Saturday, May 4, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐề xuất Hải quân Việt Nam lập hạm đội Biển Đông, tăng...

Đề xuất Hải quân Việt Nam lập hạm đội Biển Đông, tăng cường bảo vệ Trường Sa

Việt Nam là một quốc gia biển với đường biển dài hơn 3260km, vùng bờ biển Việt Nam rộng hơn 1 triệu km2 gấp 3 lần diện tích đất liền và hơn 3000 hòn đảo. Trong đó, có hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa.

Tàu ngầm Kilo 182 – Hà Nội phối hợp với chiến hạm Đinh Tiên Hoàng duyệt đội hình trên biển tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam vào sáng 2-5 ở Cam Ranh.

Biển giữ một vai trò quan trọng với đời sống người Việt, với kinh tế của đất nước. Lãnh thổ Việt Nam hướng ra Biển Đông nơi có nhiều tuyến hàng hải quan trọng của thế giới, có nhiều nguồn tài nguyên hải sản và dầu khí. Để có thể giàu mạnh từ biển, song song với việc phát triển kinh tế thì củng cố quốc phòng trên biển là một điều rất quan trọng. Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong tác chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo và từ lâu đã được Đảng và Nhà nước, quân đội Việt Nam xác định là lực lượng sẽ tiến thẳng lên hiện đại, để đủ sức đáp ứng được nhiệm vụ nặng nề trong thế kỉ XXI. Hiện đại hóa Hải quân phải tiến hành đồng bộ, không chỉ là mua sắm thêm vũ khí trang bị mới mà còn phải hiện đại hóa cả về mặt con người, cơ cấu tổ chức, tư duy chiến lược, phương thức tác chiến.

Thế nên hiện nay, bên cạnh vấn đề mua sắm trang bị mới bao gồm các tàu chiến và vũ khí chống hạm cũng có một câu hỏi đặt ra là: Liệu Việt Nam có nên cân nhắc thành lập Hạm đội Hải quân hay không?

Theo định nghĩa tại từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Hạm đội là liên minh đoàn chiến dịch chiến lược của hải quân, dùng để thực hiện các nhiệm vụ chiến dịch hoặc chiến lược trên chiến trường biển hoặc đại dương đã định. Hạm đội có thể độc lập hoặc hiệp đồng với các binh đoàn, liên binh đoàn của hải quân và các quân chủng, binh chủng tiến hành các chiến dịch và những hoạt động tác chiến khác trên biển và đại dương. Về tổ chức biên chế, hạm đội thường gồm một số binh đoàn, binh đội tàu mặt nước, tàu ngầm không quân hải quân; hải quân đánh bộ, tên lửa pháo bờ biển và các phân đội, binh đội chuyên môn bổ trợ khác có thể có cả phân hạm đội. Hạm đội còn có hệ thống căn cứ hải quân, khu trú đậu sân bay, các cơ sở hậu cần, xưởng sửa chữa tàu và vũ khí trang bị, hệ thống thông tin quan sát, để bảo đảm mọi mặt cho tác chiến và hoạt động thường ngày của các lực lượng hải quân.

Những nước có hải quân nhỏ thường không tổ chức hạm đội, đôi khi thuật ngữ hạm đội còn được dùng để chỉ toàn bộ lực lượng hải quân. Ngược lại, những nước có hải quân lớn có thể tổ chức một số hạm đội, ví dụ tiêu biểu là Mỹ – siêu cường hải quân lớn nhất thế giới, có các hạm đội đánh số như: Hạm đội 2 ở Đại Tây Dương, Hạm đội 6 ở Địa Trung Hải, Hạm đội 3 ở Đông và Hạm đội 7 ở Tây Thái Bình Dương; các cường quốc khác thường tổ chức hạm đội gắn với vùng biển như Nga có Hạm đội Baltic, Hạm đội Biển Bắc, Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Thái Bình Dương. Hải quân Trung Quốc có các Hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải hoạt động ở các vùng biển phía Bắc, phía Đông và phía Nam của Trung Quốc. Trong đó, Hạm đội Nam Hải là cánh tay vũ lực để nhà cầm quyền Bắc Kinh thực hiện các yêu sách phi pháp của mình với Biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Vậy câu hỏi đặt ra là với điều kiện Việt Nam hiện nay, với một lực lượng hải quân ở mức vừa phải liệu đã nên thành lập hạm đội hay chưa?

Thực ra đây là tái lập hạm đội, bởi trong quá khứ Việt Nam đã từng có tổ chức cấp hạm đội, đó là Hạm đội 171 quả đấm thép của Quân chủng Hải quân trong chiến dịch biên giới Tây Nam, giải phóng Campuchia khỏi bè lũ diệt chủng Pol Pot năm 1979. Cụ thể ngày 10 tháng 10 năm 1975, Bộ Tư lệnh Hải quân đã ra quyết định thành lập Hạm đội 171 trên cơ sở sáp nhập Trung đoàn 171 và Trung đoàn 175. Trong đó, 171 là trung đoàn tàu chiến đấu của quân chủng, được thành lập từ thập niên 60 và đã tham gia chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ra miền Bắc Việt Nam, còn Trung đoàn 175 là đơn vị mới thành lập ngày 6/4/1975, với nhiệm vụ tiếp quản các tàu thuyền ta thu được sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sau khi sáp nhập hai Trung đoàn 171 và 175 được tổ chức lại thành Hạm đội 171, gồm có 3 hải đoàn tàu và hải đội tàu phục vụ sửa chữa nổi. Về mặt trang bị của hạm đội, một phần tàu chiến của Hạm đội 171 là các tàu chiến do Liên Xô viện trợ, phần còn lại là các tàu chiến lợi phẩm thu được sau giải phóng miền Nam. Trong đó, có nhiều tàu chiến loại lớn mà Mỹ đã viện trợ cho hải quân chế độ Sài Gòn, bị quân đội ta thu giữ năm 1975. Về mặt nhiệm vụ, quyết định thành lập Hạm đội 171 nêu rõ, nhiệm vụ của hạm đội là lực lượng cơ động của quân chủng hoạt động trên vùng biển của cả nước.

Như vậy, để đảm bảo khả năng quản lý bảo vệ một vùng biển rộng lớn sau giải phóng miền Nam, cũng như để kịp thời đương đầu với những xung đột lớn trên biên giới Tây Nam, hải quân Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức đơn vị cấp hạm đội. Điều này phản ánh sự phát triển lớn về lực lượng của hải quân Việt Nam sau năm 1975. Ngày 6/7/1981, thực hiện chủ trương “chấn chỉnh lực lượng, tinh giảm biên chế” của Quân ủy Trung ương, Hạm đội 171 rút gọn lại thành một lữ đoàn cơ động của quân chủng, mang tên hiệu Lữ đoàn 171. Hiện nay, lữ đoàn 171 là lữ đoàn tàu chiến quan trọng của vùng 2 Hải quân.

Trở lại với hiện tại, câu hỏi đặt ra là trong hoàn cảnh hiện nay. Việt Nam có nên tái lập hạm đội hải quân hay không? Điều đó sẽ có lợi, có hại như thế nào và nếu tiến hành tái lập hạm đội hải quân thì hình dung cơ bản về tổ chức biên chế của hạm đội sẽ ra sao?

Trước hết, về mặt tổ chức, hiện nay Quân chủng Hải quân được tổ chức trên cơ sở vùng hải quân, vùng hải quân là liên minh đoàn chiến dịch chiến thuật của hải quân tổ chức theo lãnh thổ gồm các binh đoàn, binh đội tàu mặt nước, không quân hải quân, hải quân đánh bộ, bộ đội phòng thủ đảo phòng thủ căn cứ, pháo binh bờ biển và các đơn vị bảo đảm radar, thông tin kỹ thuật, hậu cần. Vùng hải quân có thể độc lập hoặc hiệp đồng với các lực lượng của hải quân và của quân chủng, binh chủng tiến hành các đợt tác chiến tập trung và các hoạt động tác chiến thường xuyên trong phạm vi trách nhiệm hoặc được huy động vào các cụm lực lượng để thực hiện nhiệm vụ chiến dịch, chiến dịch chiến thuật dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh hải quân.

Ngoài ra, vùng hải quân còn có nhiệm vụ bảo đảm mọi mặt, cho các lực lượng hải quân trú đậu hoặc hoạt động trong vùng biển thuộc phạm vi trách nhiệm. Trong hải quân nhân dân Việt Nam, các vùng hải quân được thành lập trên cơ sở các vùng duyên hải cũ. Việt Nam có 5 vùng hải quân quản lý vùng biển từ Bắc vào Nam, các vùng hải quân có biên chế khá mạnh có đủ lực lượng tàu chiến đấu mặt nước, tàu hậu cần bổ trợ, pháo, tên lửa bờ biển, hải quân đánh bộ, bộ đội phòng thủ đảo, radar, thông tin hậu cần kỹ thuật để bảo vệ vùng biển được giao.

Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, không trực tiếp nắm các lữ đoàn tàu mặt nước hay tên lửa bờ mà giao cho vùng hải quân quản lý, quân chủng chỉ trực tiếp nắm các lữ đoàn tàu ngầm, lữ đoàn không quân hải quân, các trung lữ đoàn đặc công hải quân, công binh hải quân cùng các nhà trường học viện của hải quân. Khi có tình huống chiến sự các vùng hải quân sẽ được tăng cường lực lượng của cấp trên để hình thành các cụm lực lượng hải quân. Cụm lực lượng hải quân là liên binh đoàn chiến thuật chiến dịch được thành lập theo yêu cầu nhiệm vụ tác chiến, nhằm tăng tính cơ động và khả năng tác chiến khi có tính huống xung đột vũ trang hay chiến tranh xảy ra trên hướng biển đảo. Cùng lực lượng hải quân thực hành đợt tác chiến tập trung, có sự chi viện phối hợp tác chiến của không quân, phòng không cùng một số lực lượng vũ trang địa phương, nhằm tiêu hao tiêu diệt một phần sinh lực địch trên biển, giành quyền làm chủ vùng biển đảo trọng điểm trong thời gian xác định, tạo điều kiện cho các lực lượng khác trên chiến trường thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thành phần của cụm lực lượng hải quân được xây dựng trên cơ sở, lấy vùng hải quân làm nòng cốt tương ứng với 5 vùng hải quân sẽ có 5 cụm lực lượng hải quân được đánh số từ 1 đến 5. Tùy theo tổ chức biên chế của vùng hải quân, mà thành phần của cụm lực lượng hải quân sẽ có thay đổi nhưng thường bao gồm 1 đến 2 lữ đoàn tàu chiến đấu mặt nước, 1 hải đội đến 1 hải đoàn tàu vận tải chiến đấu, 1 lữ đoàn hải quân đánh bộ, 1 trung đoàn đến 1 lữ đoàn bộ đội phòng thủ đảo, 1 tiểu đoàn đến 1 lữ đoàn bộ đội phòng thủ căn cứ, 1 đến 2 lữ đoàn tên lửa bờ, 1 tiểu đoàn đến 1 trung đoàn radar, 1 tiểu đoàn thông tin. Ngoài ra, còn có các phòng ban chức năng và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Hải quân như quân y, vệ binh, công binh, hậu cần, kho bãi.

Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân sẽ tăng cường cho cụm lực lượng hải quân, các đơn vị mạnh như 1 đến 2 tàu ngầm, 3 đến 4 tàu tên lửa, 4 tàu hộ vệ, 6 tàu vận tải, 1 đến 2 phi đội không quân hải quân, 1 đội đến 1 liên đội đặc công hải quân, 1 đại đội đến 1 Tiểu đoàn Tác chiến điện tử. Lực lượng tăng cường sẽ đến từ các lữ đoàn trực thuộc quân chủng hay từ các vùng của hải quân khác. Ngoài ra, còn có các đơn vị pháo phòng không, tên lửa phòng không, không quân của quân chủng phòng không không quân, các lực lượng vũ trang của quân khu, của đơn vị bạn chi viện hiệp đồng tác chiến, tư lệnh cụm lực lượng hải quân thường là tư lệnh vùng hải quân. Cách tổ chức nói trên gắn chặt với tổ chức vùng hải quân theo lãnh thổ, mỗi vùng hải quân phụ trách một hướng chiến lược và khi có chiến sự thì tăng cường lực lượng trong vùng hải quân để hình thành cụm lực lượng hải quân mạnh để làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu như trong nhiệm vụ chống đổ bộ bảo vệ vùng biển gần bờ, thì cách tổ chức cụm lực lượng hải quân trên cơ sở vùng hải quân hiện nay tỏ ra là hợp lí, thế nhưng với các nhiệm vụ xa bờ hơn quân chủng hải quân cần có cụm lực lượng cơ động trực thuộc để trực tiếp chỉ huy mà không thông qua các vùng hải quân. Đó chính là vị trí của hạm đội 171 năm xưa từng đảm nhận là lực lượng cơ động của quân chủng hải quân chịu sự chỉ đạo trực tiếp của quân chủng để phối hợp với các vùng hải quân thực hiện các nhiệm vụ đặc thù. Ví dụ tiêu biểu cho một nhiệm vụ đặc thù đó là nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa – một quần đảo cách bờ trên 500km với một diện tích rộng lớn. Ngay từ năm 1984 đô đốc hải quân Giáp Văn Cương đã nhận định: Trong tương lai gần vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của hải quân nhân dân Việt Nam. Hiện nay, chịu trách nhiệm hướng Trường Sa là vùng 4 hải quân và cụm lực lượng hải quân 4. Đây là vùng hải quân có biên chế mạnh mẽ nhất trong năm vùng hải quân của Việt Nam với nhiều trang bị khí tài hiện đại. Tuy nhiên, trong nhiệm vụ tác chiến xa bờ sẽ tốt hơn nếu như có một hạm đội cụm lực lượng hải quân cơ động của quân chủng hải quân làm nòng cốt thay vì lực lượng của vùng hải quân làm nòng cốt.

Về vấn đề thành lập hạm đội hải quân có thể tham khảo quan điểm của trung tướng phó giáo sư tiến sĩ Trần Thái Bình – nguyên viện trưởng viện chiến lược quốc phòng trong bài viết “ Tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại” đăng tải trên tạp chí Quốc phòng toàn dân. Trong bài viết của mình trung tướng Trần Thái Bình nhận định: “ Với quân chủng hài quân nên lấy các vùng hải quân làm đơn vị cơ bản để tổ chức tăng cường trang bị hiện đại để bảo vệ các vùng biển đảo được giao. Quan điểm của ta là không đi tiến công nước khác vì vậy có thể không cần tổ chức hạm đội đại dương nhưng cần có cụm lực lượng hải quân cơ động mạnh hiện đại để tác chiến xa bờ vì vùng biển của nước ta rộng tình hình tranh chấp chủ quyền biển đảo diễn biến phức tạp”. Vậy là đã rõ hạm đội cơ động của nước ta về bản chất là cụm lực lượng hải quân cơ động mạnh hiện đại có khả năng tác chiến làm nhiệm vụ ở xa bờ. Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa hạm đội cơ động cũng là nòng cốt để làm các nhiệm vụ quốc tế, nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng ngoại giao quân sự. Từ trước đến nay các nhiệm vụ này thường được giao cho các tàu hộ vệ tên lửa gepard 3.9 thuộc biên chế Lữ đoàn 162 vùng 4 hải quân đây cũng là lữ đoàn tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Việt Nam. Đến nay, hải quân ta đã và đang tiếp tục được đầu tư trang bị hiện đại có quy mô tương xứng với một quốc gia biển với hơn 3000km đường bờ biển và 1 triệu km2 vùng biển đã đến lúc suy nghĩ và cân nhắc về một tổ chức quân sự cấp hạm đội.

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra đó là hình mẫu tương lai của hạm đội cơ động hải quân Việt Nam sẽ là như thế nào. Dĩ nhiên đó không thể là một hạm đội hùng mạnh như của hải quân Mỹ, Nga hay Trung Quốc; về bản chất đó là cụm lực lượng hải quân mạnh trực thuộc quân chủng hải quân sẽ phối hợp với các vùng hải quân trong hoạt động tác chiến. Về tên gọi có lẽ nên sử dụng tên gọi hạm đội Biển Đông, đây là cái tên giàu ý nghĩa và phù hợp nhất với tính chất nhiệm vụ của hạm đội là cụm lực lượng cơ động mạnh hiện đại hoạt động xa bờ quân chủng. Về vị trí hạm đội Biển Đông sẽ tương đương với một vùng hải quân hoặc một quân đoàn của lục quân tư lệnh và chính ủy của hạm đội sẽ có trần quân hàm là chuẩn đô đốc tương đương thiếu tướng lục quân. Về tổ chức, có thể suy nghĩ về cách tổ chức hạm đội lâm thời hoặc hạm đội thường trực. Cách tổ chức hạm đội lâm thời là trên cơ sở vùng 4 hải quân hoặc vùng 2 hoặc vùng 4 hải quân là hai vùng hải quân mạnh nhất hiện nay, ta sẽ thành lập khung hạm đội Biển Đông gồm các đơn vị trực thuộc vùng cùng lực lượng do cấp trên phối thuộc khi có chiến sự sẽ nhanh chóng hình thành cơ cấu chỉ huy hạm đội Biển Đông trên cơ sở cơ cấu chỉ huy vùng và lực lương tăng cường của bộ Tư lệnh quân chủng. Cách tổ chức hạm đội thường trực là lấy căn cứ Cam Ranh làm căn cứ chính của hạm đội, tổ chức các cơ cấu chỉ huy tham mưu và biên chế các đơn vị sẵn sàng chiến đấu cho hạm đội Biển Đông để thường trực làm nhiệm vụ. Về mặt biên chế, hạm đội Biển Đông được tổ chức gồm 4 phòng: tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, ban tài chính cùng các đơn vị phối thuộc bao gồm; một lữ đoàn tàu ngầm có thể là lữ đoàn tàu ngầm 189, một lữ đoàn tàu tên lửa mặt nước có thể lấy lữ đoàn tàu 162 vùng 4 hải quân hoặc thành lập một đơn vị mới trang bị các tàu chiến đấu tên lửa có sự tiến công mạnh mẽ, một lữ đoàn tàu quét mìn săn ngầm tuần tiễu có thể lấy lữ đoàn tàu 161 vùng 3 hải quân hoặc thành lập khung đơn vị mới để làm nhiệm vụ chống ngầm ở quét mìn, một lữ đoàn tàu đổ bộ có thể lấy lữ đoàn 955 vùng 4 hải quân hoặc thành lập khung mới, một lữ đoàn hải quân đánh bộ có thể lấy lữ đoàn hài quân đánh bộ 101 vùng 4 hải quân hoặc thành lập khung mới, một lữ đoàn đặc công hải quân có thể lấy lữ đoàn đặc công hải quân 126, một hải đoàn tàu vận tải hậu cần tiếp liệu, một căn cứ bảo đảm hậu cần kỹ thuật, một tiểu đoàn thông tin tác chiến điện tử, một trung tâm huấn luyện cùng các quân đội binh chủng phối thuộc. Hạm đội có thể được biên chế một phi đội trực thăng săn ngầm hoặc được đảm bảo phối thuộc từ lữ đoàn không quân hải quân 954 cùng với không quân chiến đấu của quân chủng phòng không không quân. Căn cứ chính của hạm đội đóng ở bán đảo Cam Ranh nhưng các vùng hải quân khác cũng có trách nhiệm đảm bảo tàu thuyền binh lực cho hạm đội.

Về vũ khí trang bị cần ưu tiên trang bị cho hạm đội Biển Đông những vũ khí mạnh và hiện đại để hoạt động cơ động xa bờ trong giai đoạn đầu có thể biên chế các tàu ngầm Kilo 636 của lữ đoàn tàu ngầm 189 cùng các tàu chiến gepard của lữ đoàn 162 làm nòng cốt cho hạm đội sau đó nên đầu tư mua sắm các tàu chiến từ 2000 đến 4000 tấn có khả năng phòng không hạm đội, khả năng tấn công tầm xa cả đối hải và đối đất lên đến 300km cũng như khả năng săn ngầm mạnh mẽ để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Tất nhiên đây chỉ là những phác thảo cá nhân của chúng tôi về ý tưởng thành lập hạm đội Biển Đông cụm lực lượng cơ động mạnh của hải quân nhân dân Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới