Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThế khó của Mỹ trong việc đảo ngược lằn ranh đỏ hỗ...

Thế khó của Mỹ trong việc đảo ngược lằn ranh đỏ hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Mỹ đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cung cấp tiêm kích F-16 cho quân đội Ukraine lúc này có thể là quyết định thiếu tính thực tế nhưng nếu không có F-16, việc đạt được ưu thế trên không là điều hoàn toàn nằm ngoài tầm với của Kiev.

Ukraine tuyên bố nước này cần tiêm kích F-16 để đạt được lợi thế trước đối phương.

Hiệu ứng domino sau khi Ba Lan hỗ trợ chiến đấu cơ cho Ukraine?

Ngày 16/3, Ba Lan đã trở thành quốc gia NATO đầu tiên cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thông báo 4 tiêm kích MiG-29 sẽ được chuyển giao cho Ukraine trong những ngày tới. 4 tiêm kích có vẻ là con số khiêm tốn nhưng đây lại là một động thái mang tính biểu tượng so với thời điểm cách đây 1 năm, khi mà một thành viên NATO quyết định hỗ trợ vũ khí sát thương hiện đại cho Ukraine là điều không được nghĩ tới.

Dù vậy, liệu điều đó có tạo nên khác biệt? Ở cấp độ chính trị, câu trả lời là có thể. Bằng việc bình thường hóa sự hỗ trợ này, động thái của Ba Lan có thể khởi động cho hiệu ứng domino với nhiều nước châu Âu hơn cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev.

Chưa đầy 1 ngày sau cam kết của Ba Lan, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger thông báo chính phủ nước này sẽ cung cấp một phi đội gồm 13 tiêm kích MiG để hỗ trợ Ukraine phòng thủ. Việc sẽ có nhiều quốc gia châu Âu hơn nối bước Ba Lan và Slovakia là điều có thể xảy ra giữa bối cảnh các nước này loại bỏ dần máy bay chiến đấu thời Liên Xô để hiện đại hóa không quân.

Đó chinh xác là những gì Ba Lan đang thực hiện. Năm ngoái, Warsaw ký một thỏa thuận quốc phòng lịch sử trị giá 14,5 tỷ USD với Hàn Quốc để mua 48 chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50 và bổ sung thêm tiêm kích tàng hình F-35 Lighting II do Mỹ sản xuất. Một lợi thế thực tế nữa là bởi vì nhiều nước châu Âu sở hữu MiG-29 nên khả năng thay thế, sửa chữa và bảo trì các máy bay chiến đấu của Ukraine sẽ sẵn sàng hơn.

Tuy nhiên, về mặt lợi thế quân sự, điện Kremlin cho rằng việc các nước châu Âu cung cấp nhiều tiêm kích MiG hơn cho Ukraine sẽ không thể thay đổi cục diện xung đột. Đó có lẽ là lý do tại sao các tiêm kích F-16, chứ không phải MiG nằm ở tốp đầu trong danh sách vũ khí Tổng thống Volodymyr Zelensky muốn phương Tây hỗ trợ.

Ukraine cần F-16 để đạt được lợi thế trước đối phương

Sau khi thông báo của Ba Lan được đưa ra, Ukraine cho biết trong khi nước này cảm thấy “biết ơn” về đợt vận chuyển trên thì các tiêm kích MiG-29 thời Liên Xô vẫn chưa đủ. Theo người phát ngôn Không quân Ukraine Yuri Ignat, các máy bay chiến đấu này “không thể thay đổi đáng kể tình hình xung đột”.

“MiG sẽ không giải quyết được các nhiệm vụ, chúng tôi cần F-16”, ông cho hay, đồng thời nhận định, mặc dù MiG “giúp tăng cường khả năng của chúng tôi” nhưng Ukraine cần “các máy bay chiến đấu đa nhiệm từ phương Tây” để “đạt được lợi thế trước đối phương”.

Trên thực tế, thành phần của Không quân Ukraine – với quy mô bằng khoảng 1/10 Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, vẫn là một câu hỏi. Ukraine kế thừa hàng chục máy bay chiến đấu MiG-29 sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, khoảng 5 năm sau khi chúng đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các phi đội của Ukraine đã chịu tổn thất đáng kể sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

MiG-29 là dòng máy bay chiến đấu sử dụng tín hiệu analog với các công nghệ cũ hơn so với các tiêm kích F-16 sử dụng tín hiệu số (digital). MiG có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ chiến đấu ngắn và có thể triển khai vũ khí cũng như bắn hạ máy bay chiến đấu với khả năng cơ động cao trong phạm vi ngắn. Tuy nhiên, F-16 bay xa hơn, đa dụng hơn, sở hữu các hệ thống vũ khí tích hợp và có hệ thống radar tiên tiến hơn, do đó sẽ giúp việc cảnh báo sớm được cải thiện.

Nhà phân tích quốc phòng Alex Walmsley, học giả cấp cao thuộc Viện các Quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) tại London đã so sánh hai chiến đấu cơ này giống như “một chiếc laptop của những năm 1990 với chiếc MacBook mới nhất. Về cơ bản chúng thực hiện những nhiệm vụ giống nhau – đó là bay và phóng tên lửa nhưng MiG không phản ứng nhanh và không mạnh bằng F-16”.

Thế khó của Mỹ

Cho tới nay, Mỹ vẫn từ chối cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine với lo ngại leo thang căng thẳng với Nga. Gần đây, UAV Mỹ và máy bay chiến đấu cơ Nga đã có cuộc va chạm trên Biển Đen – đánh dấu lần đầu tiên máy bay hai nước tiếp xúc trực tiếp kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya 1 ngày 15/3, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nhận định: “Mỹ liên tục nói rằng họ không tham gia vào xung đột ở Ukraine” nhưng vụ UAV mới đây là “một xác nhận nữa cho thấy Mỹ có liên quan trực tiếp” đến cuộc xung đột này.

Dù vậy, Washington cũng từng vạch ra lằn ranh đỏ tương tự với các vũ khí khác vào những ngày đầu xung đột, chẳng hạn như với hệ thống tên lửa Patriot và xe tăng M1 Abrams nhưng sau đó đã thay đổi quyết định và cung cấp chúng cho Kiev.

Tuy nhiên, sự do dự của Mỹ trong việc cung cấp tiêm kích F-16 cho Kiev không phải không có lý do. Quân đội Ukraine từng điều khiển tiêm kích MiG vì thế họ có thể sử dụng chúng ngay khi chiến đấu cơ này được cung cấp. Trong khi đó, sẽ phải mất nhiều tháng để huấn luyện cho một phi công lái MiG-29 điều khiển thành thạo F-16. Đó là chưa kể việc Ukraine đang thiếu phi công.

Trung tướng đã nghỉ hưu của Mỹ Mark Hertling cho biết, trong khi Ukraine có thể thích nghi với những hệ thống mới dễ sử dụng như pháo phản lực HIMARS và tên lửa phòng không Javelin thì các tiêm kích F-16 là một “cuộc chơi hoàn toàn khác”. Chúng có các phần động cơ, thiết kế và hệ thống kiểm soát hỏa lực khác nhau để bắn và thả bom.

“Nhiều người muốn tiêm kích này xuất hiện ở Ukraine hiện nay nhưng nếu không có nhiều năm huấn luyện cũng như chuẩn bị chuỗi sửa chữa và bảo trì thì sẽ không thể nhận được kết quả mà bạn nghĩ là sẽ nhận được”, ông Hertling nhận định.

Những cam kết hỗ trợ chiến đấu cơ sẽ giúp tăng cường hệ thống phòng không Ukraine nhưng không tạo ra sự thay đổi mang tính quyết định hay giúp cục diện xung đột nghiêng về phía Kiev. Cựu phi công F-16 của Không quân Mỹ William Gilpin cho rằng: “Nếu có một thế hệ đi sau thì sẽ rất khó để lật ngược tình thế. Hiện nay, Không quân Ukraine là thế hệ đi sau Nga. F-16 sẽ thúc đẩy họ tiến về phía trước”.

Mỹ đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine lúc này có thể là quyết định thiếu tính thực tế bởi điều đó sẽ gia tăng gánh nặng huấn luyện trong khi xung đột vẫn đang diễn ra. Nhưng nếu không có F-16, việc đạt được ưu thế trên không là điều nằm ngoài tầm với của quân đội Ukraine.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới