Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKế hoạch hợp tác ‘‘chưa từng có’’ hay là “hướng đi sai...

Kế hoạch hợp tác ‘‘chưa từng có’’ hay là “hướng đi sai lầm, nguy hiểm”?

Dự án tàu ngầm hạt nhân Mỹ – Anh – Úc gồm ba giai đoạn vừa được ký kết hôm 13/3 tại California (Mỹ). Ba nhà lãnh đạo ba quốc gia đồng minh coi đây là kế hoạch hợp tác chưa từng có. Ngược lại, Bắc Kinh cho rằng, đây là “hướng đi  sai lầm, nguy hiểm”.

Cớ làm sao chẳng có ai lên tiếng mà chỉ có Trung Quốc? Mới rồi Quân đội Trung Quốc đã sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để thiết kế sơ đồ điện của tàu chiến với tốc độ và độ chính xác vô cùng nhanh chóng, năng suất thiết kế tăng gấp 300 lần, nào có ai lên tiếng bỉ bôi?

Chuyện bắt tay nhau bán tầu ngầm và sản xuất tầu ngầm cụ thể là thế này: Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cùng hai thủ tướng Úc và Anh công bố kế hoạch hợp tác về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhằm đối phó với các thách thức của Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Xem ra chương trình hợp tác của “ba ông khổng lồ” này đã được bàn tính kỹ, nó trở thành một chiến lược, một kế hoạch bài bản, dài hơi. Theo đó, dự án Mỹ bán tầu ngầm cho Úc, và phối hợp với Anh sản xuất tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới tại Úc sẽ  kéo dài trong khoảng 20 năm. Thủ tướng Úc Anthony Albanese hào hứng tuyên bố: “Đây là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử” quốc gia này. Ước tính trong 10 năm đầu của dự án, chi phí của Úc lên tới 40 tỉ USD.

“Dàn nhạc” tàu ngầm hạt nhân do Mỹ làm “nhạc trưởng” chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn một, Mỹ và Anh sẽ giúp đào tạo nhân sự cho Úc trong việc sử dụng tầu ngầm hạt nhân, tiếp cận với các cơ sở đóng tàu, các trường chuyên môn về lĩnh vực này.

Các bên thỏa thuận mục tiêu từ năm 2027 sẽ triển khai bốn tàu ngầm hạt nhân Mỹ và một của Anh tại một căn cứ Úc. Giai đoạn hai sẽ tính từ thời điểm Mỹ bán cho Úc ba tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia.

Giai đoạn tham vọng nhất của kế hoạch này – giai đoạn ba –  ba nước phối hợp chế tạo tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới mang tên SSN AUKUS. Đây sẽ là kết quả rực rỡ của hợp tác Mỹ – Anh – Úc, dự kiến sẽ triển khai từ cuối thập niên thứ ba, hoặc đầu thập niên thứ tư, thế kỷ 21.

Tại lễ ra mắt kế hoạch tàu ngầm hạt nhân tại San Diego, không có ai trong  ba vị lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc nhắc đến Trung Quốc. Thế nhưng, có một điều chắc chắn, Bắc Kinh là đối tượng nhắm đến của liên minh AUKUS (Mỹ – Anh – Úc). Tổng thống Joe Biden vẫn nụ cười của một chính khách lão luyện, nhắc tới mục tiêu của liên minh nhằm bảo đảm ‘‘khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở’’. Nói như thế là nhằm ngăn chặn con đường độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Phản ứng lại “nụ cười” thản nhiên cảu ông chủ Nhà Trắng, hôm 14/3, trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân, đã lên án mạnh mẽ kế hoạch của AUKUS. Ông Vương kết tội: ‘‘Ba quốc gia này đang dấn sâu vào một con đường sai lầm và nguy hiểm, vì lợi ích địa chính trị của riêng mình. Họ đã bất chấp hoàn toàn các quan ngại của cộng đồng quốc tế’’.

Hãy xem tác động của dự án tàu ngầm Mỹ, Anh, Úc như thế nào. Theo các chuyên gia, thách thức từ phía Trung Quốc là thách thức mang tầm  thế kỷ.  Bởi mối quan hệ đối tác chiến lược và an ninh mà Mỹ đã đúc kết với Anh và Úc là quan hệ hợp tác đặt ra những mục tiêu cao nhất, xét về phương diện năng lực quân sự.

Vấn đề này sẽ được theo dõi sát sao từ phía các tác nhân khác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, nhưng cũng còn  các nước khác. Trong số đó  có những nước chia sẻ các lợi ích chiến lược của Mỹ trong khu vực, nhưng không muốn tham gia trực tiếp vào đối tác AUKUS (Nhật Bản, Đài Loan). Còn các nước có phần dè dặt, lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng do Mỹ – Anh – Úc gây ra như Indonesia, Malaysia, có thể là cả Ấn Độ.

Nói về xu thế tất yếu và những lợi ích của dự án quân sự khổng lồ này, trong buổi họp báo hôm 14/3, ông Daniel J. Kritenbrink – trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương – nhắc lại lời Tổng thống Joe Biden: Đây là những tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và sử dụng vũ khí quy ước. Ông J. Kritenbrink nhấn mạnh: “Động cơ hạt nhân không liên quan gì vũ khí hạt nhân. Chương trình này sẽ vận hành an toàn và sẽ đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực”.

Tại sao “đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng” lại là “sai lầm và nguy hiểm”? Trung Quốc là một nước lớn và là một trong 5 nước Uỷ viên Thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, tại sao lại chưa có những hành động thiện chí, phù hợp, đóng góp vào việc giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới