Monday, January 6, 2025
Trang chủNước Việt đẹpHành trình hồi sinh đảo Bạch Long Vỹ

Hành trình hồi sinh đảo Bạch Long Vỹ

Từ một nơi hoang vu, cằn cỗi, sau 30 năm, Bạch Long Vỹ được xây dựng thành hòn đảo xanh với đầy đủ điều kiện để người dân sinh sống.

Tàu HQ-558 đưa thanh niên xung phong đầu tiên ra đảo năm 1993.

Ông Nguyễn Văn Hậu, 54 tuổi, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đảo Bạch Long Vỹ, ví sự thay đổi của hòn đảo như một giấc mơ.

30 năm trước, ngày 26/2/1993, anh công nhân xây dựng Nguyễn Văn Hậu là một trong 32 thanh niên xung phong đầu tiên ra xây dựng Bạch Long Vỹ. Sau 24 giờ lênh đênh trên biển, họ đặt chân lên đảo. Dù được phổ biến về sự khắc nghiệt của hòn đảo gần 3 km2, xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ (cách đất liền 110 km), cả đội thanh niên vẫn không thể hình dung ra sự hoang vu của nó.

Đảo như hình bát úp, chỉ có vài ngôi nhà của bộ đội nằm trơ trọi giữa đám cỏ dại. Một vài cây bàng đang thay lá. Bờ biển đầy xác san hô và xương rồng ngả màu vàng úa. “Đảo hoang, chúng tôi đều nghĩ như vậy”, ông Hậu nhớ lại.

Ban đầu đội thanh niên xung phong được bộ đội nhường cho 8 căn phòng xây bằng đá, mỗi phòng rộng 10 m2, cao gần hai mét. 6 đến 8 người ở chung một phòng. Nhiệm vụ của đội là nhanh chóng xây dựng khu vệ sinh, nhà bếp, kho và nhà ở để tiếp tục đón 30 thanh niên xung phong và người dân.

Tháng 3, đất liền đang là giao mùa, nhưng ngoài đảo nắng nóng gắt như giữa hè. Ông Hậu cùng đồng đội làm việc từ 4h đến 9h là nghỉ tránh nắng, đợi đến 15h mới lại ra công trường. Cát sỏi dưới chân nóng như rang. Giày bảo hộ đi vài hôm đã rách. Chỉ sau hai tuần, thanh niên xung phong vốn quá nửa là phụ nữ, sinh viên đã bị nhuộm làn da bánh mật, đàn ông đen nhẻm.

Mùa đông, đảo hứng trọn luồng gió mùa đông bắc từ phương bắc tràn xuống nên lạnh hơn đất liền vài độ. Gió mang theo muối biển, bám vào da người dấp dính. “Tiếng gió rít liên hồi, ù ù bên tai như ong vỡ tổ. Chúng tôi say nắng, say sóng, say gió, lại thêm sóng radar nên nhanh mệt, tức ngực. Ngày làm việc vất vả, đêm ngủ không sâu giấc”, ông Hậu chia sẻ.

Đảo thừa nắng, thừa gió, nhưng thiếu mưa. Mưa chỉ xuất hiện vào tháng 5-8, lưu lượng khoảng 1.000 mm mỗi năm, bằng một nửa so với đất liền, trong khi bốc hơi trung bình 1.400 mm. Cả đảo chỉ có 6 dòng suối nhỏ, dài chưa đến 200 m nên không giữ được nước bề mặt.

Thanh niên xung phong dùng những giếng cũ do ngư dân để lại, lượng nước rất hạn chế. Có giếng cạn tới đáy, chị em trèo xuống lấy nước tắm, nhưng khi dội lên người toàn cát, sỏi. Đàn ông cạo trọc đầu, tắm ở biển, nhường nước ngọt cho phụ nữ. Nước sau khi vo gạo, rửa rau, tắm được gạn lại để tưới cây.

Sau 6 tháng lên đảo, ông Hậu cùng đồng đội mới thấy cơn mưa đầu tiên. Một số người lao ra tắm, ngửa mặt lên trời nhấm nháp từng giọt mưa. Những người còn lại vội vàng mở nắp giếng, mang đồ đạc ra hứng nước dự trữ.

Cùng với việc xây dựng nhà ở, việc phủ xanh hòn đảo cằn cỗi là nhiệm vụ cấp bách. Khu vực gần biển và chỗ ở hầu như toàn sỏi đá. Để có đất trồng cây, thanh niên xung phong cùng bộ đội lên đồi cuốc hàng nghìn mét khối đất đá, gánh xuống san lại nền đảo.

Phi lao và thông được ưu tiên trồng để chắn gió. Nhưng cứ trồng xuống, cây chưa bén rễ đã bị gió biển táp chết khô. Sau nhiều lần thất bại, thanh niên nghĩ ra cách trồng cây vào giữa bụi cỏ, dùng vải bạt che chắn, lấy phân trâu bỏ từ trong đất liền đập nhỏ bổ sung dinh dưỡng cho đất.

Đảo không có điện, thanh niên xung phong mang theo một máy phát, mỗi ngày chỉ chạy 30 phút ăn cơm, còn lại dùng nến. Cũng do đi lại khó khăn, không thể bảo quản nên thực phẩm tiếp tế ra đảo chủ yếu là đồ khô, các loại củ. Bữa cơm của thanh niên là muối vừng, cá khô, dưa cà muối hoặc xu hào ninh lấy nước.

Đợt nào gặp thời tiết xấu, tiếp tế ra muộn, đội thanh niên phải lên đơn vị bộ đội vay gạo. “Có những ngày cảm xúc đi xuống, ngồi một mình trong đêm nghe sóng vỗ, côn trùng kêu, tôi nhớ nhà đến phát khóc”, ông Hậu kể.

Sau khoảng 6 tháng, cuộc sống dần ổn định. Thanh niên xung phong tự trồng được mùng tơi, mướp, rau cải, rau đay. Gia súc mang theo đã sinh sản. Mỗi nhà xây mới đều có giếng nước và bể chứa nước mưa.

Từ năm 2001, đảo bắt đầu sôi động khi âu cảng sức chứa 100 tàu thuyền được khánh thành. Mỗi tháng, hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân khắp nơi vào tiếp nhiên liệu, lương thực, tránh trú bão. Sinh kế của người dân cũng mở rộng nhờ bán nước, xăng dầu, thực phẩm cho tàu cá.

Trong 62 thanh niên xung phong đầu tiên ra Bạch Long Vỹ có 12 cô gái lấy chồng bộ đội, 6 cặp trong đội thành đôi, lập nghiệp trên đảo đến ngày nay. Vợ chồng ông Hậu là đám cưới thứ hai ở đảo tiền tiêu này.

Gần hết 3 năm nghĩa vụ, vợ ông Hậu mang thai con đầu lòng nên vào đất liền sinh nở. Hai bên gia đình khuyên vợ chồng ông rời đảo. “Chúng tôi trăn trở nhiều đêm, cuối cùng xin ở lại. Nhiều thành viên trong đội cũng như vậy”, ông Hậu kể.

Sau thanh niên xung phong, đảo Bạch Long Vỹ có 9 đợt tuyển dân. Ông Hậu cùng đồng đội tiếp tục nhận các dự án xây nhà, đường sá, công viên, nhà công vụ. Theo thống kê, đã có 12 dự án với tổng mức đầu tư hơn 260 tỷ đồng được thanh niên xung phong triển khai.

Từ năm 2016, Bạch Long Vỹ bắt đầu có điện 24/24h nhờ nguồn điện lai ghép gió – mặt trời – diesel – lưu trữ năng lượng được xây dựng. Người dân có điện để chạy tivi, tủ lạnh, điều hòa. Nguồn nước ngầm tìm thấy năm 2018 và hồ nước ngọt 60.000 m3 hoàn thành năm 2020 đã giải được bài toán thiếu nước. Nhiều nhà mở dịch vụ tắm nước nóng, hát karaoke phục vụ tàu cá. Mỗi khi có gió mùa, nơi đây sáng đèn cả đêm, sôi động như thị trấn trong đất liền.

Năm 2020, tàu Hoa Phượng Đỏ trọng tải 220 tấn, tầm hoạt động 750 hải lý, có thể chở trên 200 người và 50 tấn hàng hóa thuộc sở hữu của huyện đảo Bạch Long Vỹ đưa vào hoạt động, rút ngắn thời gian ra đảo còn 6 tiếng. Với 3 chuyến mỗi tháng, cùng khả năng chịu sóng cấp 7, gió cấp 9, con tàu giúp người dân thoát cảnh đi tàu cá, tàu hàng hàng chục tiếng như trước đây.

Bạch Long Vỹ ngày nay có 326 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu phân bổ tại 3 khu dân cư. Sau 30 năm, các cặp vợ chồng trên đảo sinh được hơn 100 trẻ. Trường Tiểu học – Mẫu giáo được thành lập năm 1999 để trẻ ở lại đảo học đến lớp 5 rồi vào đất liền học tiếp.

Theo UBND huyện đảo, năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt hơn 490 tỷ đồng, thu ngân sách 920 triệu đồng. Người dân đã chăn nuôi được 146 tấn gia súc, trồng được 282 tấn rau, khai thác thủy sản đạt 590 tấn. “Huyện đảo từng bước trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá sầm uất, cột mốc biên giới vững chắc trên biển để ngư dân vươn khơi, bám biển”, ông Trần Quang Tường, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vỹ, nói.

Với vợ chồng ông Hậu, chưa bao giờ họ hối hận vì dành cả tuổi thanh xuân cho Bạch Long Vỹ. Họ tin đảo sẽ phát triển, trở thành đô thị trù phú giữa Biển Đông.

Trước năm 1920, đảo Bạch Long Vỹ chỉ là nơi dừng chân của ngư dân đi biển. Sau khi đào được giếng nước, một số người ở Quảng Yên (Quảng Ninh) tới đây lập nghiệp. Năm 1937, chính quyền Bảo Đại phái người tới đảo lập đồn canh phòng và xây dựng chế độ lý trưởng.

Trải qua một số chế độ quản lý, tháng 10/1957, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản, ra nghị định đảo Bạch Long Vỹ là xã thuộc TP Hải Phòng. Thời điểm này, đảo đã có hợp tác xã nông ngư gồm 94 lao động, có 22 ha đất canh tác, 11 thuyền, 2 tàu đánh cá.

Năm 1965, do máy bay Mỹ bắn phá, toàn bộ dân cư trên đảo được sơ tán về đất liền, chỉ còn bộ đội đồn trú. Đến cuối năm 1992, Chính phủ thành lập huyện đảo Bạch Long Vĩ thuộc TP Hải phòng. Ngày 25/3/1992, đội ngũ cán bộ huyện ra làm nhiệm vụ và đó trở thành ngày kỷ niệm thành lập huyện đảo.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới