Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMột ngân hàng sụp đổ, một ngân hàng khác chao đảo: Chuyện...

Một ngân hàng sụp đổ, một ngân hàng khác chao đảo: Chuyện gì đang xảy ra với hệ thống ngân hàng Mỹ?

Những vấn đề xảy ra với một số ngân hàng gần đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Ngân hàng Silvergate Capital đột ngột đóng cửa và Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) thiếu vốn nghiêm trọng là 2 sự kiện khiến các cổ phiếu ngân hàng ở Mỹ lao dốc. Khắp ngành, những lời bàn tán xôn xao nổi lên: Đây có phải khởi đầu của một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều?

Cả hai ngân hàng nổi tiếng tại California gặp tình trạng người gửi ồ ạt đi rút tiền. Nhưng đằng sau đó là một vết nứt đang lan rộng khắp lĩnh vực tài chính: lãi suất tăng khiến các ngân hàng phải nhanh chóng bán ra lượng lớn trái phiếu lãi suất thấp mà họ đang nắm giữ nếu không muốn chịu lỗ. Vì vậy, nếu quá nhiều khách hàng rút tiền cùng lúc, hậu quả có thể sẽ rất tồi tệ.

Trong khắp giới đầu tư, mọi người đều hỏi cùng một câu rằng “ngân hàng nào sẽ là đối tượng tiếp theo?”. Người sáng lập công ty phân tích thị trường Exante Data và Market Reader, Jens Nordvig, cho biết: “Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi này từ các khách hàng của mình”.

Trước bối cảnh rút tiền ồ ạt tại ngân hàng SVB, giám đốc điều hành đã trấn an khách hàng rằng “hãy bình tĩnh”.

Theo các nhà phân tích, rủi ro trước mắt đối với nhiều ngân hàng có thể không tồn tại, nhưng nó vẫn gây ra ảnh hưởng. Tuy không đối mặt với tình trạng cạn kiệt tiền gửi, các ngân hàng sẽ buộc phải cạnh tranh gay gắt hơn để có được khách hàng. Họ có để đưa ra mức lãi suất cao hơn cho người gửi tiết kiệm. Chính điều đó sẽ xói mòn những gì ngân hàng kiếm được từ việc cho vay, làm giảm lợi nhuận.

Các ngân hàng vừa và nhỏ với nguồn vốn kém đa dạng hơn có thể phải chịu những áp lực đặc biệt. Họ buộc phải bán thêm cổ phiếu và khi đó cổ phiếu sẽ bị pha loãng.

Chủ tịch Christopher Whalen của công ty tư vấn tài chính Whalen Global Advisors cho biết: “SVB chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tôi không lo lắng nhiều về những ông lớn, nhưng rất nhiều ngân hàng nhỏ sẽ chịu một cú giáng khủng khiếp. Nhiều ngân hàng sẽ phải huy động thêm vốn chủ sở hữu”.

Cổ phiếu mọi ngân hàng trong nhóm tài chính thuộc S&P 500 đều sụt giảm, khiến S&P 500 Financials Index giảm 4,1%, ngày tệ nhất kể từ giữa năm 2020. Cổ phiếu của SVB đã giảm 60%, trong khi ngân hàng First Republic ở San Francisco giảm 17%.

Trớ trêu thay, nhiều nhà đầu tư đã đổ tiền vào các cổ phiếu tài chính để tránh các đợt tăng lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed). Họ đánh cược rằng lãi suất tăng sẽ giúp các ngân hàng tăng lợi nhuận. Nhưng tuần này đối với họ là một cú sốc lớn.

Nhà phân tích Chris Marinac tại công ty tư vấn Janney Montgomery Scott cho biết thị trường hoàn toàn bị bất ngờ với việc SVB huy động thêm vốn. SVB đã thông báo bán ra lượng lớn cổ phiếu và hạ dự báo triển vọng kinh doanh.

Theo SVB, các khách hàng của họ là những công ty được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm đã ồ ạt rút tiền gửi vì họ cạn tiền. Do đó ngân hàng cần phải phát hành thêm cổ phiếu để bù đắp.

Vài giờ sau khi CEO Greg Becker kêu gọi khách hàng bình tĩnh, một số công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng, bao gồm cả quỹ của Peter Thiel, khuyên các công ty trong danh mục nên rút tiền để đề phòng.

Tại ngân hàng Silvergate, vấn đề cạn kiệt tiền gửi bắt đầu từ năm ngoái. Khách hàng của Silvergate là các công ty tiền số. Họ muốn rút tiền mặt để vượt qua ảnh hưởng từ vụ sụp đổ của sàn giao dịch FTX. Sau thời gian thua lỗ, công ty đã thông báo chấm dứt hoạt động và thanh lý.

Cổ phiếu các ngân hàng Mỹ trong tuần này cũng lao đao sau khi KeyCorp cảnh báo về áp lực trả lãi cho những người tiết kiệm. Các ngân hàng đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm tài chính hiện tại từ 6% – 9% xuống 1% – 4%. Lý do là vì môi trường giá cả cạnh tranh.

Các nhà quản lý cho rằng nên giảm thời gian kiểm soát bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nhỏ, tạo cơ hội cho họ đổi mới. Thay vào đó, các nhà chức trách dành phần lớn thời gian để tập trung vào sự ổn định của các ngân hàng quan trọng trong hệ thống như JPMorgan Chase & Co. và Bank of America Corp..

Các quan chức đã buộc các ngân hàng lớn phải duy trì được nguồn vốn, để họ có thể đứng vững trong những thời điểm như hiện tại. Ngược lại, các ngân hàng nhỏ hơn được xử lý bằng “một cách tiếp cận nhẹ nhàng”.

Michael Barr, phó chủ tịch giám sát của Fed, cho biết: “Rõ ràng những tổ chức lớn hơn cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng chúng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong bảng cân đối kế toán của họ. Vì vậy, ngay cả khi bị rút cùng một lượng tiền, họ vẫn không bị ảnh hưởng”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới