với việc chọn về phe Trung Quốc chứ không phải Mỹ.
Ông Schiff tranh luận rằng, người dân Brazil sẽ vẫn buôn bán với Trung Quốc vì họ có nhu cầu. Nhưng ông cho rằng, đồng USD cuối cùng sẽ mất vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế và sụp đổ. Lúc đó, Mỹ sẽ không thể mua hàng của Trung Quốc, và Trung Quốc nên tìm những khách hàng mới hoặc tự tiêu thụ sản phẩm của mình.
Ông Johnson chỉ ra rằng, thật khó có khả năng Mỹ gặp khủng hoảng và không buôn bán với các nước khác, trong khi các nước khác lại buôn bán với nhau và mọi thứ vẫn tốt đẹp. Lịch sử 25 năm qua cho thấy thế giới sẽ suy thoái theo Mỹ nếu Mỹ gặp khủng hoảng. Ông cũng cho rằng khi tình huống giả định xảy ra, đồng CNY sẽ khó tăng giá trị so với đồng USD. Có rất ít nhu cầu cho CNY ngoài Trung Quốc. Trong khi có lượng nhu cầu rất lớn đối với đồng USD ngoài nước Mỹ.
Ông Schiff nói, Trung Quốc có thể bán hàng bằng đồng CNY. Nhu cầu cho USD là do có nhu cầu mua trái phiếu Mỹ, tài sản tài chính, chứng khoán. Chính phủ Mỹ nợ nhiều bằng đồng USD (31,5 nghìn tỷ USD), và cách giải quyết là lạm phát. Cả thế giới bị đe dọa bởi dựa vào đồng USD. 50 năm qua Mỹ không có tiền thực.
Tương đối mà nói, Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nhất vì là đối tượng cơ bản được hưởng lợi từ hệ thống USD. Mỹ không thể tự sản xuất, hay tiết kiệm. Trong khi đó, mọi người đều hy vọng Fed sẽ sửa chữa mọi thứ, chính phủ sẽ sửa chữa mọi thứ. Mỹ đã sống nhờ hàng hóa Trung Quốc, và khi Trung Quốc rút nguồn cung, sẽ có một sự thức tỉnh “khốc liệt”. Ông Johnson đồng ý với ông Schiff, rằng đó sẽ là một sự thức tỉnh “khốc liệt” đối với thế giới.
Ông Schiff cũng đồng ý rằng Mỹ có nhiều tài nguyên. Nhưng ông nói cần nhìn vào mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ giống như là một thuộc địa của Trung Quốc. Mỹ vẫn bán lương thực cho Trung Quốc, trong khi Trung Quốc bán sản phẩm công nghiệp cho Mỹ. Cách đây 50, 60, 70 năm, Mỹ xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, giờ thì khác.
Ông Johnson cho rằng Mỹ sẽ tìm mọi cách để ngăn Trung Quốc tiến hành thương mại với các nước khác. Câu chuyện thế giới buôn bán với Trung Quốc và đẩy Mỹ sang một bên là khó xảy ra. Nhìn vào một 1,5 năm qua, châu Âu chấp nhận rủi ro để cắt đứt với Nga, vẫn về phe với Mỹ.
Ông Schiff lại cho rằng ảnh hưởng của Mỹ sẽ suy giảm, ngày càng chìm sâu vào nợ, cùng với ảnh hưởng quân sự. Hãy nhìn vào Liên Xô. Cường quốc đó đã biến mất một cách nhanh chóng, điều đó có thể xảy ra với Mỹ. Ông Schiff cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ không giống như Liên Xô, Liên Xô không có ngành sản xuất như Trung Quốc. Trung Quốc cũng khó so sánh với Nhật (cũng là một trung tâm sản xuất). Vấn đề với Nhật là việc nới lỏng tiền tệ, tạo ra lạm phát. Với việc Mỹ hạ lãi suất, Nhật phải hạ lãi suất hơn. Mỹ đã làm hại mọi quốc gia với chính sách của mình. Nhưng Trung Quốc có khả năng sản xuất, đó là điểm quan trọng. Trung Quốc có thể lấy nguyên liệu thô dễ dàng từ thế giới.
Vị thế đồng USD
Ông Johnson cho rằng tại Trung Quốc lúc này, lượng cung tiền đang tăng, trong khi lượng cung tiền ở Mỹ đang giảm, nên điều này đang làm lợi cho Mỹ.
Ông Schiff cho rằng điều này sẽ không kéo dài. Hơn nữa, tín dụng ở Mỹ vẫn tăng mạnh.
Khi được hỏi về vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế của Mỹ, ông Johnson cho rằng vị thế này sẽ thay đổi và sẽ không tồn tại mãi mãi. Cả hệ thống đang có vấn đề. Đồng USD sẽ mất vị thế đó. Nhưng ông cho rằng, quá trình chuyển đổi sẽ chứng kiến đồng USD tăng giá trị.
Ông Schiff rất phản đối ý tưởng đó. Ông Schiff cho rằng đồng USD sẽ mất vị thế bởi vì sức mạnh của nó, mà là vì các điểm yếu. Thế giới sẽ nhận ra Mỹ không có khả năng trả nợ. Mỹ đang hô hào tăng trần nợ, nếu không Mỹ sẽ vỡ nợ. Thực ra, Mỹ đang dựa trên một mô hình Ponzi khổng lồ, và vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi (do Mỹ đang hô hào tăng nợ để trả nợ cũ). Nếu thế giới không muốn tham gia vào mô hình Ponzi, sẽ có một đợt bán tháo USD, trái phiếu chính phủ Mỹ. Trần cho vay của thế giới là thứ Mỹ không thể tăng, đó là lượng tiền thế giới sẵn sàng cho Mỹ vay. Đó là điểm yếu của đồng USD.
Ông Johnson thừa nhận ông Schiff nói đúng, và điều đó một ngày nào đó sẽ xảy ra. Nhưng ông Johnson cho rằng điều đó đang xảy ra với các nước khác rồi. Chẳng hạn như Nhật Bản, không ai muốn mua trái phiếu Nhật Bản. Trong khi đó, có một nhu cầu rất lớn đối với trái phiếu Mỹ. Về tương đối, USD vẫn sẽ ổn.
Ông Schiff cho rằng mọi thứ vẫn ổn vì khi nào thế giới có vấn đề, người ta lại mua vào USD, ngay cả khi đó là vấn đề của chính nước Mỹ. Ví dụ điển hình của sự ngớ ngẩn đó là khi trái phiếu Mỹ bị hạ cấp, người ta lại mua vào trái phiếu Mỹ. Hệ thống này cần phải thay đổi, càng sớm càng tốt. Để càng lâu tình hình càng tệ.
Ông Johnson cho rằng hệ thống này vẫn còn tồn tại được lâu như vậy là do một sự tổng hợp các lý do. Mỹ có thị trường vốn lớn nhất, với tính thanh khoản lớn nhất. Mỹ là khách hàng lớn nhất của đa số quốc gia. Vì buôn bán với Mỹ, các nước sẽ có lãi suất ưu đãi khi vay bằng USD. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng góp phần củng cố điều này. Ông Johnson thừa nhận ông Schiff nói rất đúng về việc hệ thống sẽ sụp đổ. Nhưng hệ thống của các nước cũng là mô hình Ponzi, do đó rất khó để thế giới đột nhiên nhận ra sự thật.
Ông Schiff nói về việc ông đã từng cảnh báo về bong bóng nhà và nợ dưới chuẩn (trong cuộc khủng hoảng 2008), không ai quan tâm nhưng nó đã xảy ra. Mỹ độc quyền về USD, khiến thế giới phụ thuộc USD. Nhưng mọi thứ sẽ phải kết thúc, cho dù ông đã nói điều này trong 20 năm, có thể sẽ thêm 20 năm nữa, nhưng mọi thứ phải kết thúc. Trước khi Puerto Rico có vấn đề với nợ, nó đã hết tiền từ trước đó. Không ai quan tâm, cho đến một ngày đột nhiên mọi người quan tâm và có khủng hoảng. Giờ đây, không ai quan tâm tới mô hình Ponzi khổng lồ, nợ, khả năng siêu lạm phát, giống như không ai từng lo lắng về Hy Lạp. Do vậy, mọi chuyện sẽ xảy ra, có thể lâu hoặc sớm, nhưng ta cần chuẩn bị.
Đồng USD dầu mỏ
Ông Schiff cho rằng, Ảrập Xêút rõ ràng không muốn bán dầu bằng USD, nước này có thể sẽ không bán dầu bằng USD trong 10 năm tới. Ảrập Xêút không muốn những gì xảy ra với Nga xảy ra với mình. Việc vũ khí hóa đồng USD, Swift tạo ra thêm lý do để thế giới rời bỏ nó. Và điều đó sẽ xảy ra. Ngoài ra, ông Schiff còn nói thêm, chính trị gia Trung Quốc không phải trải qua tranh cử, tình hình chính trị là khác. Ông cho rằng có nhiều áp lực khiến các chính trị gia làm sai về mặt kinh tế tại Mỹ hơn Trung Quốc
Khi được hỏi về đồng USD dầu mỏ, ông Johnson cho rằng việc Mỹ làm với Nga là việc những cường quốc bá quyền làm. Ông Johnson không ủng hộ điều đó, nhưng đó là thực tế. Hơn nữa, mọi quốc gia đều làm thế về mặt đối nội với người dân của mình (áp đặt các biện pháp). Do đó, không phải chỉ có chính trị gia Mỹ là đen tối, mà chính trị gia trên thế giới cũng thế. Ông Johnson cho rằng, việc bắt nạt có thể tồn tại vì nó hiệu quả (ý chỉ việc Mỹ làm thế với Nga là hiệu quả). Mỹ thậm chí có thể đưa một vị lãnh đạo Ảrập Xêút khác lên ủng hộ Mỹ nếu lãnh đạo Ảrập Xêút chọn rời bỏ Mỹ.
Ông Schiff cho rằng việc bắt nạt như vậy sẽ khiến người ta né tránh sân chơi như vậy. USD có thể bị né tránh. Nếu lãnh đạo Mỹ hiểu ra tầm quan trọng của vị thế đồng tiền dự trữ của USD, họ không nên làm điều gì tổn hại tới vị thế của USD, như đã làm với Nga. Ông Schiff không nghĩ những nhà lãnh đạo của Mỹ đủ thông minh ở đây.
Ông Johnson cho rằng lãnh đạo Mỹ, bộ máy Washington, hiểu tầm quan trọng đó. Họ muốn mọi người thích họ, làm theo ý họ. Ông Johnson đồng ý với ông Schiff rằng không ai thích kẻ bắt nạt. Nhưng họ vẫn phải làm theo kẻ bắt nạt. Thế giới muốn rời bỏ đồng USD, nhưng liệu họ có thể làm vậy, và làm vậy thành công hay không (mà không xảy ra việc đồng USD tăng giá và tổn hại họ hơn)? Đây là khả năng ít có thể xảy ra.
Ông Johnson cũng cho rằng đồng USD dầu mỏ không còn quan trọng như xưa (dù vẫn còn rất quan trọng). Có động lực mới cho nhu cầu USD tại thời điểm hiện nay. Mỹ sẽ cảm thấy ổn nếu thương mại dầu mỏ được tiến hành một chút bằng những đồng tiền khác, nếu nó không phải xu hướng lớn. Nếu Ảrập Xêút vẫn định giá dầu bằng USD, buôn bán một chút bằng đồng tiền khác, mọi thứ vẫn ổn. Nhưng nếu họ thay đổi hoàn toàn cấu trúc, không định giá bằng USD, sẽ có phản ứng chính trị lớn, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng quân sự. Trong điều kiện đó, đồng USD sẽ tăng giá mạnh.
Bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ
Ông Schiff được hỏi liệu Trung Quốc có bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ như một vũ khí nếu cuộc chiến tranh kinh tế. Ông Schiff nói họ đã đang giảm dự trữ trái phiếu chính phủ Mỹ rồi, và lượng nợ đấy là một sự ràng buộc đối với Trung Quốc. Không chỉ vì Mỹ sẽ khó trả được nợ cho Trung Quốc, mà có khả năng là Mỹ sẽ không trả nợ cho Trung Quốc (các nước khác vẫn được trả nợ). Mỹ dễ không trả nợ cho Trung Quốc hơn là dừng trả tiền an sinh xã hội (vì người dân là người bỏ phiếu bầu lãnh đạo Mỹ). Trung Quốc phải nhận ra vị thế rủi ro của mình, và sẽ phải dừng lại.
Nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, Fed sẽ vào cuộc và mua vào. Điều đó sẽ giảm giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ, lãi suất sẽ tăng, đồng USD sẽ mất giá trị, và đó có thể là sự bắt đầu của sự sụp đổ cuối cùng, vì nhiều nước khác sẽ bán tháo theo.
Những người mua ngoại quốc này có thể không mua trái phiếu Mỹ nữa khi họ phát hiện ra lạm phát sẽ tăng hơn, lãi suất thực sẽ không bao giờ dương. Trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ không bao giờ là một khoản đầu tư có lợi và họ phải chấp nhận tổn thất. Fed sẽ là người mua duy nhất, điều này sẽ tăng mạnh lạm phát (do Fed in tiền để mua). Lúc ấy, không ai sẽ mua trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp sẽ sụp đổ, lãi suất sẽ tăng vọt, Fed sẽ cung cấp tiền cho những khoản nợ đó. Điều này sẽ làm sụp đổ đồng USD.
Trung Quốc có thể tự làm sụp đổ đồng USD, hoặc để quá trình đó tự diễn ra. Trong khi Nhật có tiền tiết kiệm để mua trái phiếu chính phủ Nhật. Mỹ thì không, Fed sẽ phải mua chúng. Nợ của Mỹ sẽ tăng lên đến khi mọi thứ nổ tung.
Ông Johnson đồng ý với ông Schiff, khi Trung Quốc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, sẽ có hỗn loạn trong thị trường, ban đầu sẽ làm tổn hại tới Mỹ. Fed sẽ vào cuộc vào mua hết lượng trái phiếu đó, và sẽ có vài tuần hỗn loạn. Nhưng ông nghĩ, đó sẽ tạo ra tổn hại ngắn hạn đối với Mỹ, trong khi tạo ra tổn hại trung hạn đối với Trung Quốc.
Ông Johnson chỉ ra sự tương tự với năng lượng xanh. Trong 2, 3 năm qua, có một sự thúc đẩy mạnh mẽ đối với năng lượng xanh, rời xa năng lượng hóa thạch. Rồi đã có khủng hoảng, sau Covid, cuộc xâm lược Ukraine, nhu cầu năng lượng hóa thạch tăng vọt. Tình hình cũng tương tự với USD, trái phiếu chính phủ Mỹ.
Ông Schiff cho rằng có sự khác biệt giữa vấn đề về trái phiếu chính phủ Mỹ và USD. Trung Quốc có thể dùng USD để mua hàng thật, chứ không phải trái phiếu chính phủ Mỹ. Điều này sẽ làm gia tăng lạm phát. Ngay cả khi Fed in tiền để mua trái phiếu chính phủ Mỹ và làm lạm phát gia tăng, Trung Quốc sẽ chuyển sang mua vàng với tiền USD, điều này làm hại đồng USD. Vàng sẽ làm người dân nghi ngờ USD. Chính phủ Mỹ có thể trừng phạt Trung Quốc, nhưng điều đó cũng giới hạn người dân Mỹ, làm người dân Mỹ nghèo đi. Trung Quốc sẽ đáp trả đòn trừng phạt của Mỹ bằng cách chấm dứt mua trái phiếu chính phủ Mỹ.
Ông Johnson chốt lại các bên đều là người thua cuộc trong cuộc chiến, nhưng do một số yếu tố, về mặt tương đối, Mỹ sẽ chiến thắng.
T.P