Friday, April 26, 2024
Trang chủNước Việt đẹpDu lịch Hà Nội, không thể quên những danh lam thắng cảnh...

Du lịch Hà Nội, không thể quên những danh lam thắng cảnh nổi tiếng

Những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Nội không chỉ được du khách trong nước yêu thích mà với du khách nước ngoài, đây là những điểm không thể bỏ qua.


Tháp Rùa – Hồ Hoàn Kiếm

Đứng đầu trong danh sách những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Nộ chính là Hồ Hoàn Kiếm. Hồ nằm ở vị trí trung tâm của thành phố và được ví như “trái tim” của thủ đô.

Hồ Hoàn Kiếm còn có tên gọi khác là Hồ Gươm bởi nó gắn liền với sự tích trả gươm thần huyền thoại của vua Lê Lợi cho Rùa Vàng. Mặt hồ xanh màu rêu cổ kính như một tấm gương khổng lồ soi bóng những cây cổ thụ cành lá sum suê, những rặng liễu rủ thướt tha cùng toà nhà Bưu điện và dãy nhà cao tầng xung quanh vươn lên giữa trời xanh.

Giữa lòng hồ, trên một bãi cỏ nhỏ xanh rờn là Tháp Rùa uy nghiêm cổ kính lung linh in bóng xuống mặt hồ. Quanh hồ cũng là nơi thường diễn ra những hoạt động, sự kiện văn hóa, bắn pháo hoa, biểu diễn nghệ thuật sôi động của thành phố. Đây chắc chắn là địa điểm thích hợp để du khách lựa chọn đặt khách sạn gần khu phố cổ Hà Nội, vừa tiện ăn uống, đi lại và tham quan phố cổ cùng Hồ Hoàn Kiếm.

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Khi giới thiệu về danh lam thắng cảnh Hà Nội thì chắc chắn phải kể đến Văn Miếu Quốc Tử Giám, nơi không chỉ là quần thể di tích lịch sử văn hóa với những nét kiến trúc cổ xưa đầy nghệ thuật mà còn là nơi đào tạo ra những người tài giúp xây dựng và gìn giữ đất nước, khiến thế hệ sau luôn trọng vọng.

Ngày nay, Văn Miếu Quốc Tử Giám được rất nhiều sĩ tử, học trò đến cầu may mắn trong thi cử và học hành. Nơi đây cũng thường xuyên đón những đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vãn cảnh

Hoàng Thành Thăng Long

Không chỉ là danh lam thắng cảnh Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long còn là một trong các di sản văn hóa thế giới được UNESCO (tổ chức khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc) công nhận.

Công trình kiến trúc uy nghiêm và đồ sộ này mang nhiều giá trị lịch sử quan trọng của dân tộc ta. Đây là kinh thành dưới các triều đại nhà Lý, Trần Lê và Nguyễn. Chính vì thế, nơi đây thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Bên cạnh đó, không gian cực kỳ rộng rãi, thoải mái cùng nhiều góc cạnh đẹp, khiến Hoàng thành Thăng Long cũng là một địa điểm chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm đầy độc đáo, được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Chùa Hương

Chùa Hương còn có tên gọi khác là chùa Hương Sơn, nằm ở xã Hương Sơn, Huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương Hà Nội được biết đến là một quần thể di tích cổ, tâm linh với nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là nét văn hóa tâm linh.

Chùa Hương có lịch sử từ thế kỷ 15. Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17, bị hủy hoại trong chiến tranh Đông Dương năm 1947, sau đó được phục dựng lại từ năm 1989 do Hòa thượng Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hoà thượng Thích Thanh Chân.

Cả quần thể kiến trúc chùa Hương nằm rải rác trong thung lũng suối Yến, gồm có chùa Ngoài, và chùa Trong.

Từ bến Đục ngược lên suối Yến, du khách sẽ đến được chùa Ngoài, hay vẫn thường được gọi là chùa Trò. Chùa Ngoài có tam quan được cất trên 3 khoảng sân vô cùng rộng lớn được lát gạch hoàn toàn, cùng với một tháp chuông 3 tầng mái được dựng ở sân thứ ba. Điểm nhấn đặc biệt nhất của khối kiến trúc này nằm ở hai đầu hồi tam giác được lộ ra ở trên tầng cao nhất, điển hình cho lối kiến trúc cổ xưa.

Chùa Hương ngày nay không chỉ là một ngôi chùa và một hang động nhỏ mà đã trở thành một quần thể lớn gồm các chùa, đền, miếu thờ khác nhau, có thể kể đến như: Suối Yến, Đền Trình, Bến Đục, chùa Thiền Trù, động Hương Tích…với cảnh quan vô cùng đẹp, hội tụ cả trời mây, non nước. Bởi thế, với nhiều du khách, đi du lịch Hà Nội thì không thể quên vãn cảnh chùa Hương.

Chùa Thầy

Chùa Thầy còn có tên gọi khác là chùa Cả, chùa Thầy nằm ở chân núi Sài Sơn, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km về phía Tây Nam. Chùa được xây dựng vào thời Lý Nhân Tông (1072 – 1127) và là nơi lưu dấu tu hành của một vị cao tăng thời Lý – Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Ngay khi đặt chân tới chùa, du khách sẽ không khỏi ấn tượng với khung cảnh nơi đây được bao bọc bởi núi đồi hùng vĩ. Chùa Thầy ở Sài Sơn Quốc Oai xây dựng theo kiến trúc thời nhà Lý, có lối xây chữ Tam gồm ba chùa nằm song song với nhau dựng trên nền cao bó đá hộc xanh.

Tòa ngoài là nơi lễ bái của tăng ni phật từ và nơi dạy học, giảng đạo của nhà sư gọi là nhà tiền tế hay chùa Hạ. Tòa giữa là nơi thờ Tam Bảo, là trung điện hay chùa Trung. Và tòa trong cùng là nơi đặt ba pho tượng chuyển kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh, với tòa bảo điện đồ sộ, nguy nga gọi là thượng điện hay chùa Thượng. Ngoài ra còn có những đền thờ và gác chuông nằm xen kẽ trên con đường lên núi.

Trước sân chùa Thầy, tòa Thủy đình nổi lên như bông sen trên mặt nước với những mái đao uốn cong làm cho cảnh sắc nơi đây thêm cổ kính. Đặc biệt vào những ngày tháng ba, cây gạo cổ thụ trước sân chùa lại đơm hoa nở đỏ rực một góc trời khiến cho người hành hương vãn cảnh không khỏi thích thú.

Người dân nơi đây cho rằng, khi hoa gạo rơi xuống là mùa lễ hội, cảnh chùa Thầy sơn thủy hữu tình kết hợp với màu hoa gạo đỏ biểu trưng cho sự may mắn. Đến chùa Thầy tham quan, du khách có thể thoải mái thả hồn ngắm cảnh xung quanh.

Đền Ngọc Sơn

Cầu Thê Húc màu đỏ son, cong cong dẫn vào đền Ngọc Sơn ẩn sau những bóng đa cổ thụ. Đền được xây dựng vào thế kỉ 19 và là công trình điển hình về không gian và tạo tác kiến trúc. Với sự kết hợp hài hoà giữa đền và hồ, Đền Ngọc Sơn cùng với Hồ Hoàn Kiếm đã tạo nên một tổng thể kiến trúc Thiên – Nhân hợp nhất, mang lại không gian chan hoà giữa thiên nhiên và con người.

Người dân cùng nhiều du khách khi dạo bước bên Hồ Gươm vẫn thường hay đi vào Đền Ngọc Sơn thắm nén hương và nguyện cầu những điều tốt đẹp. Đền Ngọc Sơn, cùng với Hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên đã trở thành một cụm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hà Nội mang nét kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu mà du khách không thể bỏ qua khi đến thăm thủ đô.

Chùa Một Cột

Nằm trong Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chùa Một Cột là một thắng cảnh Hà Nội có tiếng thu hút rất nhiều du khách khi đến với thủ đô. Chùa có kiến trúc vô cùng độc đáo với kết cấu hình vuông nằm trên trụ đá giữa một hồ sen xanh lá, tựa như một đoá hoa sen nổi lên giữa mặt hồ.

Ô Quan Chưởng

Là cửa ô duy nhất còn sót lại của thành Thăng Long xưa, Ô Quan Chưởng không chỉ mang vẻ đẹp kiến trúc mà còn in đậm dấu ấn hào hùng bi tráng của lịch sử. Được xây dựng từ năm 1817, ban đầu cửa ô có tên là ô Đông Hà gồm 2 tầng được xây theo kiểu vọng lâu – kiểu kiến trúc đặc trưng ở thời Nguyễn. Tên gọi ô Quan Chưởng sau này được nhân dân đặt để tưởng nhớ sự hi sinh anh dũng của viên chưởng cơ và binh lính nhà Nguyễn trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp khi chúng đánh thành Hà Nội.

Ngày nay ô Quan Chưởng nằm trên con phố cùng tên, là nơi buôn bán nhiều mặt hàng đa dạng luôn nhộn nhịp người qua lại. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và thời gian, ô Quan Chưởng cũng phải trùng tu, sửa chữa lại nhiều lần. Bởi vậy những nét cổ kính rêu phong xưa cũng ít nhiều trở nên mai một, thế nhưng nơi đây vẫn là một trong những danh thắng ở Hà Nội, nơi lưu dấu vết tích của một thời kinh thành xưa.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới